Lời Cảnh Báo: Trẻ bị đuối nước – Sự bất cẩn của người lớn?


Từ đầu năm 2021 đến nay, số vụ cháy trên địa bàn phía Nam cùng nhiều địa phương khác trên cả nước đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Song song với đó là hàng loạt vụ đuối nước ở trẻ em liên tục xảy ra. Đó là lý do mà Lời Cảnh Báo của THVL1 đã đưa vào nhiều nội dung cảnh báo đến khán giả.

loi canh bao Lời Cảnh Báo: Trẻ bị đuối nước   Sự bất cẩn của người lớn?

Mùa khô rất dễ bén duyên với “hoả thần”

Hiện nay đang bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng, hanh khô là điều kiện dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao. Tại TP.HCM đã xảy ra tới bốn vụ cháy chỉ trong vòng chưa đầy một tuần (từ 25-3 đến 31-3). Nhiều vụ cháy đã để lại hậu quả nặng nề, khiến nhiều người trong một gia đình tử vong; hàng trăm vật dụng, phương tiện, tài sản bị thiêu rụi.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an TP.HCM, thời tiết oi bức, nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt với các thiết bị làm mát công suất lớn, tiêu thụ điện cao như máy điều hòa, quạt điều hòa, máy lạnh… tăng đột biến. Hệ thống đường dây tải điện tại nhiều khu vực, nhất là khu vực đông dân cư, các chung cư lâu đời, khu tập thể cũ, chợ … khá chồng chéo, xuống cấp. Bên cạnh yếu tố lịch sử hoặc do xây dựng, nhìn chung ý thức PCCC nói chung và ý thức an toàn PCCC trong sử dụng điện nói riêng của đa số người dân vẫn còn hạn chế. Các hộ dân thường câu móc, đấu nối điện tùy tiện, không kiểm tra bảo dưỡng các thiết bị điện đã sử dụng lâu năm, tự ý cơi nới, lắp thêm các thiết bị điện mà không nâng cấp dây dẫn điện. Đây là những nguyên nhân dẫn đến các sự cố hệ thống điện, thiết bị điện, làm tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ. Ban đầu chỉ là đốm lửa nhỏ, nhưng không được phát hiện kịp thời sẽ cháy lan vào các vật dụng khác rồi bùng phát thành cháy lớn.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ do sự cố điện trong mùa nắng nóng, chương trình có đưa ra một số gợi ý cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh và chủ hộ gia đình thực hiện tốt các biện pháp sau:

_Bố trí, sắp xếp hàng hóa, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong đơn vị, trong nhà xưởng và nhà kho đảm bảo an toàn PCCC theo đúng quy định.

_Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và PCCC đề phòng khi có cháy, nổ xảy ra cứu chữa kịp thời có hiệu quả.

_Không dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ xảy ra.

_Phải thường xuyên và định kì kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện. Đồng thời mỗi cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, lô gia, lối lên mái

Trẻ bị đuối nước: Sự bất cẩn của người lớn?

Từ tháng 3 đến nay, ngày nào báo chí cũng đưa tin về các vụ đuối nước của nhiều trẻ em tại các vùng có biển, sông ngòi. Mặc dù đã được cảnh báo là mùa nắng nóng, tỉ lệ các em thanh thiếu niên chọn các địa điểm biển, hồ, sông ngòi làm nơi vui chơi tăng cao nên việc xảy ra đuối nước là điều dễ gặp phải. Thế nhưng với tâm lý chủ quan, nhiều phụ huynh đã lơ là và để xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.

Những con số thống kê về tình trạng đuối nước ở trẻ em trong thời gian vừa qua đã dấy lên hồi chuông về sự cần thiết có những biện pháp phòng tránh đuối nước kịp thời. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Bên cạnh đó, cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh. Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.

Chuyên gia của chương trình đã đưa ra một số lời khuyên để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dậy trẻ biết bơi. Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi…

Tuy nhiên, hiện nay việc dạy bơi cho trẻ chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, tình trạng thiếu bể bơi, thiếu kỹ thuật bơi căn bản cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc dạy trẻ kỹ năng này. Vì vậy, một giải pháp đó là các nhà trường có thể dạy kỹ năng bơi cho trẻ tại trường học như một chương trình bắt buộc. Khi phát hiện thấy người bị ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Trong tháng 4 này, “Lời cảnh báo” trên THVL1 phát sóng vào 19h50 phát sóng thứ 2 và thứ 4 sẽ luôn cập nhật nhiều kiến thức xã hội cần lưu ý cho mùa nắng nóng để người dân có thêm hiểu biết và nhắc nhở nhau cùng ý thức bảo vệ tính mạng cũng như người thân.

LC/Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục