1/5 lãnh thổ Việt Nam sẽ bị nhấn chìm nếu nước biển dâng 1 mét


Là một trong 10 đô thị lớn bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu, TP HCM có thể bị ngập 20% diện tích, nếu nước biển dâng cao thêm 1 m. Khoảng 20 triệu dân Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.

Theo dự báo của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường Việt Nam, với mức độ biến đổi khí hậu như hiện nay nếu nước biển dâng 1 mét thì 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập, 20% diện tích TP HCM cũng có nguy cơ ngập. Còn vùng đồng bằng sông Hồng có thể ngập 10%.

Khi đó, đồng bằng sông Cửu Long có đến 35% dân số bị ảnh hưởng và con số này ở TP HCM là 7%. Không những vậy, 4% hệ thống đường sắt, 9% quốc lộ, 12% tỉnh lộ cũng sẽ ngập, không thể đi lại được.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, không riêng gì TP HCM, nếu nước biển dâng 1 mét, 20% lãnh thổ Việt Nam cũng sẽ bị nhấn chìm và 20 triệu dân mất nhà cửa.

Khi đó, 10 – 12% dân số cả nước chịu ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 10% GDP.

5a332e9eaa371e6a7e6effcf8bbc791f 1/5 lãnh thổ Việt Nam sẽ bị nhấn chìm nếu nước biển dâng 1 mét

Nguồn: World Bank

Việt Nam cần tăng cường hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách lồng ghép đầu tư chiến lược hướng tới một tương lai ít phát thải khí carbon vào quá trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách của mình trong những năm tới.

Đây là thông điệp của báo cáo Rà Soát Đầu tư và Chi tiêu công cho Biến đổi Khí hậu, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

Đồng thời báo cáo cũng kêu gọi cần tiến hành xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể để đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo một tương lai thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã tạo ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang đe dọa tiến trình phát triển của đất nước. Đồng thời, do phát triển kinh tế, lượng phát thải khí nhà kính và mật độ carbon của Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Báo cáo cho biết những hành động trong ngắn hạn để tăng cường hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam cần được lồng ghép thành nội dung của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm sắp tới và các năm tiếp theo.

Lồng ghép biến đổi khí hậu vào ngân sách sẽ nâng cao khả năng thích ứng của Việt Nam đối với những tác động của tình trạng khí hậu ấm lên trên toàn cầu, giúp các cộng đồng ít bị tổn thương hơn, và giải quyết những thách thức về phát thải trong khi Việt Nam tiến bước trên hành trình tiến tới một tương lai xanh hơn, thích ứng tốt hơn và thịnh vượng hơn.” Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

“Các phương án được đề xuất trong báo cáo này, nếu được thực hiện, sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này bằng cách tiếp tục đưa chương trình biến đổi khí hậu vào hệ thống lập kế hoạch và dự toán ngân sách của Chính phủ.”

“Các chính phủ trên thế giới đang ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách cải thiện hệ thống dự toán ngân sách và lập kế hoạch, và nâng cao chất lượng chi tiêu công của mình.”Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết. “Báo cáo này giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của đất nước sang một nền kinh tế ít phát thải khí carbon, và giúp Chính phủ đưa ra những quyết định có lợi cho những người dễ bị tổn thương nhất đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu.”

Tuy nhiên, tiềm năng của chương trình vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, vẫn còn tồn tại những vướng mắc, và chưa có hoặc còn thiếu ngân sách để tiến hành một số hoạt động quan trọng.

Theo Trí thức trẻ


Các tin cùng chuyên mục