Năm 2014 tiếp tục là một năm thành công của phong trào vận động và bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Dù không có nhiều sự kiện ‘nổi và rộng’ như ‘Tôi Đồng Ý’, ‘Thức tỉnh để đón cầu vồng’ hay ‘Yêu là cưới’ như năm 2013, nhưng 2014 ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng thể hiện bề sâu và kết quả vận động không mệt mỏi của cộng đồng. Nó cũng là năm mở ra các hướng đi mới, đa dạng, đa chiều cho cộng đồng LGBT hoạt động trong tương lai.
10. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng – một bộ phim tài liệu về cuộc sống của một gánh hát thuộc cộng đồng người chuyển giới của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Bộ phim ra mắt ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội trong tháng 12 năm 2014, được đón nhận bởi cộng đồng LGBT và các tổ chức bảo vệ quyền con người. Đây là bộ phim tài liệu hiếm hoi của Việt Nam có khả năng bán vé thu tiền và phải thêm suất chiếu vì nhu cầu tăng đột biến của khán giả. Bộ phim miêu tả chân thật những khó khăn của cộng đồng chuyển giới trong mưu sinh, trong chống trả lại những kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội. Nhưng cao hơn, nó nói lên thân phận con người, tình yêu thương chia sẻ giữa những con người trong một xã hội biến đổi, bất trắc ở nông thôn Việt Nam.
09. Tạp chí Attitute phiên bản tiếng Việt ra đời đánh dấu sự thừa nhận của xã hội đối với cộng đồng LGBT. Tạp chí nhắm đến nhu cầu giải trí, thông tin của cộng đồng như một sản phẩm thương mại, mở đường cho doanh nghiệp quan tâm và hướng đến cung cấp dịch vụ cho cộng đồng này. Đây chính là hướng đi đúng, sau khi có nhiều doanh nghiệp ủng hộ quyền của LGBT, đưa văn hóa tôn trọng sự đa dạng và không kỳ thị phân biệt đối xử vào nội quy công ty.
08. Bộ luật dân sự sửa đổi xem xét đưa nội dung quyền thay đổi họ, tên, quyền thay đổi giới tính của người chuyển giới vào nội dung luật. Ngay trong cuộc họp Ban thường vụ Quốc hội ngày 23 tháng 12 năm 2014, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị luật hóa quyền chuyển đổi giới tính cho người chuyển giới. Đây là bước đi quan trọng của Ban soạn thảo, Bộ tư pháp trong việc luật hóa quyền con người của người chuyển giới. Tuy Bộ luật dân sự chỉ được thông qua vào năm 2016 nhưng những đóng góp ban đầu của các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng người chuyển giới đã được Ban soạn thảo ghi nhận, và coi quyền thay đổi họ, tên, quyền thay đổi giới tính là một quyền nhân thân quan trọng cần quy định.
LGBT
07. “Hành trình hiểu về con” là chuyến đi xuyên Việt Nam của PFLAG, nhóm các bà mẹ có con là người đồng tính, song tính và chuyển giới đến các tỉnh và thành phố trên cả nước. Đây là chuyển đi đánh dấu sự lớn mạnh và năng động của PFLAG trong việc bảo vệ quyền con người của “những đứa con cầu vồng”. Nó mở ra sự phát triển độc lập của PFLAG thành phố Hồ Chí Minh cũng như PFLAG ở các tỉnh. Chính sự tham gia của PFLAG trong vận động cho Luật hôn nhân và gia đình đã tạo ra hiệu quả lớn, thì sự tham gia vận động cộng đồng LGBT và cha mẹ họ của PFLAG cũng tạo ra hiệu ứng tốt.
06. Sự phản đối của nhiều người trong cộng đồng LGBT, đặc biệt của những người bảo vệ quyền con người, chống kỳ thị với phim “Để Hội Tính” và phát ngôn gây sốc của Yanbi “thế giới thứ ba đang hủy hoại Việt Nam” đánh dấu một bước trưởng thành mới của cộng đồng. Những ý kiến khác nhau, đa chiều, có người khen, người chê, người phản đối những chi tiết gây kỳ thị người chuyển giới trong phim “Để Hội Tính” đã thể hiện một cộng đồng LGBT đa dạng, độc lập và tự chủ. Sự phản đối của cộng đồng với sự miệt thị của Yanbi đã kéo theo sự lên tiếng của các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khiến Yanbi phải đính chính. Sự chủ động lên tiếng bảo vệ quyền của mình chắc chắn sẽ giúp ngành công nghiệp giải trí của Việt Nam nhân văn hơn, nhạy cảm hơn với hình ảnh người LGBT nói riêng, và các nhóm thiểu số nói chung.
05. Sự kiện “LGBT Tôn Vinh – LGBT Apprecication” tôn vinh những cá nhân, cộng đồng và tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của cộng đồng LGBT. Là năm thứ hai được tổ chức, LGBT Appriciation đã thu hút được hơn 33.000 lượt bình chọn cho 18 hạng mục giải thưởng qua website chính thức của sự kiện. Bên cạnh những khuôn mặt thân thuộc với cộng đồng như ca sĩ Thu Minh, Người mẫu Hà Anh, năm nay giải cũng có sự góp mặt của nhiều người như Đại biểu quốc hội Đinh Thị Bạch Mai hay John Huy Trần. Những cá nhân làm động lực cho sự phát triển của cộng đồng như Lương Thế Huy, Nguyễn Thanh Tâm và Trần Chí Thiện cũng được nêu tên vì sự đóng góp của họ.
04. Việt Nam đầu tiên bỏ phiếu thuận cho một nghị quyết của Hội đồng nhân quyền về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới vào ngày 26 tháng 9 năm 2014. Đây là một bước ngoặt trong quan điểm chính thống của chính phủ Việt Nam về quyền LGBT trên trường quốc tế. Mặc dù được vận động bởi các nước đạo Hồi, Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống, nhưng Việt Nam đã thể hiện quan điểm nhất quán, độc lập của mình, và bỏ phiếu thuận đúng như tiến trình thay đổi trong nước, cũng như mong muốn vận động của các tổ chức phi chính phủ, và cộng đồng LGBT Việt Nam.
03. Việt Nam trong phiên kiểm định nhân quyền UPR ngày 20 tháng 6 năm 2014 đã chấp nhận một kiến nghị quan trọng của Chile xây dựng một Luật chống mọi hình thức phân biệt đối xử, bao gồm cả với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Chấp nhận kiến nghị này đồng nghĩa với việc xây dựng một khung pháp lý bảo vệ quyền của người LGBT, và giúp người LGBT có thể kiện khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong công việc, tiếp cận dịch vụ công và trong quan hệ dân sự khác. Đây là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam, mở ra một hướng đi thiết thực và cần thiết cho phong trào bảo vệ quyền LGBT.
02. Vietpride 2014 được tổ chức ở 17 tỉnh thành trong cả nước. Ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được hỗ trợ bởi các đối tác, Vietpride được cộng đồng LGBT địa phương tự tổ chức ở 15 tỉnh thành còn lại. Bên cạnh các thành phố lớn thì Vietpride xuất hiện ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Huế, Bạc Liêu và Bến Tre nơi cộng đồng LGBT ít được nhắc tới. Việc lan tỏa ra các tỉnh đánh dấu việc lớn mạnh của phong trào, phá vỡ định kiến LGBT chỉ có ở các thành phố lớn. Chính sự xuất hiện công khai của cộng đồng đã thức tỉnh nhiều người còn đang phải che dấu, cũng như định kiến sẵn có của người dân.
01. Ngày 19 tháng 6 năm 2014, Quốc hội thông qua Luật hôn nhân gia đình, bỏ điều cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Đây là một thay đổi quan trọng cho phép hai người cùng giới tính sống chung, nhà nước không can thiệp vào cuộc sống riêng của họ, và đám cưới của họ được tổ chức như sự kiện dân sự mà không bị chính quyền địa phương giải tán. Nhưng quan trọng hơn, nó đã thay đổi tư duy của các nhà làm luật từ “đồng tính là sai trái cần phải cấm” sang “quyền của người đồng tính cần phải được tôn trọng”.
Chính vì vậy, trong một loạt các Luật sửa đổi liên quan như Luật nghĩa vụ quân sự, Luật tạm giam, tạm giữ, Bộ luật dân sự…quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tự động được Ban soạn thảo lưu ý, và các đại biểu quốc hội cho ý kiến. Điều này chứng tỏ quyền của cộng đồng LGBT đã trở thành một phần không thể tách rời trong nghị trình xây dựng luật pháp ở Việt Nam.
Theo Diễn Ngôn