Bệnh Parkinson (còn gọi là bệnh run chân tay) là một căn bệnh xuất hiện nhiều ở người già, đánh dấu sự suy thoái của hệ thống thần kinh, gây ra hiện tượng bắp thịt tê cứng, cử động chậm chạp, thay đổi trong lời nói, tay chân run… gây khó khăn trong đi lại và các hoạt động thường ngày.
Triệu chứng
Parkinson xuất hiện do các tế bào não kiểm soát vận động cơ bắp bị thoái hóa, lượng dopamin (chất có vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu giữa các tế bào) giảm dần trong cơ thể.
Ở giai đoạn sớm, bệnh Parkinson có triệu chứng thường gặp như: mệt mỏi, đau cơ, vụng về khi thực hiện các động tác đơn giản (đi tất, đi giày dép…), rối loạn chữ viết, táo bón, giảm hoạt động một tay khi vận động, vã mồ hôi và bong vảy da ở mặt, đầu gối. Khi bệnh nặng hơn, người bệnh thường run chân tay, thậm chí ngay cả khi nghỉ ngơi; thường xuyên bị cứng cơ và giảm vận động, như cử động của nét mặt chân tay, tư thế không vững.
Những ai dễ mắc bệnh?
Nghề nghiệp: Mọi đối tượng từ 50 tuổi trở lên đều có thể mắc Parkinson. Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy một số nghề có nguy cơ mắc bệnh cao hơn là: giáo viên, bác sĩ, nông dân…
Tiếp xúc nhiều với hóa chất: Sống trong môi trường nông thôn, uống nước giếng, tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hoặc sống cạnh nhà máy gỗ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Đàn ông dễ mắc bệnh hơn phụ nữ 1,5 lần.Theo những nhà nghiên cứu, có thể là do họ tiếp xúc nhiều với chất hóa học và tỉ lệ bị đau đầu cao.Một khả năng khác có thể là do hormon oestrogen của nữ có khả năng chống lại các nguyên nhân gây các bệnh thuộc thần kinh.
Di truyền: Người ta đã chứng minh được rằng có khoảng 5 – 10% bệnh nhân Parkinson có xu hướng di truyền.
Cách phòng chống
Bệnh Parkinson gây ra nhiều trở ngại cho người già trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí gây nguy hiểm khi lái xe, đi lại, làm việc nhà,… và làm giảm tuổi thọ. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng tránh bệnh Parkinson, bằng cách làm tăng lượng dopamine trong não và ngăn ngừa sự thoái hóa của các tế bào thần kinh.
Tập thể dục
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết việc tập thể dục thường xuyên có thể chặn đứng được bệnh Pakinson. Tập thể dục sẽ kích thích việc sản sinh ra một loại protein có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của tế bào thần kinh. Từ những thí nghiệm trên chuột, các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng tập thể dục thường xuyên sẽ ngăn ngừa sự thoái hóa của các tế bào thần kinh.
Bổ sung những thực phẩm tốt cho tế bào thần kinh
– Các loại quả mọng: Các loại quả mọng như trái dâu tây hay trái việt quất có thể là những “vũ khí” giúp phòng ngừa bệnh Parkinson.Theo một nghiên cứu gần đây, những người ăn nhiều các loại quả mọng (ít nhất hai lần/tuần) có nguy cơ bị bệnh Parkinson ít hơn 25% khi so với những người ăn ít (một lần/tháng). Các nhà khoa học cho rằng, có thể những chất chống oxy hóa flavonoid có nhiều trong các loại quả mọng đã giúp bảo vệ các tế bào não tránh bị hư hại.
– Đậu: Không chỉ cung cấp nhiều chất xơ và ít chất béo, các loại họ đậu cũng có chứa protein, chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ. Đậu chứa acid amin được gọi là protein tyrosine, làm tăng lượng dopamine trong não của bạn. Thường xuyên ăn những loại thực phẩm họ đậu làm tăng đáng kể mức độ dopamine và cải thiện hoạt động của não, ngăn chặn thay đổi của thần kinh có thể dẫn tới bệnh Parkinson.
– Các loại hạt:Các loại hạt là nguồn bổ sung protein, đồng thời chứa một chất gọi là phenylalanine. Cũng hoạt động như tyrosine, phenylalanine làm gia tăng đáng kể nồng độ dopamine. Chúng giữ cho mức độ dopamine đủ cao để ngăn ngừa rối loạn não có thể dẫn đến bệnh Parkinson. Các loại hạt như quả óc chó, hạnh nhân, hạt điều, quả hồ đào và đậu phộng, sẽ giúp bạn có được nhiều phenylalanine hơn. Những người đang mắc bệnh Parkinson cũng nên đưa các loại hạt vào thực đơn mỗi ngày, chúng có thể giúp cải thiện bệnh.
– Chuối: Thêm một quả chuối vào chế độ ăn uống hàng ngày, không những bổ sung Kali giúp cơ thể khỏe mạnh, mà còn giúp não của bạn sản xuất dopamine nhiều hơn, có khả năng chống lại các thay đổi gây nên bệnh Parkinson. Ăn một quả chuối với ngũ cốc là thực đơn buổi sáng tuyệt vời để có sức khỏe tốt và phòng bệnh.
– Hạt hướng dương: Hạt hướng dương cung cấp cho bạn một số vitamin E, chất xơ và protein. Hạt hướng dương cũng có chứa một chất gọi là tryptophan, làm tăng mức độ sản xuất dopamine trong não. Thêm ít hạt hướng dương trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn là một cách đơn giản ngăn ngừa bệnh Parkinson.
Các phương pháp chữa Parkinson
Mục tiêu điều trị đối với bệnh Parkinson là vừa kiểm soát những triệu chứng càng lâu càng tốt vừa hạn chế tác dụng phụ. Dựa vào những triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp.
Dùng thuốc: Đây là phương pháp điều trị duy nhất ở Việt Nam. Nhưng dù dùng thuốc đều đặn và đúng chỉ định cũng chỉ có tác dụng trong khoảng 10 năm. Sau đó hiệu quả của thuốc sẽ kém đi và các triệu chứng sẽ khó kiểm soát.
Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ cắt bỏ trung khu não liên quan đến bệnh lý nhằm giảm bớt cử động bất thường của bệnh nhân. Phương pháp này ít được sử dụng vì có thể gây biến chứng rối loạn chức năng khác.
Kích thích điện não bộ: Bác sĩ sẽ phẫu thuật để đặt vào vùng não bệnh nhân 1 hoặc 2 điện cực, đặt dưới da ở lồng ngực máy phát xung điện và máy điện toán cực nhỏ (tất cả nặng 50g). Hai hệ thống này nối với nhau bằng dây dẫn nằm dưới da đầu, cổ và vai. Khi dòng điện tần số cao phóng ra, não bộ sẽ điều chỉnh hoạt động bình thường mà không cần dopamin – một chất não do sản sinh giúp cơ bắp hoạt động nhịp nhàng.
Ghép tế bào: Đây là kỹ thuật phức tạp và có chi phí cao nhất, nên ngay cả các nước tiên tiến cũng hạn chế sử dụng.
Bích Vân