“Scandal đã cứu cuộc đời tôi”, chắc hẳn nhiều gương mặt hiện đang nổi trong giới showbiz Việt đã nhủ thầm như vậy, hoặc coi đó là “kim chỉ nam” để tìm đường tồn tại trong môi trường cạnh tranh.
Nhưng chuyện đó đã quá cũ. Khán giả dù trẻ, dù khờ nhưng cũng bắt đầu thấy mệt mỏi với những màn bình luận bóng đá đến “tụt áo ngực”, hoặc phát ngôn kiểu Ngọc Trinh “yêu người không tiền thì cạp đất mà ăn”. Hoặc hai ca sĩ trẻ sau giải thưởng của “Sao Mai điểm hẹn” thì có hợp đồng về một chuyện tình để tăng độ chú ý. Chuyện ấy xưa rồi, và dù sao đó cũng còn là chuyện “dễ thương”.
Nhiều người hiện nay sẵn sàng đem cả hình ảnh gia đình ra để “cược” cho mục tiêu hâm nóng hình ảnh. Một ca sĩ nổi tiếng chuẩn bị ra mắt MV mới thì trước đó một tháng, những hình ảnh gia đình đại gia-ca sĩ mô tả sự cô độc của mỗi người được tung ra, khai thác ngay điều mà dư luận chờ được xem nhất: “Hình như đại gia thành con nợ khủng nên ca sĩ quyết chia tay!”.
Độc giả tốn công chém gió, khóc thương cho nhan sắc nhầm lẫn. Họ đâu biết cả một ê-kíp truyền thông, gồm những tay tổ viết kịch bản quản lý hình ảnh cho gia đình ấy đang che miệng cười và kiểm tra tài khoản vừa tăng lên một con số cao ngất.
Chẳng ai là nạn nhân của ai, khán giả khóc cười đó rồi lại đi làm việc của mình. Những người thu lợi sau scandal thì lại “vắt óc” nghĩ kịch bản mới cho scandal tiếp theo, kiểu kế hoạch scandal 6 tháng cuối năm. Và càng ngày người ta càng thấy chiêu trò được sử dụng ở những chỗ không ngờ nhất.
Có một quán cà phê với nội thất gợi lại thời hậu chiến, bao cấp, với các khẩu hiệu thời chiến được “chế” lại mang nội dung gây cười, phản cảm. Sau một thời gian, kết quả kinh doanh xìu xìu vì khách hàng không thích ngồi trong không gian khổ sở của thời hậu chiến mà giá cà phê thì hơi “chát”, có báo phản ảnh quán cà phê này “phản động”, rồi có tin thanh tra văn hóa đến kiểm tra.
Mọi chuyện ầm ĩ, khách đến nườm nượp, và sau một thời gian ngắn, thanh tra có phạt hay dẹp gì không thì không biết, nhưng thương hiệu ấy phát triển thành chuỗi 8 quán rất nổi tiếng. Mới đây, khi được hỏi về chuyện bị “kiểm tra hành chính”, vài người liên quan hé lộ: “Cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra còn mừng, tự nhiên báo chí xúm vào kẻ đánh người bênh chứ lo gì, kinh doanh rất cần những scandal như vậy”.
Còn nhớ, sau một triển lãm tác phẩm hội họa của các tác giả Việt Nam thuộc thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, báo chí tốn giấy mực phỏng vấn những người liên quan, các nhà nghiên cứu về chuyện có một bức tranh thấy chữ ký của người con, nhưng nhà triển lãm lại đề ở dưới là tranh của ông bố nổi tiếng. Sự việc được đăng lên các báo trong vòng hai tuần. Mục tiêu phải đạt được là có hay không chuyện nhà sưu tập nước ngoài nổi tiếng có bộ tranh quý đã bị người nổi tiếng khác “lừa đảo”.
Trên truyền thông, người ta thấy các nhà chuyên môn trả lời phỏng vấn với thái độ lấp lửng rất đáng ngờ. Còn mục tiêu thật, đến bây giờ, ngay cả những người không có hiểu biết nhiều về mỹ thuật cũng thuộc làu tên nhà sưu tập, và thông tin mặc định trong bộ nhớ của thị trường mỹ thuật ASEAN là “ông ấy” đang sở hữu nhiều tranh có giá trị bậc nhất Việt Nam. Nếu người thạo chuyện vặn hỏi, nhà tổ chức scandal sẽ chẳng ngần ngại xoa tay cười: “Lùm xùm chút xíu cho vui, cho dư luận để ý đến triển lãm!”.
Scandal chắc chắn đã được những người kinh doanh để mắt đến. Bởi trong cái khó của thương trường hôm nay, người ta quan tâm đến hết thảy mọi thứ nhờ phương tiện thông tin cập nhật nhanh. Và scandal được sử dụng đến, tuy chẳng vẻ vang gì. Những bài báo về chuyện các quan chức Samsung mỉa mai người sử dụng iPhone là bị “dúi vào bức tường” vì lúc nào cũng ở tình trạng “hết pin”, cần ổ điện để xạc là một ví dụ. Nhưng nó cũng tạo ra làn sóng những người dùng iPhone phản pháo, tố cáo các khuyết điểm của Samsung.
Tuy nhiên, những người kinh doanh sử dụng scandal luôn dè chừng và tìm mọi cách kiểm soát mức độ phát triển của truyền thông, nếu không khéo, scandal sẽ đem đến thảm họa cho hình ảnh văn hóa của doanh nghiệp. Một thảm họa rất khó khắc phục hậu quả!
Sự thiệt hại nếu thương trường phát triển bằng scandal chính là người tiêu dùng và môi trường văn hóa kinh doanh ngày càng xuống cấp, dẫn đến sự lạc lối của xã hội giữa các quy chuẩn của đạo đức và văn hóa. Và chúng ta đang ngày càng chìm sâu trong những giá trị nhập nhèm như vậy.
Bích Hồng ( Theo DNSG)