Vì sao Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát phản đối việc dán tem bia?


Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát đề nghị Bộ Công Thương, các Bộ ngành và Chính phủ cần xem xét cân nhắc phân tích thận trọng đầy đủ các mặt tác động của việc dán tem sản phẩm bia khi quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia”.

Sáng ngày 14/5/2015, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát đã tổ chức Tọa đàm “Quy hoạch và công tác quản lý ngành bia Việt Nam” và nội dung về dán tem cho sản phẩm bia tiếp tục đưa đưa ra bàn luận sôi nổi.

Theo Đề án Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bia, mục đích yêu cầu của việc dán tem bia nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, sản xuất kinh doanh, quản lý nhập khẩu, chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, quản lý thuế… Tuy nhiên, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát đã đưa ra các dẫn chứng để chứng minh rằng việc dán tem sẽ không đạt được kỳ vọng của các cơ quan quản lý mà ngược lại nó sẽ làm cho chi phí của DN sẽ bị đội lên khá nhiều.

Hiện nay trong ngành bia có 2 doanh nghiệp nhà nước là Habeco và Sabeco chiếm trên 60% năng lực và thị phần, các doanh nghiệp này hàng năm đều đăng ký kế hoạch sản xuất đối với Bộ Công Thương.

Còn đối với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp tư nhân, DN cổ phần, công ty TNHH đều báo cáo qua hệ thống cơ quan thống kê nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Từ đó cơ quan thống kê đều tập hợp báo cáo được sản lượng bia toàn quốc hàng quý, hàng năm.

Do vậy, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát cho rằng, việc nắm và quản lý nhà nước về sản lượng bia sản xuất là đầy đủ kịp thời không nhất thiết phải dán tem.

Chính sách thuế và nộp thuế được thực hiện theo các luật thuế hiện hành như Luật thuế TTĐB, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế giá trị gia tăng… các doanh nghiệp có trách nhiệm nộp thuế và quyết toán từng loại thuế với cơ quan thuế.

Các loại thuế lại được xác định và tính thuế khác nhau theo quy định của luật như VAT theo doanh thu, thuế TTĐB theo sản lượng tiêu thụ và doanh thu, thuế TNDN theo lợi nhuận… Như vậy việc tính thuế và nộp thuế theo các luật thuế hiện hành đều dựa trên cơ sở sản lượng sản phẩm tiêu thụ và doanh thu.

Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát khẳng định việc dán tem bia không có quan hệ với việc tính và nộp thuế.

Theo thống kê, nhu cầu tiêu dùng trong nước đến năm 2013 đạt 3 tỷ lít với nhiều chủng loại đảm bảo an toàn chất lượng và an toàn thực phẩm.

Việc xuất khẩu đang tăng lên và nhập khẩu đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2009 nhập khẩu 20,4 triệu lít đến năm 2012 nhập khẩu còn 3,31 triệu lít; xuất khẩu năm 2009 là 14,66 triệu lít và đến năm 2012 là 85,53 triệu lít).

Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát cho rằng, sản xuất của các doanh nghiệp hiện đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng với giá cả hợp lý, phù hợp sức mua, sản phẩm bia có sức cạnh tranh cao trong hội nhập nên hàng lậu, hàng giả đối với bia là rất ít.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2014 hàng lậu, hàng giả kém chất lượng về bia chỉ có 185.842 chai tương đương 95.000 lít. Như vậy có thể thấy thực tế sản phẩm bia rất ít hàng lậu, hàng giả, xuất nhập khẩu chưa nhiều.

Vì vậy việc dán tem không có tác động và ảnh hưởng tới vấn đề quản lý nhà nước về chống hàng lậu hàng giả cũng như xuất nhập khẩu.

Cũng theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát, hiện nay với trên 100 cơ sở sản xuất bia với khoảng gần 200 dây chuyền chiết lon, chai, hơi, tươi thì riêng vốn đầu tư mua máy dán tem ngành bia phải bỏ vào đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng (tính bình quân 15 tỷ một máy dán tem, rượu hà nội đầu tư máy dán tem cho dây chuyền triết 20.000 chai/giờ trị giá 14 tỷ đồng).

Từ những phân tích trên, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát đề nghị Bộ Công Thương, các Bộ ngành và Chính phủ cần xem xét cân nhắc phân tích thận trọng đầy đủ các mặt tác động của việc dán tem sản phẩm bia khi quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia”.

Theo Tri thức trẻ


Các tin cùng chuyên mục