Viêm não mô cầu là căn bệnh có tỷ lệ tử vong ở các nước phát triển là 5-10%. Tần suất mắc bệnh cao nhất ở trẻ từ 5-9 tháng tuổi, 35-40% trường hợp xảy ra ở trẻ 5 tuổi. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp khiến cho người bệnh sốt toàn thân, biếng ăn, bỏ bú, phát ban đỏ…
Viêm não mô cầu là gì?
Vi khuẩn não mô cầu có tên gọi khoa học là Neisseria meningitidis, là loại vi trùng có chứa nội độc tố ở thành tế bào, gồm có 13 nhóm huyết thanh, trong đó các nhóm thường gây bệnh nhất là A, B, C, Y, và W-135. Các nhóm còn lại đôi khi gây bệnh riêng rẽ và thường được lây từ người lành mang mầm bệnh.
Nhiễm Neisseria meningitidis là một trong những nguyên nhân gây ra tử vong ở trẻ em, biểu hiện dưới dạng viêm màng não hay nhiễm trùng huyết. Ở các nước phát triển, tỷ lệ tử vong ở mức 5-10%. Não mô cầu có thể gây nhiều bệnh: viêm phổi, viêm khớp mủ, viêm xương- tủy xương, viêm kết mạc, viêm màng ngoài tim, viêm phúc mạc… nhưng thường gặp và nặng nề nhất là viêm màng não và nhiễm trùng huyết.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh?
Do nồng độ kháng thể chống não mô cầu ở trẻ sơ sinh tương đương với ở mẹ và giảm rất nhanh, cho đến tháng thứ 6 thì còn rất ít, tương ứng với tần suất mắc bệnh cao nhất ở trẻ 5-9 tháng. 35-40% trường hợp xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và 30% trường hợp nhiễm não mô cầu nhóm B xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi.
Yếu tố nguy cơ nhiễm não mô cầu:
– Thiếu kháng thể chống lại vi trùng bị nhiễm
– < 1 tuổi hay 15-24 tuổi
– Sống trong môi trường đông đúc, chật chội
– Hút thuốc lá chủ động hay thụ động
– Nhiễm trùng hô hấp trước đó (đặc biệt là cúm mùa)
– Trong gia đình có người bị bệnh
– Bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh
Não mô cầu lây truyền ra sao?
Bệnh lây trực tiếp từ người qua người, qua các giọt chất tiết từ đường hô hấp với điều kiện là có tiếp xúc trực tiếp (hôn) hay tiếp xúc gần (ngủ chung màn). Nguồn lây đa số từ người lành mang mầm bệnh. Tỷ lệ người lành mang mầm bệnh là 10%, trong đó 1-2% ở các bé dưới 1 tuổi và 15-20% ở người lớn. Người lớn thường mang mầm bệnh nhóm B. Thời gian ủ bệnh ngắn, thường có biểu hiện trong vòng 10 ngày từ khi tiếp xúc.
Vi khuẩn vào não gây nên viêm màng não với các biểu hiện
– Toàn thân: sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu, nôn ói, biếng ăn.
– Da: 50% các trường hợp có phát ban đỏ ở da, ban đầu là dạng hồng ban (sẩn hồng, ấn ngón tay vào thì biến mất), sau đó nhanh chóng xuất hiện ban tím (ban dạng xuất huyết, ấn vào không biến mất).
– Triệu chứng thần kinh: sợ ánh sáng, thóp phồng, cổ gượng, ngù gà, co giật và hôn mê.
– Sốc: bệnh nhân có thể bị số với diễn tiến rất nhanh, có thể tử vong trong vòng 12h. Hầu hết các trường hợp tử vong đều xảy ra trong 48h đầu. Mạch lúc này nhanh nhẹ khó bắt, tay chân lạnh, thở nhanh, tiểu ít và hạ huyết áp.
Làm thế nào để phòng bệnh viêm não mô cầu?
Phòng bệnh lây truyền theo đường hô hấp: giữ gìn vệ sinh cá nhân, tránh nhiễm lạnh, vệ sinh môi trường xung quanh… Đối với các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân như: tiếp xúc gần gũi (sống chung, dùng chung bếp ăn…), tiếp xúc thoáng qua (dùng chung bàn chải, ăn chung chén bát, hôn…) trước 07 ngày trước khi bệnh nhân phát bệnh sẽ được bác sỹ chỉ định dùng kháng sinh trong vòng 24h.
Đối với bệnh do não mô cầu nhóm C: Người tiếp xúc gần gũi nên được tiêm ngừa vắc-xin Protein-polysaccharide conjugate nhóm C hay vắc-xin Polysaccharide nhóm A-C. Đối với các trường hợp chưa tiếp xúc với bệnh nhân, cách phòng bệnh nhanh nhất là tiêm vắc-xin. Hiện nay có hai loại vắc-xin phòng ngừa não mô cầu: polysaccharide và conjugate.
– Purified polysaccharide: Đáp ứng miễn dịch kém ở trẻ nhỏ, chỉ được chỉ định cho trẻ 2-10 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (suy giảm miễn dịch bẩm sinh, cắt lách).
– Conjugate vaccine: Được sử dụng cho lứa tuổi từ 9 tháng – 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh (không có lách, suy giảm miễn dịch, du lịch vào vùng dịch tễ, người làm việc tiếp xúc trực tiếp với vi trùng); cho tất cả trẻ dưới 18 tuổi chưa được tiêm chủng trước đó.
Tư vấn: Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Bình Dương