Nghịch lý đáng buồn của các show thực tế âm nhạc


Trong khi người chiến thắng cứ đua nhau lặn mất tăm, thì một số gương mặt bị loại sớm lại nhanh chóng thành danh sau các cuộc thi.

Quán quân, á quân mất hút, thí sinh ra về tay trắng tỏa sáng ấn tượng

Vài năm trở lại đây, truyền hình thực tế phát triển rất mạnh ở Việt Nam, từ loạt chương trình dành cho nghệ sĩ đến những cuộc thi về âm nhạc, nhảy múa, thời trang, ẩm thực… Trong đó, nổi trội nhất vẫn là các show thuộc lĩnh vực ca hát như Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Tôi là người chiến thắng, Học viên ngôi sao, hay mới nhất có thể kể đến Nhân tố bí ẩn, Ngôi sao Việt.

Với mục đích tìm ra những tài năng ca hát mới cho Vpop, một số chương trình vừa đề cập đã lần lượt phát hiện nhiều cái tên sáng giá, điển hình là Phương Vy, Ngọc Ánh, Quốc Thiên, Thanh Duy, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Phạm Quốc Huy, Yến Chi, Ya Suy, Hoàng Quyên, Hương Tràm, Đinh Hương, Xuân Nghi, Vũ Thảo My, Vũ Cát Tường, Nguyễn Hoàng Tôn, Nguyễn Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Hải Châu, Nhật Thủy, Hòa Minzy… Thế nhưng, sau khi các cuộc thi khép lại, đa số chẳng thể giữ được sức nóng từng có và mờ nhạt dần, thậm chí không ít gương mặt gần như “bốc hơi” khỏi làng nhạc Việt, trái với kỳ vọng của nhà sản xuất lẫn khán giả.

cbbf934780b6bc463555202fea0b0894 Nghịch lý đáng buồn của các show thực tế âm nhạc
Nhiều quán quân, á quân không giữ được sức nóng sau các show thực tế.

Trong khi đó, Bảo Anh, Đào Bá Lộc, Trúc Nhân, Vũ Cát Tường, Bích Phương, Trung Quân Idol, Phạm Hồng Phước, Hương Giang… – những thí sinh từng phải dừng bước sớm lại bất ngờ nổi đình đám với các bản hit có số lượt nghe khủng (từ vài triệu đến vài chục triệu lượt) cũng như giành chiến thắng thuyết phục ở hầu hết giải thưởng âm nhạc trong nước (Cống hiến, Zing Music Awards, HTV Awards).

6b2b4ec0460913fd6cfa89c363dc4fd9 Nghịch lý đáng buồn của các show thực tế âm nhạc
Một số thí sinh bị loại sớm bứt phá mạnh mẽ sau các cuộc thi.

Đâu là nguyên nhân?

Việc ra sản phẩm chậm là lý do đầu tiên khiến các sao thực tế mờ nhạt nhanh chóng. Nếu ở thời điểm cuộc thi diễn ra họ nổi tiếng chỉ sau một đêm, thì khi quay về với cuộc sống thường nhật lợi thế này không còn nữa. Để duy trì độ nóng, các quán quân, á quân cần phải tung ra những sản phẩm âm nhạc mới kịp lúc hay xuất hiện thường xuyên tại các sự kiện giải trí, game show lớn nhỏ… Tuy nhiên, trên thực tế, không mấy người làm được điều đó, có ca sĩ mất nửa năm cho việc hoàn thành “đứa con tinh thần” đầu tay của mình song cũng có người mất một năm hoặc lâu hơn. Điển hình là Uyên Linh, mặc dù đăng quang Vietnam Idol vào cuối năm 2010 nhưng mãi đến tháng 2/2012 cô mới chính thức phát hành album vol.1 mang tên Giấc mơ tôi. Quốc Thiên (mùa giải 2008), Ya Suy (mùa giải 2012) – hai quán quân khác ở show thực tế này cũng mất hẳn một năm cho công việc tương tự.

Giải thích về sự chậm trễ, Quốc Thiên từng chia sẻ rằng: “Hướng đi cũng như sản phẩm đầu tay của tôi không thể hời hợt được. Tôi không muốn ra mắt một sản phẩm để cho có trong khi khán giả và bản thân chẳng chút ấn tượng gì về nó. Tôi muốn rèn cho mình một độ chính nhất định trong cách xử lý bài hát, khả năng trình diễn, lối ứng xử trên sân khấu. Tôi muốn tạo ra một hình ảnh Quốc Thiên mới mẻ hơn so với thời người ta vẫn gọi tôi là thần tượng chân đất”.

Lời bộc bạch trên xem ra rất có lý, nhưng không thể phủ nhận việc lặn mất tăm cả năm khiến anh gặp nhiều khó khăn khi quay lại, bởi độ nóng tên tuổi lúc này gần như không còn.

Ngoài việc ra mắt sản phẩm âm nhạc chậm, có thể thấy, ở thời điểm cuộc thi vừa kết thúc, cả Uyên Linh lẫn Ya Suy đều chưa sẵn sàng cho việc trở thành ca sĩ chuyên nghiệp do họ vẫn là “tay ngang”, chỉ hát theo bản năng và chưa từng học qua bất kỳ trường lớp nào về thanh nhạc. Dẫn đến, trước khi ra album, giọng ca Chờ người nơi ấy phải tranh thủ tham gia khóa học cấp tốc để trang bị thêm những kiến thức âm nhạc cơ bản. Còn với chàng trai hiền lành chân chất người Chu Ru, anh hiện cũng đang “dùi mài kinh sử” ở khoa Thanh nhạc trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Quân đội TP.HCM.

70a205ade3286be9623e07e855d76153 Nghịch lý đáng buồn của các show thực tế âm nhạc
Bước ra từ các show thực tế, không ít gương mặt trẻ đánh mất lợi thế vì “chậm chân” trong việc phát hành sản phẩm âm nhạc riêng.

Dẫu vậy, không phải cứ phát hành album/single/MV kịp lúc là có thể giữ được sức hút. Bên cạnh yếu tố chất lượng, người ca sĩ muốn sản phẩm của mình luôn được công chúng đón nhận, yêu mến thì phải biết nắm bắt tốt xu hướng người nghe, lựa chọn những bài hát có ca từ gần gũi, giai điệu trẻ trung, hiện đại…

Thành công của Bảo Anh (với Và em đã biết mình yêuCâu chuyện ngày mưaEm đã từng yêuAnh muốn em sống saoMình yêu nhau bao lâu…), Bích Phương (Có khi nào rời xaCó lẽ emEm đã sai vì em tinEm muốn,Chỉ là em giấu điMình yêu nhau đi…), Đào Bá Lộc (Lời xin lỗiSẽ thôi chờ mongChờ ngày nắng lênTôi ghét tôi yêu em…), Trung Quân Idol (Chuyện mưaDấu mưaTrót yêu…), Hương Giang Idol (Ngừng nhớ về anhSend it onChẳng ai là của riêng ai), Phạm Hồng Phước (Mùa ta đã yêuKhi người lớn cô đơnGiá như có thể ôm ai và khóc…), Nguyễn Hoàng Tôn (Để em rời xaChút nắng chút mưaDành cho emChỉ có em…), Trúc Nhân (ĐôngBác làm vườn và con chim sâuTìmBốn chữ lắm…), hay Vũ Cát Tường (Vết mưaYêu xa) đã cho thấy điều đó.

Ngoài lý do quá cầu toàn, một số nguyên nhân khác như thiếu sự định hướng, thiếu ê kíp hỗ trợ – người quản lý, thiếu kinh phí… là những chướng ngại vật kế tiếp cản bước các sao thực tế rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm âm nhạc riêng.

Điểm lại một năm mờ nhạt của Ya Suy, hẳn ai đã từng yêu mến anh đều cảm thấy tiếc. Rõ ràng, khi cuộc thi kết thúc, quán quân Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2012 cũng tự khép lại chuỗi ngày nổi tiếng chớp nhoáng mà mình tạo được bởi bản thân không có sự định hướng đúng lúc, cần thiết. Anh tỏ ra hụt hẫng, không biết nên bắt đầu từ đâu, phải làm những gì… Loay hoay đến tận mùa giải thứ 5 khởi động, anh mới rục rịch trình làng MV đầu tay Về với lúa. Song, với một sản phẩm âm nhạc không có nhiều điểm nhấn, MV của Ya Suy ngay lập tức bị các đối thủ bỏ lại phía sau rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Giá như chàng trai dân tộc từng được nữ giám khảo Mỹ Tâm yêu thích đủ bản lĩnh, đủ tỉnh táo để đưa ra định hướng dài hơi hoặc khôn khéo tìm cho mình một ê kíp hỗ trợ – người quản lý giỏi, có lẽ con đường âm nhạc mà anh đang đi sẽ bớt gập ghềnh, ít chông chênh và sáng sủa hơn.

Một ví dụ khác cho thấy vai trò quan trọng của ê kíp hỗ trợ – người quản lý là trường hợp Phương Mỹ Chi. Sau ngôi á quân tại chương trình The Voice Kids phiên bản Việt mùa đầu tiên, dưới sự quản lý non kinh nghiệm từ gia đình, chị Bảy liền dính scandal hét giá cát-xê. Mọi việc chỉ được giải quyết ổn thỏa khi Phương Mỹ Chi đầu quân về công ty của nam ca sĩ hải ngoại Quang Lê, nhờ đó cô nhóc tiếp tục giữ vững hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ. 

c85bc146fc8ac00c3fbab939230bc8dc Nghịch lý đáng buồn của các show thực tế âm nhạc
Phương Mỹ Chi giữ vững độ nóng vì nhiều yếu tố lợi thế. Trong khi, Trung Quân Idol bất ngờ thành sao do liên tiếp sở hữu những bản hit đình đám.

Trung Quân là một trong những cái tên từng phải lao đao vì vấn đề thiếu kinh phí. Rời cuộc thi Vietnam Idol 2010 với vị trí top 8, giọng ca Chuyện mưa đành tạm gác ước mơ thực hiện sản phẩm âm nhạc bởi anh không lo nổi chuyện tiền nong. Số tiền 2 triệu đồng gia đình chu cấp mỗi tháng vừa đủ để chàng sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP.HCM xoay sở việc học hành, ăn uống, trong khi giá thành của một album/MV thấp nhất cũng lên đến vài chục triệu. Thời gian sau đó, có lúc, Trung Quân phải bỏ hát đi xin làm công nhân ở xưởng giày. Nhưng rồi, may mắn đã mỉm cười với chàng trai gốc Đà Lạt khi ca khúc Dấu mưa (sáng tác Phạm Toàn Thắng) do anh trình bày bất ngờ gây sốt và trở thành hiện tượng của làng Việt vào cuối năm 2013. Thành công này giúp Trung Quân bắt đầu đắt show hẳn. Hiện tại, anh đang tiếp tục “làm mưa làm gió” trên các BXH âm nhạc Việt cùng bản hit Trót yêu của tác giả Ái Phương.

Rất nhiều gương mặt bước ra từ các show thực tế đều chung cảnh ngộ thiếu kinh phí đầu tư cho album/single/MV. Họ không gặp may như chàng ca sĩ trẻ sinh năm 1990 nên số thì chuyển nghề, số còn lại tiếp tục theo đuổi đam mê bằng cách xin hát lót ở phòng trà, quán cà phê với mức cát-xê bèo bọt để duy trì cuộc sống hằng ngày và chờ đợi cơ hội từ những cuộc thi mới.

Nhắc đến trường hợp ca sĩ thiếu may mắn, phải kể đến Đinh Hương. Sở hữu giọng hát tốt, ngoại hình sáng, tưởng chừng á quân The Voice phiên bản Việt 2012 sẽ làm nên chuyện khi cô tung ra album Soul với màu sắc âm nhạc hiện đại, cá tính cùng những ca khúc cực chất. Nhưng rồi, nó cũng bị người nghe bỏ rơi một cách đầy khó hiểu.

Ba lý do tiếp theo khiến một số quán quân, á quân chẳng thể tỏa sáng sau cuộc thi là chọn hướng đi riêng xa rời thị hiếu số đông, tình trạng một màu và không tìm được ca khúc hit. Cùng với đó, việc bất ngờ thay đổi dòng nhạc đã khiến tên tuổi của họ giảm nhiệt đi trông thấy.

Thời gian đầu sau chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2007, Phương Vy được khán giả yêu mến qua các ca khúc pop ballad của nhạc sĩ Đức Trí, Hà Quang Minh như Lúc mới yêuCó đôi lầnChuyện người con gáiĐợi ánh sau rơi… Thế nhưng, một vài năm gần đây, cô quyết định thử sức với nhiều dòng nhạc khác nhau. Điều đó vô tình làm quán quân Tuyệt đỉnh tranh tài 2014 mất dần sức nóng vốn có. Hiện tại, Phương Vy không thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Cô chỉ thỉnh thoảng góp mặt trong những chương trình trực tiếp hay sánh đôi cùng các ngôi sao quốc tế, khi họ đến Việt Nam.

Nếu Phương Vy mất fan vì liên tục thử sức với dòng nhạc mới thì Hương Tràm lại không giữ được hình ảnh đẹp của mình trong mắt khán giả do vướng vào các scandal. Ồn ào nhất phải kể đến việc cô ca sĩ gốc Nghệ An viết tâm thư tố ngược huấn luyện viên Thu Minh với lời lẽ bị đánh giá là “vô ơn”. Không ít thí sinh bước ra từ một show thực tế về ca hát cũng dính các nghi án, nổi bật có Uyên Linh (hét giá cát-xê, chịu 4 cái tát trong trận đánh ghen), Bùi Anh Tuấn (bỏ show, nghiện đập đá), Phạm Hồng Phước (yêu Hương Giang Idol, đạo nhạc), Nhật Thủy (mua tin nhắn bình chọn)…

964db33338895a78506f7a6239a4fa4e Nghịch lý đáng buồn của các show thực tế âm nhạc
Thời hậu chương trình, nhiều sao thực tế liên tiếp vướng scandal vì sự nổi tiếng đến quá nhanh.

Tình trạng đoạt giải cao rồi không hoạt động hay hoạt động cầm chừng là một nguyên nhân khác dẫn đến việc nhiều cái tên bỗng dưng mất hút. Về nhì tại cuộc thi Vietnam Idol 2007, Ngọc Ánh không tận dụng lợi thế này để ra album/single/MV, thay vào đó anh mở quán kinh doanh cà phê. Hai năm sau, chàng kỹ sư địa chất thủy văn người Hà Tây bất ngờ tái xuất với các album Giật mìnhNgày hôm qua là thế… nhưng chúng chẳng được mấy người chú ý. Hiện tại, anh gần như “bốc hơi” khỏi Vpop. Ở mùa giải 2008, lịch sử lặp lại lần nữa đối với người về nhì. Sau chương trình, Thanh Duy vẫn phát hành các sản phẩm âm nhạc riêng, song số lượng khá khiếm tốn. Ngoài chút ít thời gian dành cho niềm đam mê ca hát, còn lại, anh tất bật trong một số công việc thuộc lĩnh vực truyền thông, hậu trường và cả đứng lớp. Vũ Thảo My – quán quân Giọng hát Việt 2013 đang nối dài danh sách này, bởi từ lúc cuộc thi kết thúc đến giờ cô chưa tung ra bất kỳ sản phẩm âm nhạc nào hay xuất hiện tại một chương trình nhiều người biết tới.

Ngôi vị quán quân hay á quân ở các show thực tế về ca hát chỉ như bước đệm, hành trang giúp những tài năng âm nhạc mới của Vpop thêm tự tin trên con đường phấn đấu trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Giữa làng nhạc Việt lắm cạnh tranh, muốn trụ lại được, họ phải có nhiều yếu tố: giọng hát, ngoại hình, nắm bắt tốt xu hướng người nghe, sự hỗ trợ của ê kíp – người quản lý, ra album/single/MV đều đặn… Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cũng cần giữ lửa đam mê, lao động nghệ thuật nghiêm túc, cố gắng và phấn đấu không ngừng.

 

Theo TTTR