Viêm nhiễm phụ khoa liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, đặc biệt là ăn quá nhiều đồ ngọt.
Ths.Bác sĩ Tường Vi – Phòng khám dinh dưỡng của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội.
Đời sống hiện đại, với thói quen lạm dụng đồ ngọt, đồ ăn nhanh đang khiến tỷ lệ người mắc các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, gout… gia tăng chóng mặt. Điều đáng nói là qua thực tiễn ghi nhận trong thời gian qua, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm (Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia) còn bày tỏ lo ngại khi các phụ nữ trung niên thậm chí còn mắc các bệnh phụ khoa vì thói quen xấu này.
Nguy cơ có thật
Gợi ý chế độ ăn an toàn cho người cao tuổi
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm (Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: Người già nên duy trì bữa ăn truyền thống gồm cơm, rau và cá, không ăn nhiều thịt, không nhiều béo, nên ăn nhiều loại rau giàu vitamin, khoáng chất và các yếu tố chống ôxy hóa. Về rau quả: Nên ăn nhiều các loại rau họ đậu, lạc. Tăng cường ăn thực phẩm tươi và các món luộc, ăn nhiều rau, củ, trái cây, đảm bảo ăn ít nhất 400 g mỗi người mỗi ngày. Ăn ít các loại quả nhiều đường như xoài, mít,… và tăng cường các loại quả nho, táo và bưởi… Về thực phẩm: Nên giảm bớt ăn thịt, tăng cường ăn cá, tuần 2-3 lần. Thịt thì nên chọn loại không có mỡ, thịt gia cầm thì nên loại bỏ da vì trong da có nhiều cholesterol. Không nên ăn nhiều thức ăn có hàm lượng đường lớn như bánh kẹo, mứt… và nên duy trì cân nặng để hạn chế mắc các bệnh mãn tính không lây. Về đồ uống: . Người già nên uống nước chè, nụ vối…, không nên uống các loại nước ngọt.
Theo nghiên cứu của ĐH Y khoa Harvard (Mỹ) thì đường chỉ đánh lừa cảm giác của con người. Sử dụng đường thường xuyên dễ gây nghiện, đồng thời kéo theo hàng loạt hệ lụy khác như béo phì, tích mỡ. Với người cao tuổi, lạm dụng đường dẫn đến mắc bệnh suy giảm xương. Các bác sĩ, chuyên gia đã khẳng định: Ăn quá nhiều đường gây tác hại không kém chứng nghiện rượu hay nghiện thuốc lá. Không khó tưởng tượng, điều này sẽ gây tác dụng xấu đến đời sống sức khỏe, tinh thần và cả tuổi thọ của người cao tuổi như thế nào.
Theo một thống kê, người ăn quá nhiều đường có nguy cơ nhiễm các bệnh mãn tính (không lây) như tiểu đường, bệnh tim mạch, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ hoặc ung thư. Những căn bệnh này mỗi năm đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, tỉ lệ người tử vong do các bệnh nói trên gấp nhiều lần so với các bệnh truyền nhiễm gây ra. Việc lạm dụng đường quá nhiều dẫn đến nguy cơ các bệnh nguy hiểm khác. Đặc biệt là ở người cao tuổi, tỉ lệ mắc bệnh mãn tính ngày càng cao.
Tại Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường ngày một gia tăng theo từng năm. Thực tiễn điều trị cho thấy, cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì có tới 8 người mắc bệnh tiểu đường. Bệnh thường gặp ở độ tuổi cao, chủ yếu là người già tuy nhiên hiện nay bệnh tiểu đường ở đối tượng trẻ rất nhiều rơi vào cả trường hợp nam và nữ. Tỉ lệ mắc bệnh tập trung nhiều nhất ở độ tuổi 45- 80 tuổi, chiếm tỉ lệ chiếm 90%, là những người cao tuổi mắc tiểu đường tuýp 2.
Theo bác sĩ Trần Kim Oanh-Phó trưởng khoa tim mạch của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: “Việc lạm dụng đường ở người cao tuổi là không nên, ăn nhiều đồ ngọt dẫn đến hiện tượng ngang bụng chán ăn, dẫn đến bỏ các bữa chính, khiến người cao tuổi thiếu hụt một số các chất cần thiết khác cho cơ thể. Cường độ cũng như thời gian vận động ở người già thấp hơn, nên việc ăn nhiều đường dẫn đến hiện tượng rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đường. Việc lạm dụng đường nhiều ở người cao tuổi còn dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh như thừa cân, béo phì, các bệnh về tim mạch, men gan cao… Sự rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao trong cơ thể sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như tuổi thọ của người già”.
Rước bệnh bất ngờ vì thói quen sai lầm
Lâu nay, nhiều người vẫn mặc định quan niệm các bệnh viêm nhiễm phụ khoa bắt nguồn từ chế độ vệ sinh hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên quan niệm đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, viêm nhiễm phụ khoa liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, đặc biệt là ăn quá nhiều đồ ngọt.
Vừa có mặt tại Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) để khám, cô Phạm Ngọc Hải (56 tuổi, giảng viên một trường Cao đẳng tại Hà Nội) vẫn không thể tin mình mắc bệnh phụ khoa là do… ăn nhiều đường. Cô Hải chia sẻ: Mới gần đây, tự nhiên cô phát hiện “vùng kín” ra nhiều khí hư, lại có mùi hôi bất thường. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận cô bị viêm “âm đạo”. Điều đáng nói là trong sinh hoạt hàng ngày, cô luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chuyện sinh hoạt tình dục cũng khá hạn chế.
Thế nhưng khi bác sĩ giải thích về cơ chế gây bệnh, cô Hải mới tá hỏa. Thì ra lâu nay, do ngày bận đi dạy, lại thêm tâm lí không muốn ăn uống bên ngoài, bệnh nhân có thói quen mang theo bánh ngọt cho bữa trưa. Khi soạn bài buổi tối, cô cũng luôn phải có bánh ngọt ở trên cạnh để vừa làm bài vừa ăn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cô Hải vừa thừa cân, mắc tiểu đường tuyp 2 và giờ là viêm nhiễm “vùng kín”.
sTheo các bác sĩ chuyên khoa, những trường hợp như cô Hải xuất hiện ngày càng nhiều. Với những phụ nữ trung niên lạm dụng đồ ngọt, nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa cao cấp 2 lần so với bình thường. Nguyên nhân là do chất hóa học trong các loại đường đã qua xử lý sẽ làm mất cân bằng, làm gia tăng các vi khuẩn có hại, trong đó có các vi khuẩn “vùng kín”. Khi phụ nữ có cảm giác không thể tập trung làm việc, nếu không có đồ ngọt cùng với các biểu hiện bất thường ở “vùng kín” thì có thể bạn đang bị nấm tấn công khu vực “nhạy cảm”. Theo các nhà nghiên cứu, lượng đường trong nước tiểu của bệnh nhân bị viêm nhiễm phụ khoa thường lớn hơn nhiều so với mức bình thường. Có đến 90% số bệnh nhân giảm lượng đường ăn trong bữa ăn hàng ngày sẽ giảm đáng kể tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm âm đạo tái phát. Điều này cho thấy rằng, số lượng của lượng đường liên quan chặt chẽ với viêm âm đạo ở phụ nữ ăn nhiều đồ ngọt.
Ăn ít đường để phòng bệnh ở người cao tuổi
Trong hơn 50 năm qua, lượng đường tiêu thụ trên thị trường cũng như ở Việt Nam đã tăng gấp 3 lần so với những năm trước kia. Với người cao tuổi, tỉ lệ hấp thụ kalo mỗi ngày không quá 1.000 kalo. Vì vậy theo các tổ chức y tế, người cao tuổi không nên ăn lượng đường vượt quá 10% tổng lượng kalo tối đa cho phép mỗi ngày. Theo các nhà nghiên cứu cho thấy, những người lạm dụng ăn nhiều đường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, thừa cân béo phì tăng gấp 3 lần so với người tiêu thụ lượng đường đúng mức cho phép.
Trên thực tế, chúng ta cần hiểu rõ rằng bản thân đường không phải là một thực phẩm độc hại. Nó đáp ứng một nhu cầu năng lượng thiết yếu cho cơ thể. Nhưng khi bị lạm dụng quá mức cho phép, nó sẽ có hại rất lớn đối với sức khỏe. Vì vậy để giảm bớt thói quen lạm dụng đường ở người cao tuổi, các nhà khoa học kiến nghị nên đánh giá cao hơn những loại nước uống và thực phẩm có bổ sung thêm đường, đặc biệt là fructose. Một số những biện pháp khác có thể ngăn ngừa được việc tiêu thụ đường có hại cho sức khỏe là hạn chế bán các đồ ăn, đồ uống chứa nhiều đường… Đối với những trường hợp có thói quen ăn đường nhiều, thì có thể thay đổi chế độ ăn uống hợp lý, thay vì ăn nhiều đường thì nên ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa đường trong các loại thực phẩm hay hoa quả, còn đối với người đái tháo đường thì nên ăn bánh kẹo hoặc đường dành riêng cho những người đái tháo đường. Bởi những loại đường đó không có nguy cơ gây rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, đặc biệt là những người ít vận động.
Theo Ths. Bác sĩ Tường Vi – Phòng khám dinh dưỡng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thì đối với người cao tuổi cần phải đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là việc lạm dụng đường sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều bệnh mãn tính ở người già. Đồng thời nên bổ sung đường bằng cách ăn các thực phẩm có chứa chất đường, khuyến khích sử dụng các thực phẩm tươi sống. Vì vậy đối với người cao tuổi phải có chế độ ăn uống kết hợp với chế độ tập thể dục thể thao một cách hợp lý, để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Theo Gia Đình