Nếu bạn đã nhận thấy mình có những dấu hiệu này đau ngực kèm theo mệt mỏi cùng cực, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn và chóng mặt… hãy đi khám ngay lập tức.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, 720.000 người Mỹ gặp những cơn đau tim mỗi năm.
“Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau tim thường xảy ra đột ngột và có thể rất dữ dội, kèm theo đau ngực và/hoặc áp lực bắt đầu ở tim tỏa đến các bộ phận khác của cơ thể như xương hàm, vai, lưng, cổ… bụng”, GS Rani Whitfield, bác sĩ gia đình ở Baton Rouge, LA, và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết.
Nhưng bạn có biết rằng đau ngực không do xuất phát từ tim (NCCP) ảnh hưởng đến 25% người lớn ở Mỹ.
Khi đau ngực, một số người có thể gặp tình trạng mệt mỏi cùng cực, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn và chóng mặt. Nếu bạn đã nhận thấy mình có những dấu hiệu này, hãy đi khám ngay lập tức.
4 nguyên nhân gây đau ngực không liên quan đến tim mà bạn không ngờ tới:
1. Trào ngược axit
“Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng đau ngực không phải do tim là bệnh trào ngược dạ dày (GERD)”, TS Whitfield cho biết. GERD là một bệnh tiêu hóa mạn tính xuất hiện khi axit dạ dày chảy vào thực quản, gây kích ứng. Tình trạng này có thể trở nên đau đớn hơn sau bữa ăn.
“Nhưng hãy nhớ rằng sự rối loạn do trào ngược dạ dày – thực quản và do bệnh tim có thể xuất hiện cùng lúc. Đó là lý do tại sao khi có dấu hiệu đau ngực, bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác”, TS Whitfield nói.
2. Trầm cảm và lo âu
Lo lắng, trầm cảm có thể làm cho con người bị đau ngực, nhưng nó không thường liên kết với các vấn đề về tim. Bác sĩ tim mạch, Stephen T. Sinatra, người sáng lập Viện Tim mạch Mỹ cho biết: “Tôi thường nói với bệnh nhân của tôi hãy hít vào để xem sâu được đến đâu. Nhưng khi nghi ngờ nguyên nhân gây đau ngực không phải là lo lắng, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám cẩn thận, đặc biệt là khi cơn đau ngực không biến mất sau đó”.
“Điều quan trọng mà bạn cần lưu ý nữa là, bất kì cơn đau tim nào cũng thường đi kèm với những lo lắng, vì vậy, bạn không được chủ quan”, TS Sinatra nói thêm.
3. Co thắt cơ ngực
Trong một vài tình huống, việc đẩy hoặc kéo vật nặng, mang vác đồ vật hoặc thậm chí tập các tư thế yoga xoắn (khi bạn không đủ linh hoạt) cũng có thể làm căng thẳng cơ bắp ở ngực và gây ra sự khó chịu. Bạn có thể nhầm lẫn sự đau thắt này với đau tim, bác sĩ Sinatra chia sẻ.
Trong trường hợp đau ngực do co thắt cơ ngực, bạn chỉ có thể thực hiện các biện pháp khắc phục như: trở lại tư thế đúng, massage vùng bị đau, chườm lạnh hoặc nóng để hồi phục cơ…
4. Đau vú
Trong một số trường hợp, đau ngực có thể là do những cơn đau vú gây ra. “Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do sự dao động mức độ của hormone estrogen và progesterone trong chu kì kinh nguyệt của người phụ nữ gây ra những thay đổi ở nang vú”, Mary Jane Minkin, GS lâm sàng của khoa sản và phụ khoa tại Trường Y Yale cho biết.
Những khối u vú không phải ung thư thường sẽ biến mất sau khi người phụ nữ kết thúc chu kì kinh nguyệt của mình nhưng nó cũng có thể gây ra những cơn đau.
“Trên thực tế, nhiều phụ nữ bị đau ngực trong những ngày này và họ có thể nhầm lẫn rằng đó là cảm giác khó chịu liên quan đến tim mạch. Thật không may, điều ngược lại cũng có thể xảy ra, tức là cơn đau do tim nhưng lại khiến chị em nhầm lẫn là đau ngực”, TS Minkin cho biết. Vì vậy, ngay khi bạn cảm thấy có sự đau ngực, bạn cần đi kiểm tra sớm để được bác sĩ khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Bên cạnh đó, nếu bạn là người chăm tập thể dục thì “nếu bạn gặp phải những cơn đau ngực khi đang tập thì nên dừng lại và gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay lập tức bởi đó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh tim”, Tiến sĩ Whitfield nói.
Theo Tr.Thu – Trí thức trẻ