Hội chứng ngưng thở lúc ngủ là một bệnh lý rất thường gặp hiện nay. Tuy nhiên nếu không có sự tư vấn của chuyên gia về giấc ngủ và các thiết bị y tế chuyên dụng rất khó nhận ra. Vì vậy ngay khi thấy có dấu hiệu khác lạ, bạn cần đến bác sĩ để chẩn đoán kịp thời.
Hội chứng ngư thở khi ngủ là gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ (HCNTKN) là ngưng thở hoàn toàn trong khoảng 10 – 30 giây khi ngủ và nhiều hơn 30 lần/đêm. Nguyên nhân là do đường hô hấp bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong khi đang ngủ, gây ngừng thở và làm người bệnh thức giấc. Tại Mỹ, một nghiên cứu phát hiện, ngừng thở khi ngủ xảy ra ở khoảng 4% nam giới và 2% nữ giới trong độ tuổi lao động. Còn tại Anh, 1% nam giới bị bệnh này. Hội chứng này có ba loại:
HCNTKN tắc nghẽn: là một tình trạng ngáy nặng với những đợt ngưng thở liên tiếp trong khi ngủ do đường hô hấp trên bị tắc nghẽn một phần hay toàn phần.
HCNTKN trung ương: khi tín hiệu điều khiển hô hấp từ não bị chậm lại trong các trường hợp tổn thương não.
HCNTKN hỗn hợp: gồm cả hai loại trên.
Triệu chứng bệnh: ngáy to, ngưng thở về đêm, giấc ngủ không yên, vã mồ hôi trong đêm, bật dậy trong đêm vì cảm giác ngộp thở, tiểu đêm nhiều lần. Ban ngày hay nhức đầu vào buổi sáng, buồn ngủ quá mức, giảm trí nhớ, có triệu chứng trầm cảm, giảm ham muốn tình dục…
Những ai dễ bị hội chứng này?
Hội chứng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi trung niên, tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ. Những người có nhiều nguy cơ bị mắc HCNTKN tắc nghẽn:
– Béo phì: có nguy cơ gấp 3 lần người bình thường.
– Đối tượng có bất thường về đường hô hấp trên như: Amidan quá phát, khẩu cái mềm và lưỡi gà quá lớn, lưỡi lớn và dày, hàm nhỏ, hàm ra sau, xương móng thấp hơn bình thường…
– Tiền sử nghiện rượu, dùng thuốc an thần, thuốc gây nghiện, trong gia đình có người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ…
– Đối tượng mắc bệnh đái tháo đường, suy tuyến giáp…
Hậu quả: Gây mệt mỏi khi thức dậy, trầm cảm. Nguy cơ bị cao huyết áp do thiếu oxy, loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, giảm ham muốn tình dục… Đồng thời gây hậu quả nặng nề về tâm lý xã hội, dễ gây tai nạn lao động, lái xe…
Ngáy to – biểu hiện của hội chứng ngưng thở lúc ngủ
Ngáy to có thể là biểu hiện của chứng ngừng thở khi ngủ, thường gặp ở người béo phì. Bệnh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thậm chí có thể gây tử vong trong một số trường hợp do làm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim. Tần xuất ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn gia tăng theo tuổi tác, từ 30 – 60 tuổi, 2% phái nữ, 4% phái nam và khoảng 60% người lớn tuổi mắc phải.
Chu kì ngáy và ngưng thở khi ngủ: HCNTKN do tắc nghẽn bắt đầu bằng ngáy, sau đó là ngưng thở từ 10 – 20 giây và không còn phát ra tiếng ngáy. Ở cuối giai đoạn ngưng thở người bệnh thường trở giấc trong trạng thái lơ mơ, lúc này trương lực cơ họng, lưỡi, màng hầu tăng lên giúp đường thở mở ra, tiếp đến với tiếng khịt mũi hoặc âm ú ớ phát ra từ họng, cuối cùng bệnh nhân thở trở lại và tiếp tục ngủ. Chu kỳ ngáy có thể xảy ra 5 – 7 lần trong một giờ ngủ, và lặp lại nhiều lần trong đêm.
Tư thế ngủ để tránh hội chứng ngưng thở
Theo báo The Times of India cho biết, tư thế ngủ tốt nhất là nằm ngửa. Tư thế này giúp ngừa đau cổ và lưng, giảm chứng trào ngược a-xít và giảm thiểu nếp nhăn. Ngủở tư thế nằm ngửa giúp đầu, cổ và cột sống của bạn dễ duy trì vị trí trung tâm. Tuy nhiên, những người bị HCNTKN hoặc ngáy nhiều nên tránh nằm ngửa khi ngủ. Tốt nhất là nằm nghiêng một bên, có thể hỗ trợ bằng một gối dài chèn ở lưng để có được giấc ngủ ngon.
Ngoài ra, người mắc hội chứng này nên tập thể dục thường xuyên và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để giảm cân. Tránh dùng rượu, nhất là 4 giờ trước khi ngủ. Tránh dùng các thuốc an thần, thuốc ngủ. Rượu, thuốc an thần và thuốc ngủ gây giãn các cơ họng, làm hẹp lòng đường thở gây ngáy và ngưng thở lúc ngủ.
Tư vấn: BS Nguyễn Xuân Bích Huyên (Nguyên trưởng khoa Hô hấp BV Chợ Rẫy, TP.HCM)