Lại sắp điều chỉnh giá xăng?


Trong bối cảnh tỷ giá, giá xăng thế giới tăng, sức ép điều chỉnh giá trong nước lần thứ 2 liên tiếp trong 30 ngày được cho là có cơ sở.

Theo chu kỳ 15 ngày, nhiều khả năng, Liên bộ Công Thương – Tài chính sẽ tiếp tục đưa ra công bố về điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 20/5. Trước đó, ngày 5/5, lần đầu tiên trong năm, giá xăng tiệm cận mốc 20.000 đồng/lít, sau lần giảm kỷ lục hồi đầu năm xuống mức 15.670 đồng/lít.

Cách tính giá xăng đã được nêu rõ trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Giá bán lẻ xăng dầu được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó giá CIF chiếm tỷ trọng lớn. Giá nhập khẩu từ Singapore là thành phần chính cấu thành giá CIF. Bởi vậy, trong 5 tháng đầu năm, việc tăng hoặc giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những biến động tại thị trường Singapore.

Kể từ 5/5 đến 18/5, giá bán lẻ xăng trung bình tại Singapore – thị trường chính Việt Nam nhập khẩu xăng dầu – luôn ở mức 80-83 USD một thùng. Cá biệt, ngày 18/5, giá bán lẻ xăng tại Singapore đã đạt mức gần 84 USD, cao nhất kể từ tháng 11/2014, theo số liệu của Bộ Công Thương.

Giá xăng trung bình tại Singapore trong chu kỳ này khả năng sẽ cao hơn so với 15 ngày trước đó, vốn phần lớn chỉ dao động từ 73-78 USD một thùng. Như vậy, giá CIF nhiều khả năng sẽ tăng lên, cùng với việc tỷ giá được nới lỏng trong thời gian qua sẽ tác động tới giá bán lẻ xăng dầu trong nước. 

Ngày 12/5, Bộ Tài chính đã công bố tình hình trích lập, sử dụng và số dư Quỹ bình ổn quý I/2015 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo đó, tính đến hết ngày 31/3, số dư quỹ đạt 2.843,648 tỷ đồng và tổng số sử dụng trong quý I là 3.303,646 tỷ đồng. Như vậy, Quỹ bình ổn đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với số dư cuối năm 2014 do trong quý I/2015, số sử dụng nhiều hơn số trích lập được. 

Trong cơ cấu giá xăng từ ngày 5/5 đến nay, mức chênh lệch thu – trích Quỹ bình ổn đang âm 1.137 đồng/lít (thu 300 đồng, trích 1.437 đồng). Các nhiên liệu khác cũng đều đang trong tình trạng chi nhiều hơn trích. Như vậy, trước tình hình giá nhập khẩu có xu hướng tăng lên so với chu kỳ trước, cộng thêm việc Quỹ bình ổn trong thời gian qua giảm xuống, áp lực tăng giá xăng rõ ràng không phải là không có.

Trao đổi với Zing.vn, một chủ đại lý xăng dầu cho biết, khả năng giá xăng trong đợt điều chỉnh lần này sẽ tăng. Theo vị này, quỹ bình ổn của nhiều đầu mối xăng dầu đã cạn kiệt, cộng thêm giá nhập khẩu và tỷ giá tăng dẫn tới sức ép tăng giá bán lẻ. Cơ quan điều hành cũng khó có thể liên tiếp sử dụng Quỹ bình ổn trong bối cảnh các yếu tố cấu thành giá xăng đều tăng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhìn thấy áp lực tăng giá xăng hiện hữu. Ông cho biết, phân tích các yếu tố như giá thế giới, giá ở thị trường Singapore, quỹ bình ổn… có thể thấy, trong chu kỳ 15 ngày qua, xu hướng tăng giá của nhiên liệu này khá rõ. Còn Quỹ bình ổn hiện tại chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, đến chu kỳ mới, việc điều chỉnh cuối cùng vẫn dựa vào mức giá cơ sở tính được. Nếu giá cơ sở vượt xa 20.000 đồng, tăng ở mức nào và trích quỹ bình ổn ra sao sẽ được tính toán cụ thể và linh hoạt. Gần đây nhất, trong lần tăng giá xăng thêm 1.950 đồng/lít hôm 5/5, giá cơ sở tính được là 20.673 đồng/lít, trong khi mức sử dụng quỹ bình ổn là 1.437 đồng.  

Theo Zing


Các tin cùng chuyên mục