Liệu đổ thang


“Rằng tôi chút phận đàn bà. Ghen tuông thì cũng người ta thường tình…”

gioi tinh 40 Liệu đổ thang

 1. Lý ra người đáng trách trong “vụ án ghen tuông đình đám” của Đoạn trường tân thanh phải là chàng thư sinh họ Thúc – một người đàn ông quá nhút nhát trước mặt vợ “Những là e ấp dùng dằng, Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi” và hình như chỉ chăm chăm suy nghĩ ích kỷ cho bản thân “Nghĩ đã bưng kín miệng bình. Nào ai có khảo mà mình lại xưng”. Sự nhút nhát lẫn ích kỷ ấy đã đẩy 2 người đàn bà xinh đẹp tham gia vào câu chuyện đánh ghen điển hình trong lịch sử văn học Việt Nam.

Hoạn Thư bị người đời chế nhạo nhưng suy cho cùng nàng chỉ là người đàn bà đáng thương. Đó là người vợ tội nghiệp “Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa” và là chính thất rất dỗi độ lượng khi nghĩ được: “Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên. Dại chi chẳng giữ lấy nền. Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình”. Những hành động của nàng đối với Kiều sau đó chẳng qua bởi sự giận chồng xui khiến hành động và bởi cái sự đời dễ hiểu “chồng chung chưa dễ ai chiều được ai”. Hoạn Thư ghen tuông nhưng hành động ghen tuông đó đáng được tha thứ. Ngay cả nàng Kiều, nạn nhân chính của sự hờn ghen từ Hoạn Thư cũng không tìm được lý do gì bắt bẻ ngay khi có thể “oán báo ơn đền”, đành: “Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”.

Nhưng thương cho Hoạn Thư một điều rằng, có lẽ nàng ghen tuông quá đời thường, quá thuận tình đạt lý nên khiến nàng từng bước đi sâu vào lòng người, được hoan nghênh tán thưởng. Rồi từ thông cảm, người ta phút chốc “làm quá” để nàng bỗng dưng gánh nỗi oan, trở thành đại diện cho những lỗi lầm, những tội ác của các người đàn bà ghen tuông bất thường khác suốt nhiều thế kỷ qua. Một thuật ngữ được chuyển nghĩa từ tên nàng: “máu Hoạn Thư”, chỉ để ám chỉ riêng cho cái sự ghen tuông của đàn bà, và câu nói của nàng bỗng trở thành lý do cho tất cả các cuộc đánh ghen đình đám: “Rằng: Tôi chút phận đàn bà. Ghen tuông thì cũng người ta thường tình…”

2. Nếu như Hoạn Thư làm nên một “style” ghen tuông rầm rộ, có thương hiệu và có “khách hàng” rộng rãi thì vương phi Đao Bạch Phụng của Đoàn Chính Thuần trong tiểu thuyết kiếm hiệp “Thiên long bát bộ”, tác giả Kim Dung, lại là người tạo nên “style” ghen tuông độc nhất vô nhị từ cổ chí kim. Chẳng ai ngờ một vương phi ngày thường đoan trang đức hạnh “kiều diễm như một đoá sơn trà” chỉ vì ghen tuông, oán hận thói trăng hoa của chồng mà sẵn sàng đi tìm một kẻ xấu xí, ô uế nhất thiên hạ hiến thân. Ngay gã ăn mày Đoàn Diên Khánh may mắn trở thành người được chọn, sau nhưng giây phút được nàng tự nguyện ngả vào lòng, đã ngơ ngác lấy tay viết xuống đất bảy chữ: “Nàng là Quan Thế Âm tóc dài?”. Thấy nàng gật gật đầu, rồi đột nhiên, mấy hạt châu nhỏ xuống bên dòng chữ, gã cũng không hiểu đó là nước mắt của nàng hay nước cam lồ của Quan Âm vẩy ra.

Phải nói cái ghen của Đao Bích Phượng không chỉ là độc nhất vô nhị mà còn là cái ghen thâm hiểm nhất từ xưa đến nay. Bởi nếu vị Vương gia Đoàn Chính Thuần biết vương phi của mình ăn nằm với một gã ăn mày và đứa con yêu quý Đoàn Dự không phải là con ruột mà là con của một gã bẩn thỉu, ti tiện nhất thiên hạ thì chắc hẳn nỗi đau ông gánh chịu sẽ lớn gấp vạn lần nỗi đau trăng hoa mà ông đã gây ra cho người vợ hiền đức.

Vậy mới hay, có ai đó bảo: không nên chọc giận đàn bà, ngẫm lại điều đó rất đúng! Vì khi đàn bà nổi giận quả thật không thể lường trước được điều gì.

3. Chuyện kể rằng Giả Bảo Ngọc của Hồng Lâu Mộng có lần muốn chữa bệnh ghen cho Hạ Kim Quế đã nhờ một vị đạo sĩ tên Vương Nhất Niệm bốc thuốc. Để làm vui lòng Bảo Ngọc, Vương Nhất Niêm đã hiến một “Liệu đổ thang”, rằng: “Thuốc ấy gọi là thuốc “chữa ghen”: lấy một quả lê mùa thu hạng tốt, hai đồng cân đường, một đồng cân trần bì, ba bát nước, sắc đến khi lê chín thì được. Sáng nào cũng ăn một quả và cứ ăn đi ăn lại mãi thì khỏi”

Lê mùa thu hạng tốt đã ngọt nấu với đường đến sắc lại thì còn ngọt đến nỗi nào. Thoạt nghe “Liệu đổ thang” có vẻ như là một liều thuốc chữa bệnh ghen hữu hiệu. Vì còn cái gì hay hơn thay thế vị chua của ghen tuông bằng vị ngọt ngào. Ấy nhưng Vương Nhất Niêm không dừng lại ở đó mà tiếp rằng: “Một thang không khỏi thì uống mười thang, hôm nay không khỏi thì ngày mai uống tiếp, năm nay không khỏi thì sang năm. Vì ba vị thuốc này đều nhuận phế khai vị, không hại đến người. Vừa ngọt lừ, khỏi ho, lại dễ uống. Uống đến khi một trăm tuổi, thế nào người cũng phải chết, chết rồi thì còn ghen vào đâu nữa? Bấy giờ là kiến hiệu đấy”.

Đến nước này thì Giả bảo Ngọc cũng chỉ biết cười và bệnh ghen của Hạ Kim Quế cũng trở thành chứng nan y bất trị.

D.B.T

 


Các tin cùng chuyên mục