Cái chết của anh Trần Minh Phước (23 tuổi, ngụ phường 13, quận 5, TP HCM) vào tối 10-8 bởi những cú đâm trí mạng của một nam thanh niên sống lang thang tựa như nhát dao lạnh lùng cứa vào lòng trắc ẩn của bao người.
Bà Trần Tố Trân (mẹ của nạn nhân) kể: Chồng mất sớm, bà cùng 3 con sống trong một căn hộ chung cư cũ, nhỏ tại khu Chợ Lớn (quận 5). Hằng ngày, bà đi rửa chén thuê kiếm sống. Phước là anh cả phải bỏ học từ nhỏ, vào đời mưu sinh bằng đủ nghề. Ba năm trước, Phước gặp chị H.T.T.T – một người từng nghiện ma túy, cũng nghèo rớt mồng tơi. Họ thuê nhà sống chung, rồi sinh được một con trai. Kiếp nghèo đeo mãi, chị T. hằng ngày ôm con vật vạ đi ăn xin; còn Phước từ 2 năm nay được thuê phát cơm từ thiện ở vòng xoay Phạm Đình Hổ – Lê Quang Sung (quận 5), mỗi ngày phát chừng 40 suất cho những người khốn khổ như vợ chồng anh.
Tối 10-8, một nam thanh niên (sống lang thang nhiều năm gần đó) gây sự vì “chậm phát cơm” rồi rút dao tấn công Phước. Cú xuống tay tàn nhẫn đã tước đoạt mạng sống của một người đang làm việc thiện, đẩy một gia đình nghèo vào chỗ khốn cùng.
Lý giải thế nào về cái chết của Phước, ngoài đúc kết cay đắng trong dân gian: “cứu vật, vật trả ân; cứu nhân, nhân báo oán”? Thực ra, nỗi đau này không chỉ của gia đình Phước mà còn là của cả cộng đồng. Chỉ vì một lý do hết sức nhỏ nhặt mà kẻ ác đã ra tay giết người và khi y gây án xong, bỏ đi thì chẳng ai truy đuổi. Trong ánh mắt tuyệt vọng của vợ nạn nhân tại hiện trường dường như thấp thoáng rất nhiều vẻ mặt thờ ơ của người đời đang muốn lướt qua thật nhanh để khỏi chuốc phiền về mình. Cũng thật khó trách bởi trong một môi trường sống an – nguy khó lường, người ta phải chịu im lặng, chịu thờ ơ, thậm chí tự thúc thủ trước cái ác và cái xấu, miễn được yên thân!
Rồi vụ Trần Minh Phước sẽ rơi vào quên lãng và người đời sẽ lại rùng mình trước một thảm án khác nào đó. Thời nay, người ta dễ sát hại nhau quá vì những lý do không đâu. Các nhà làm luật, chuyên gia xã hội học đã đưa ra nhiều kiến giải, chủ yếu xoay quanh sự khiếm khuyết của giáo dục đạo đức và luật pháp song chẳng mấy thuyết phục bởi không ít trường hợp là con nhà gia giáo, được ăn học tử tế… vẫn trở thành kẻ sát nhân!
Suy cho cùng, trong bất cứ xã hội nào cũng vẫn có những mảng tối như vậy. Phải chấp nhận rằng không thể ngăn chặn cái ác, cái xấu mà chỉ có thể hạn chế phần nào sự trỗi dậy của hung tàn, cường bạo. Bây giờ, luật pháp đã được ban hành khá đầy đủ, đạo đức cũng được rao giảng thường xuyên, điều còn thiếu là một xã hội khá giả – khá giả về vật chất lẫn khá giả về tình thương. Chỉ khi nào kinh tế phát triển hơn, sự phân hóa giàu – nghèo được rút ngắn, kiến trúc thượng tầng ngày càng tiến bộ thì mâu thuẫn xã hội mới giảm bớt, con người biết sống hòa hiếu, bao dung. Từ đó, bức tranh cuộc sống mới ánh lên tươi đẹp…
Theo Người lao động