17 năm trong ngành là quãng thời gian đủ dài để Huấn Nguyễn hiểu rất rõ rằng một cảnh sát, trong bất cứ tình huống nào, cần phải luôn duy trì một cái đầu lạnh, ý chí sắt.
Giấc mơ dang dở của gia đình gốc Việt
Ngày 6/5, một vụ giết người bởi chiếc xe điên xảy ra gần khu phố Little Saigon, nơi sĩ quan cảnh sát người Mỹ gốc Việt Huấn Nguyễn sinh ra, lớn lên và hiện đảm nhiệm vai trò tuần tra, đã cướp đi sinh mạng người đồng hương của anh. Nạn nhân là tài xế xe buýt, ra đi ở độ tuổi 37 bỏ lại người vợ cùng hai đứa con nhỏ, mà một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ nghiêm trọng.
Vợ chồng anh Phước Lâm và chị Diệu Huỳnh kết hôn tại Việt Nam năm 1998, nhưng rồi phải sớm xa nhau khi anh sang Mỹ làm việc. Năm 2006, hai vợ chồng đoàn tụ cũng là lúc cậu con trai đầu tiên chào đời. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi qua với gia đình nhỏ của anh chị, dù thiếu thốn song vẫn ngập tràn hạnh phúc.
Huấn Nguyễn đến thăm gia đình nạn nhân.
Buổi sáng định mệnh ấy, tranh thủ chút thời gian rảnh, hai vợ chồng anh Phước Lâm và chị Diệu Huỳnh cùng đi mua sắm một số thứ chuẩn bị sinh nhật cho chị. Khi đang chạy xe trên đường, anh Phước Lâm đột ngột thắng gấp để tránh tông vào một chiếc Volkswagen Jetta vừa lao ra từ khu nhà di động. Sau đó, anh xuống xe để kiểm tra và rồi hai bên lời qua tiếng lại. Khi vợ anh thấy hai bên to tiếng, bước xuống xe để xem xét tình hình thì chồng chị bất ngờ bị bắn. Chứng kiến chồng ngã quỵ trước mắt mình, mọi thứ đối với chị dường như bỗng chốc sụp đổ theo. Sự đau đớn khiến chị chỉ biết ngồi bên các con, nước mắt lặng lẽ rơi thay tiếng than chưa thể cất thành lời.
Sau khi hoả táng chồng, chị nén nỗi đau, cố vực dậy sống vì hai con nhỏ, song trước mắt chị là tương lai mù mịt, là Giấc mơ Mỹ phủ màu đau thương bởi hai vợ chồng không có một khoản tiết kiệm nào cả. Bốn người sống trong một căn hộ chung cư tồi tàn hai phòng ngủ với giá 1.200 đô/tháng, trong một khu phố đầy rẫy tội phạm và tệ nạn. Chồng chị vốn là tài xế cho một hãng xe buýt của người Việt, công việc căng thẳng và mệt mỏi kéo dài cả 7 ngày trong tuần, lặp đi lặp lại một hành trình từ đầu này đến đầu kia của bang.
Vào mỗi sáng thứ bảy, anh có nửa ngày nghỉ ngơi, cả nhà bốn người sẽ cùng đến ăn pizza ở Chuck E.Cheese. Là một con người chăm chỉ và giàu nghị lực, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, anh Lâm vẫn từ chối nhận hỗ trợ về nhà ở hay tem phiếu thực phẩm, anh tin rằng vợ chồng anh còn trẻ, cứ cần cù siêng năng là có thể tự lo được cuộc sống cho mình. Song cuộc đời không như là mơ, hay có lẽ giấc mơ đẹp đẽ ấy chưa kịp đến với gia đình họ một lần thì anh ra đi, đẩy chị vào cơn ác mộng lớn nhất đời nơi đất khách quê người.
Chân dung “người đặc biệt” quyên góp tiền giúp gia đình nạn nhân
Biết đến tình cảnh khó khăn của gia đình nạn nhân, Huấn Nguyễn đã làm một việc xưa nay chưa từng có tiền lệ, anh tâm sự: “Cảnh sát chúng tôi luôn cố gắng khống chế cảm xúc, tránh để ảnh hưởng đến công việc, song đôi khi việc kiềm chế thật khó khăn. Có những lúc tâm trí tôi dường như bị bao trùm bởi một thứ gì đó”. Huấn Nguyễn đến thăm gia đình nạn nhân, cùng họ chia sẻ nỗi đau mất đi người thân, cũng là trụ cột chính trong nhà. Bạn bè, người thân đến chia buồn, những nén hương nghi ngút khói, di ảnh của anh được bao quanh bởi những bó hoa.
Vào 4h chiều, chị Diệu Huỳnh vẫn đều đặn đặt trước di ảnh của anh một cốc cà phê và bao thuốc lá như thói quen lúc anh còn sống. Chăm chú nghe chị kể lại những kỷ niệm ngày xưa, Huấn Nguyễn chỉ biết vỗ nhẹ vào cánh tay chị an ủi, mà trong lòng anh không khỏi dấy lên một nỗi xót xa. Dù họ có sinh ra, lớn lên và định cư ở đất Mỹ, trong họ vẫn chảy chung dòng máu Việt Nam, vẫn là những con người rất trọng tình cảm. Tựa sâu vào chiếc ghế bành với hai cậu con trai 4 và 7 tuổi, chị kìm nén những giọt nước mắt, kể với Huấn Nguyễn rằng cậu con trai nhỏ, Steven, vẫn luôn đòi mẹ đi tìm bố. Còn cậu con lớn, Henry, thì không thể nói, chỉ biết lặng lẽ ôm và hôn mẹ.
Chị Diệu Huỳnh cho biết mình không thể rời mắt khỏi Henry bởi chỉ cần sơ sẩy, cậu bé sẽ vùng ra tung cửa và lao ra đường. Cậu bé cũng có thể bị lên cơn co giật bất cứ lúc nào, cho nên chị cần phải liên tục để ý và chăm sóc con. Cũng là bố của hai đứa trẻ, Huấn Nguyễn không xa lạ gì với nỗi lòng của bậc cha mẹ, song với trường hợp đặc biệt này, anh biết họ đang rất cần sự giúp đỡ và làm thế nào để giúp ba mẹ con là điều khiến anh trằn trọc không yên. Trước hoàn cảnh khó khăn của người đồng hương dù vốn không hề quen thân từ trước, Huấn Nguyễn quyết định tìm mọi cách giúp đỡ ba mẹ con chị Diệu Huỳnh. Biết sự giúp đỡ của cá nhân mình có hạn, anh nhờ những đồng nghiệp của mình.
Ban đầu họ cũng ngạc nhiên và hoài nghi, cũng bị dao động bởi lý tưởng công tư phân minh. Hơn nữa, có biết bao nhiêu gia đình nạn nhân khó khăn như thế, thậm chí còn hơn thế, Huấn Nguyễn giúp được một, nhưng liệu có đủ sức giúp được mười? Nhưng rồi cảm động trước sự nhiệt tình của người đồng đội gốc Việt, họ dần bị thuyết phục cùng anh hỗ trợ phần nào cho người vợ bất hạnh, rồi họ lại cùng nhắn tin đến gia đình và những người bạn của họ với mong muốn kêu gọi được nhiều hơn sự hỗ trợ cho ba mẹ con chị Diệu Huỳnh trong giai đoạn khó khăn. Sau đó, nghe theo lời khuyên của bạn bè, Huấn Nguyễn đã lập một trang web hoạt động như một quỹ từ thiện quyên góp tiền.
Hiện nay, 3 tuần sau cái chết của anh Phước Lâm, vợ con anh đã nhận được gần 100 nghìn đô từ những tấm lòng hảo tâm không chỉ trong cộng đồng người Việt ở Houston, Boston, New York và thậm chí ở cả London. Trước nghĩa cử cao đẹp ấy, chị Diệu Huỳnh vô cùng xúc động, với vốn tiếng Anh hạn hẹp, chị chỉ có thể bộc bạch sự chân thành qua những từ ngữ giản đơn: “Tôi thực sự rất biết ơn, và cũng bất ngờ vô cùng!”.
Huấn Nguyễn và con trai thứ hai – Steven Lâm.
Theo bà Mai Feernandez, Giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia dành cho các nạn nhân của những tội ác nói rằng số lượng người gây quỹ cho các nạn nhân đang ngày một tăng, song những người đó thường là bạn bè hay gia đình của họ. Bà nói thêm: “Tôi chưa từng thấy một sĩ quan cảnh sát làm việc này bao giờ. Anh ta quả thật là một người đặc biệt. Khi mà ngoài xã hội có hàng trăm, hàng nghìn tấn bi kịch, thì cũng có rất nhiều những người anh hùng xuất hiện. Tuyệt vời làm sao khi chứng kiến những tấm lòng hảo tâm. Mọi người thực sự rất quan tâm đến nhau”.
Còn riêng với “người đặc biệt” Huấn Nguyễn, anh không còn lo sợ tình cảm chi phối công việc nữa, anh chỉ đơn giản cảm nhận được sĩ quan cảnh sát cũng chỉ khác người thường bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của họ là bảo vệ cho người dân và đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp hơn, nếu chỉ cứng nhắc làm theo trách nhiệm mà bỏ mặc những khó khăn của người khác thì chỉ làm họ thêm xa cách với đời thường mà thôi. Khi được phỏng vấn về nghĩa cử cao đẹp của mình, Huấn Nguyễn, cảnh sát viên âm thầm gây quỹ cho gia đình nạn nhân với sự ủng hộ tuyệt đối của cảnh sát trưởng San Jose, Larry Esquivel, là một người hay xấu hổ khi được chú ý quá mức. Anh nói: “Nhưng sự chú ý đấy đâu phải dành cho tôi. Việc của tôi là giúp đỡ mọi người. Dù sự thực là bao nhiêu tiền cũng không thể thay thế được người chồng, người cha đã mất, nhưng lại rất cần thiết cho tương lai của bọn trẻ”.
Theo CSTC