Vợ chồng nghèo và những đám cưới “để đời”


Những cặp đôi nghèo phải tự lập lo cho đám cưới đơn sơ của mình, bằng tình yêu và sự cảm thông cho nhau…

Cô dâu chú rể “mất tích” vì đếm tiền mừng trả nợ
Vợ chồng anh chị Bích – Trọng kết hôn tới nay là 8 năm, từ 2 bàn tay trắng, hiện giờ anh chị đã có cuộc sống đầy đủ hơn về kinh tế, nhưng mỗi khi nhớ lại thuở ban đầu gian nan ấy, nhất là đám cưới bình dị 2 người tự lập tổ chức luôn là 1 kỉ niệm không thể nào quên trong tâm trí mỗi người.
Hồi đấy, khi quyết định cưới nhau, 2 đứa mình đã đi làm, nhưng chẳng tích góp được là bao, bố mẹ 2 bên thì đều nghèo, không hề giúp được gì cả. Bọn mình xác định, ít tiền thì làm đám cưới kiểu ít tiền vậy” – chị Bích cười tâm sự.
Chuẩn bị sẵn tư tưởng 2 người sẽ phải hoàn toàn tự lập cho đám cưới, anh chị bàn nhau đám hỏi sẽ làm tiết kiệm hết mức có thể, chỉ gói gọn trong họ hàng thân tộc, đồ lễ cũng đơn giản, không hề có tráp nọ tráp kia rình rang. Anh chị còn tranh thủ lúc về quê nghỉ Tết để tiến hành đám hỏi luôn cho gọn, vì 2 người đều đi làm xa quê, đi lại nhiều sẽ tốn kém. Tất cả các chi phí đều do 2 người góp chung lại sau đó phân phối ra để chi tiêu.
Tới đám cưới, bọn mình 1 tay chuẩn bị ở thành phố, bố mẹ 2 bên chỉ việc từ quê vào chia vui và chứng giám cho bọn mình mà thôi. Tiêu chí của bọn mình là chỉ cần tổ chức ở nơi rộng rãi, sạch sẽ, đồ ăn ngon, váy cưới hợp thời trang một chút. Vì thế, bọn mình không đãi cỗ ở nhà hàng mà thuê địa điểm là 1 sân vận động, nấu ăn cũng ở ngoài trời luôn, người dẫn chương trình thì nhờ anh bạn có khiếu ăn nói của chồng giúp. Thiệp cưới, nhẫn cưới, hoa cưới, váy cưới, trang điểm và chụp ảnh, bọn mình đều chọn loại bình dân, để rút gọn chi phí” – chị Bích kể về đám cưới giản dị nhưng không kém phần tâm huyết của mình.
Chị bảo, hôm anh chị tổ chức hôn lễ, trên sân vận động ấy có hẳn 5 rạp đám cưới của các cặp đôi khác nhau, nhưng tất cả đều có một đặc điểm chung là nghèo, đều muốn tiết kiệm nên mới tới thuê chỗ rẻ tiền này. Ấy vậy mà chị thấy cặp đôi nào ra đón khách cũng tươi cười hết cỡ, như thể họ đang có một đám cưới rực rỡ, hoành tráng vô cùng ấy. Buồn cười nhất là, tiệc tan, mọi người ra về thì chẳng thấy cô dâu – chú rể ra chào hỏi tiễn khách gì cả, khiến ai cũng thắc mắc vô cùng. “Lúc ấy thì 2 đứa bọn mình đã đang ôm thùng tiền mừng vào sau cánh gà, hồ hởi đổ ra đếm lấy đếm để rồi! Trước đó, vì không đủ tiền nên bọn mình được ‘chiếu cố’ đặt cọc ít, ngay sau đám cưới phải lo lấy tiền mừng bù lại để chi trả ngay” – chị Bích bật cười cho hay.
Bọn mình không có bao nhiêu, cũng không nhờ vả bố mẹ 2 bên đồng nào, nhưng vẫn tổ chức được 1 đám cưới vừa ý, vợ chồng cùng vui. Tuy rằng không được rình rang nhưng mình luôn cảm thấy may mắn vì 2 vợ chồng luôn có sự bàn bạc, tôn trọng ý kiến của nhau để cùng tìm ra giải pháp tối ưu. Sau cưới, bắt đầu tự lập từ 2 bàn tay trắng, tiền bạc thiếu trước hụt sau nhưng cuộc sống hôn nhân của bọn mình rất hòa thuận. Trên con đường khó khăn đi tới ngày hôm nay, ngoài tình yêu, bọn mình còn luôn có sự cảm thông, thấu hiểu và bao dung lẫn nhau. Và đám cưới đơn sơ, phải căn ke từng đồng cho vừa vặn ấy đã thực sự là 1 kỉ niệm gắn kết thêm tình cảm giữa 2 vợ chồng mình” – chị Bích thổ lộ.
a4d91f0903ad562220cdf2ce13159225 Vợ chồng nghèo và những đám cưới để đời

“Đám cưới đơn sơ, phải căn ke từng đồng cho vừa vặn ấy đã thực sự là 1 kỉ niệm gắn kết thêm tình cảm giữa 2 vợ chồng mình” (Ảnh minh họa).

Đám cưới siêu tối giản với dàn nhạc “tại gia”

Lấy một người chồng nghèo, gia đình chồng cũng nghèo, bản thân và gia đình mình cũng chẳng khá khẩm gì cho cam, vì thế đám cưới của chị Uyên cũng giống như chị Bích, đều do 1 tay chị và chồng chạy vạy lo liệu.
Để giảm thiểu chi phí, bọn mình gom đám hỏi và đám cưới vào 2 ngày liền nhau, vừa tận dụng phông rạp, bàn ghế, đỡ phải thuê 2 lần, lại tiết kiệm được công sức và các chi phí lặt vặt phát sinh. Khách khứa cũng không mời nhiều, chỉ mời những chỗ thân thiết và gần gũi. Không có điều kiện thì đành phải gói gém lại như vậy…” – chị Uyên nhớ lại đám cưới cách đây 5 năm của mình và chồng – anh Việt.
Đám cưới, 2 vợ chồng anh chị phải tự lo từ A tới Z, từ đồ đạc phòng cưới, nhẫn cưới, album ảnh, thậm chí là vàng mừng cưới của bố mẹ 2 bên cũng do anh chị chuẩn bị để lúc làm lễ thì các cụ trao cho 2 người. Anh chị thậm chí còn không làm album ảnh cưới, chỉ phóng 2 chiếc ảnh lớn để mỗi nhà treo 1 chiếc, nhằm tiết kiệm tối đa chi phí. Thiếp cưới, váy áo, dịch vụ trang điểm anh chị cũng chọn loại rẻ tiền nhưng không quá úi xùi, như vậy cũng giảm bớt kha khá phí tổn. Nhẫn cưới anh chị không mua loại đắt tiền, vì mục đích là để làm kỉ niệm chứ không phải nhằm vào giá trị của chiếc nhẫn. Phòng tân hôn của 2 người cũng chỉ có chăn, gối, ga, màn là mới, mà cũng là loại bình dân, còn vẫn dùng đệm cũ của anh Việt từng dùng mấy năm qua. Bàn trang điểm chị cũng không sắm, tủ quần áo cũng dùng đồ cũ của anh Việt đang dùng.
Có một kỉ niệm khiến chị Uyên nhớ mãi không thể quên trong đám cưới của mình, đó là trong buổi lễ, khi thấy bầu không khí quá trầm lắng vì vợ chồng chị không có tiền thuê dàn nhạc, bạn bè của chị và anh đã cùng bỏ bàn tiệc đứng dậy vừa hát vừa nhảy, còn lôi kéo mọi người để khuấy động không khí. Nhìn mọi người hưởng ứng nhiệt tình, vui cười hết cỡ, chị Uyên xúc động không cầm được nước mắt.
Có lẽ nhiều người cũng thấy ái ngại cho cái đám cưới đơn giản của bọn mình, nhưng mình chấp nhận tất cả, vì đây là lựa chọn của mình. Bố mẹ chồng mình nghèo, nhưng ông bà đối xử với mình rất tốt, thương con quý cháu, chồng mình thì chỉ có 1 mục tiêu phấn đấu là kiếm tiền để lo cho vợ con một cuộc sống sung túc. Bây giờ, sau 5 năm kết hôn, mình chưa khi nào hối hận vì quyết định của mình khi lấy 1 người chồng nghèo. Cuộc sống vật chất hiện tại của 2 vợ chồng mình đã dễ chịu hơn nhiều. Và vì đã cùng nhau bước qua những thời khắc khó khăn khó quên của cuộc đời nên bọn mình luôn có sự thấu hiểu sâu sắc và thương yêu nhau chân thành. Mình tự hào và thấy mãn nguyện vì điều đó…” – chị Uyên nhẹ giọng nói.
Theo Trí thức trẻ

Các tin cùng chuyên mục