Công khai bản thân đồng tính là bước đi đầy khó khăn đối với đại đa số người thuộc cộng đồng LGBT. Khi họ chọn bạn là người đầu tiên để “come out”, họ đã đặt cược bằng sự tin tưởng cùng hy vọng. Như vậy, bạn phải làm gì?
Nên cảm ơn người đã kể với bạn. Khi một ai đó thổ lộ với bạn bí mật lớn nhất trong cuộc đời họ, hãy nghĩ kĩ trước khi nói hay làm bất cứ đầu điều gì. Phản ứng đầu tiên của bạn có tính quyết định rất lớn đối với đối phương. Nó có thể là sự tiếp sức cổ vũ cho người bạn đồng tính thêm can đảm, song cũng có thể trở thành bát nước lạnh dội thẳng vào ngọn lửa hi vọng được sống thật của người ấy. Nếu bạn thấy kinh ngạc trước sự thật, hãy cứ kinh ngạc, đừng giả tạo hay che dấu cảm xúc thật. Tuy nhiên, khi đã bình tĩnh lại, bạn nên cảm ơn người đặt niềm tin vào bạn khi chia sẻ bí mật riêng tư này. Mỉm cười hoặc trao cho người bạn đó một cái ôm thật chặt là phản ứng chính xác cho tình bạn vượt qua giới tính.
Đón nhận bằng sự bao dung. Ngay cả khi bạn không thoải mái với người đồng tính, cho rằng đó là điều gì đó trái tự nhiên và thấy khó mà thốt ra lời động viên, khuyến khích họ, bạn vẫn nên đặt mình vào trong vị trí của họ. Nếu bạn bối rối hoặc khó chịu khi biết được sự thật, bạn nên thẳng thắn nói mình cần thời gian để “tiêu hóa” những thông tin mới. Thay cho việc bộc lộ sự tức giận, thất vọng hoặc những phản ứng tồi tệ khác, câu nói “Hãy cho tớ một thời gian để chấp nhận” vẫn luôn là cách phản ứng đúng và tốt hơn.
Thoải mái đặt câu hỏi. Chúng ta thường giữ thói quen lảng tránh đặt câu hỏi trước những vấn đề nhạy cảm của người khác. Cách phản ứng này không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt là khi bạn rơi vào thế bị động, bất ngờ bị chọn làm đối tượng “come out”. Trong lúc đầu óc còn choáng váng vì tin tức mới, bạn không có nghĩa vụ phải tung hoa chúc mừng hay ôm hôn cổ vũ nếu bạn cảm thấy điều đó là không đúng. Thế nhưng, đừng quay lưng lại với người bạn đồng tính của bạn. Chúng ta có thể học, tìm hiểu những gì ta chưa biết để từ đó có được sự thấu hiểu. Một khi bạn có thắc mắc, bạn nên thoải mái và trực tiếp hỏi đương sự. Họ đã chọn bạn làm đối tượng “come out” đồng nghĩa họ cũng sẵn sàng trả lời các câu hỏi bạn đưa ra.
Thể hiện sự quan tâm chân thành. Nếu bạn thật lòng lo lắng cho tương lại của người bạn đồng tính, nó sẽ trở thành nguồn cổ vụ lớn lao để người đó mạnh dạn “come out”, chia sẻ sự thật với nhiều người thân hơn. Trên hết, việc bạn luôn lắng nghe với tất cả lòng bao dung, tôn trọng đã là điều tuyệt vời nhất dành cho người vừa quyết định bước ra khỏi thế giới bí mật của họ. Tất cả những gì bạn cần làm là ở bên cạnh họ với tư cách là một người bạn, không phán xét mà chỉ có yêu thương.
Tìm hiểu thêm về PFLAG. Tổ chức PFLAG (tên viết tắt từ Parents, Families, and Friends of Lesbian and Gays) được hình thành từ những năm 70 thế kỷ 20 tại Mỹ. Ý tưởng PFLAG xuất phát khi bà Jeanne Manford hay tin con mình bị ném xuống cầu thang cuốn từ lầu 5 trong một cuộc biểu tình của người đồng tính New York. Tổ chức này trở thành cầu nối giữa những người cha mẹ, những gia đình có người thân là người đồng tính. Họ cùng khóc, cùng chia sẻ nỗi đau, niềm vui và cùng học hỏi để trở thành những người có văn hóa tri thức hơn khi ứng xử với người LGBT. Hiện nay, đã có hơn 500 tổ chức PFLAG trên thế giới. Năm 2011, tổ chức PFLAG Việt Nam đã được thành lập. Nếu việc người thân “come out” là gánh nặng bạn không tự mình gánh vác được, hãy thử tìm sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm trong vấn đề này.
3 điều không nên làm với người LGBT
1. Rêu rao, tung tin đồn. Xu hướng tính dục là vấn đề hoàn toàn mang tính cá nhân. Đối với nhiều người đồng tính, sự cởi mở về “giới tính thật” của mình được phân chia thành những cấp độ hoặc khu vực cụ thể. Họ có thể sẵn sàng “come out”, “sống thật” với bạn bè nhưng vẫn bí mật với gia đình hoặc nơi làm việc. Họ không cần bạn trở thành người phát ngôn, công bố với cả thể giới họ là người đồng tính. Hãy thận trọng với việc tiết lộ khuynh hướng tình dục của một ai đó, tốt hơn hết là luôn tự nhủ rằng đó không phải là chuyện của bạn.
2. Thờ ơ trước sự kỳ thị người LGBT. Các hành vi bắt nạt người đồng tính, các câu chuyện lấy người đồng tính ra làm trò đùa đem đến sự tổn thương sâu sắc cho người thuộc cộng đồng LGBT. Khi đồng nghiệp hay bạn bè của bạn khơi mào một cuộc vui bằng những lời châm chọc, chế giếu người đồng tính, bạn có sẵn sàng tỏ thái độ của mình?! Chúng ta không cần làm ai đó phải bẽ mặt bằng thái độ gay gắt nhưng có thể thẳng thắn nhận xét “Trò đùa này chẳng vui gì cả”.
3. Dùng từ ngữ thiếu chuẩn xác. Không chỉ những cụm từ như “đồng bóng”, “pê đê”, “dân hi-fi” khiến người LGBT cảm thấy khó chịu hoặc tổn thương mà đôi khi câu chữ tưởng như vô hại bị dùng sai cách cũng đủ làm người trong cuộc mất vui. Đặc biệt khi ai đó là người chuyển đổi giới tính, họ sẽ chẳng vui gì nếu bạn luôn miệng nhắc tới chuyện “trước kia”. Hãy tránh nói về ai đó “trước kia từng là nam” hoặc “trước kia từng là nữ”…, sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác cũng là cách bạn thể hiện sự tôn trọng đối với họ.
Nam Dương – Theo Lifestyle