Đó là những ngôi trường với thế đứng sừng sững hướng ra biển Đông. Những ngôi trường mới được xây dựng trên thị trấn Trường Sa, xã đảo Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục nơi hải đảo xa xôi; để các thầy cô giáo, các cháu học sinh yên tâm đến trường, thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, để cha mẹ các cháu yên tâm bám biển.
“Trường to vầy con chỉ thấy trong đất liền!”
Hai giờ chiều, buổi lễ khánh thành trường học mới trên đảo Sinh Tồn mới chính thức diễn ra, thế nhưng ngay từ trưa, trẻ con trên đảo đã được ba mẹ thay quần áo mới, tung tăng chạy nhảy trong sân trường. Các em hết chạy ra chạy vô trong phòng học mới còn thơm mùi sơn, lại đuổi nhau quanh những gốc cây phong ba trước sân trường.
Ngôi trường mới vừa được hoàn thành có đầy đủ phòng học, phòng thư viện, sân chơi và cả phòng nghỉ cho giáo viên. Nắm tay cậu con trai đang học lớp 3, chị Trần Thị Kim Loan vui vẻ nói: “Có trường mới rồi tụi tui mừng lắm vì tụi nhỏ có được một chỗ học hành đàng hoàng, có nơi gọi là trường đàng hoàng”. Còn cậu bé Nguyễn Trần Anh Luân, con chị Loan thì tíu tít: “Mẫy bữa nay mấy đứa tụi con đi xí phần để học phòng riêng rồi. Có trường rồi phải được học lớp riêng chứ như mấy bữa trước, tụi con toàn học chung, quay lưng lại với nhau không hà. Tụi con cãi nhau ỏm tỏi luôn. Mà cô biết không, ngày trước ở đất liền, con mới thấy có trường to đẹp như vầy, không ngờ giờ ra đây, các cô chú xây cho tụi con trường cũng to, cũng bự như vậy. Đã thiệt!”.
Ngước nhìn ngôi trường hai tầng khang trang, thầy Nguyễn Ngọc Hạ cũng không dấu được niềm vui: “Chúng tôi tình nguyện ra đảo xa mang con chữ cho con trẻ cũng mong muốn có được cơ sở vật chất để trường ra trường, lớp ra lớp. Nay thì niềm mong mỏi cũng đã thành hiện thực. Dù xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng không bao giờ các em xa rời con chữ. Việc xây dựng trường học sẽ giúp chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao, giúp thầy và trò yên tâm bám biển, bám đảo”.
“Con thích ăn kem!”
“Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ một mình em tới lớp…”. Tiếng đọc bài trong trẻo của các bé học sinh lớp 1 vang lên trong ngôi trường được khánh thành cách đây đúng một năm trên thị trấn Trường Sa. Lớp học thật khang trang, với đầy đủ tranh ảnh, nội quy lớp học, góc học tập … cho các bé. Các học sinh đang ngồi ngay ngắn đọc bài theo thầy giáo, thấy có khách bèn đứng dậy, khoanh tay cất tiếng chào: “Chào các cô, các chú!” rất lễ phép rồi mới quay lại với việc học.
Thầy Phạm Trung Việt, cho biết hiện tại, trường có hai thầy giáo thay phiên nhau quản lý lớp 1 và lớp mẫu giáo. Về cơ bản, trang thiết bị để dạy và cả đồ chơi, sách vở cho các bé thì không thiếu, cái thiếu nhất là … viết mực. Bởi học sinh cấp 1 đang tuổi tập viết, rèn chữ nên yêu cầu các bé phải dùng bút mực nhưng trên đả hiện chỉ có bút bi, thầy phải nhờ đất liền chi viện!
Giờ ra chơi, các bé ùa ra sân trường như bầy ong vỡ tổ. Nơi đó đã có sẵn khu vui chơi với đu quay, cầu tuột … chờ các bé. Cô bé Tô Phương Linh, răng sún hớn hở khoe: “Cô có được học trường đẹp như trường con không? Mở cửa sổ lớp học là tụi con thấy cây nè, thấy rau nè, thấy gà, vịt của mấy chú bộ đội nuôi thả chạy vòng vòng nữa đó. Trường con cũng có nhiều đồ chơi nhưng cô biết không, có búp bê thì con thích hơn. (Rồi cô bé ghé tai tôi nói nhỏ, con cũng thích ăn kem nữa!”).
Chia tay ngôi trường với những cô cậu học trò bé bé xinh xinh, thông minh, lanh lợi mà tôi không thể quên lời nhắn nhủ của bé Phương Linh: “Con thích ăn kem!”. Và về đất liền, tôi sẽ nhắn nhủ ngay với những ai có dịp ra Trường Sa, bằng cách nào đó hãy mang những que kem ngọt ngào cho những thiên thần nhỏ nơi đảo xa đang cùng ba mẹ các em bám biển, giữ đảo.
Gieo con chữ nơi đảo xa
Tôi đến đảo Song Tử Tây giữa lúc thầy giáo Lê Văn Mạnh đang dạy cho các bé học sinh lớp 2 và lớp mẫu giáo. Lớp học tạm là một căn phòng nằm trong khuôn viên của UBND xã đảo Song Tử Tây. Vì là lớp ghép nên quay trên bảng là các bạn lớp 2, quay ngược lại là các bé lớp mẫu giáo.
Thầy Lê Văn Mạnh tâm sự: “Lớp học ghép thực ra rất khó khăn khi mà thầy giảng một đầu cho lớp này, đầu kia học trò không tập trung, cứ xì xà xì xầm. Nếu có trường, bọn em sẽ phân ra từng lớp riêng dạy dễ dàng hơn. Nề nếp của các cháu sẽ ổn định hơn, quy cũ hơn”.
Đảo nhỏ, ít học sinh nhưng không vì thế mà các thầy không tổ chức cho các bé thực hành thể dục, chơi trò chơi vận động. Bóng bàn, bóng chuyền, nhảy dây, các thầy đều phân bố thời gian đủ cho học trò được tham gia hết các môn. Tuy nhiên, theo thầy Mạnh, hiện lớp tạm đang thiếu đồ dùng dạy học theo chương trình của các khối lớp. Vì thế, các thầy phải tận dụng lợi thế thực tế trên đảo đả dạy cho trò cho “trực quan sinh động”. Chẳng hạn, với học sinh lớp 2, đến tiết học liên quan đến con vật, thầy sẽ gợi ý các cháu xem trên đảo ta có con gì hai chân, bốn chân. Học trò cứ thế mà tìm: Dạ chim, cò, gà, bò, heo. Con nhỏ hơn: mèo, chó, chuột… bài học vẽ liên quan đến thực vật thì cứ lá bàng vuông, phong ba, bão táp hay các loại rau có trên đảo đều được các thầy mang ra vận dụng. Thế nhưng, đụng đến những con vật mà trên đảo không có, cần đến tranh ảnh thì thầy cũng … thua, đành phải nhờ viện trợ từ đất liền. Nhưng xa xôi cách trở nên không phải lúc nào thầy và trò cũng được đáp ứng.
“Sang năm tụi con có trường mới rồi cô à. Tụi con sẽ có lớp học riêng nè, có thư viện nè, có khu vui chơi nữa. Con thích lắm. Lúc đó con với các bạn và cả mấy đứa em tụi con nữa tha hồ học, tha hồ chơi đó cô!”, bé Bảo Châu, học sinh lớp 2, bé xíu như chim chích bông vui vẻ khoa với tôi.
Những ngôi trường trên huyện đảo Trường Sa được xây dựng không chỉ bằng những vật liệu thông thường như xi măng, sắt, thép… mà nó còn được xây lên từ tấm lòng của hàng triệu đồng bào ta ở trong và ngoài với tinh thần “cả nước vì Trường Sa thân yêu” và “vì học sinh Trường Sa thân yêu”.
Trí Thiên ( Theo GD&TD)