Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Dự kiến Thông tư này sẽ được ký ban hành vào giữa tháng 11-2015 và có hiệu lực từ 1-1-2016.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này đang tiến hành soạn thảo Thông tư ban hành Biểu thuế xuất khẩu và nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Dự kiến Thông tư này sẽ được ký ban hành vào giữa tháng 11-2015 và có hiệu lực từ 1-1-2016.
Xuất rau quả, quần áo
Về thuế xuất khẩu, phía Hàn Quốc mở cửa thêm 500 mặt hàng, nâng tổng số dòng thuế tự do hóa lên 11.600 dòng thuế (chiếm 95,4% tổng Biểu thuế). Đặc biệt, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế quan có lộ trình đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như hoa quả tươi, chế biến (thuế suất khoảng 30% đến 50%); một số rau quả nhiệt đới và nhất là những mặt hàng như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, đỗ đỏ… thường có thuế suất nhập khẩu rất cao từ 241% đến 420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc.
Chẳng hạn, đối với mặt hàng mật ong tự nhiên, thuế suất hiện tại là 243%. Hàn Quốc cam kết sẽ giảm thuế dần với mức giảm chia đều cho mỗi năm để đưa về 0% từ ngày 1-1 của năm thứ 15 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Hay, thuế suất trái chôm chôm nhập khẩu vào Hàn Quốc hiện là 611,5%, sẽ được giảm không dưới 20% của mức thuế suất này kể từ ngày 1-1-2016 đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Trái cây nhiệt đới như dứa, ổi, xoài, măng cụt hiện có thuế suất 30% sẽ được giảm thuế dần với mức giảm chia đều cho mỗi năm để đưa xuống còn 0% từ ngày 1-1 của năm thứ 10, tính từ ngày hiệp định có hiệu lực. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu được thanh long và xoài vào thị trường này.
Nguồn: Dự thảo Bộ tài chính.
Những mặt hàng như cà chua thuế suất hiện là 20% và sẽ được giảm xuống còn 0-5% kể từ ngày 1-1-2016. Hay, hạt dẻ chưa bóc vỏ có thuế suất hiện hành là 219,4%, xúc xích là 18%, cả hai sẽ được cắt giảm không dưới 20% của các mức thuế nói trên kể từ ngày 1-1-2016… Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ vẫn giữ nguyên thuế suất với một số mặt hàng, như hành tây vẫn là 135%, ớt chuông 270%, tỏi 360%, cam 50%, táo 45%, lê 45%, trà xanh 513,6%. Ngoài ra, mặt hàng mà Hàn Quốc không đưa vào đàm phán trong hiệp định này là gạo.
Các sản phẩm dệt may, giầy dép xuất khẩu sang Hàn Quốc của Việt Nam cũng được xóa bỏ ngay từ 10-13% xuống còn 0% vào năm 2016. Riêng với mặt hàng tôm, Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% đối với 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm.
Liên quan đến các rào cản kỹ thuật, đối với những mặt hàng thực phẩm, thủy sản, nông sản… thị trường Hàn Quốc có quy định khá chặt chẽ. Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, động thực vật khi xuất khẩu vào Hàn Quốc phải đáp ứng quy định về kiểm dịch. Sau khi kiểm tra hồ sơ chứng từ và kiểm tra thực tế nếu cần thiết, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hàn Quốc (QIA) sẽ cấp giấy chứng nhận và thông báo với hải quan Hàn Quốc. Các sản phẩm không vượt qua được các yêu cầu kiểm dịch sẽ được thông báo để tiến hành khử trùng, tiêu hủy hoặc tái xuất.
Ngoài ra, thực phẩm khi xuất khẩu sang thị trường này cũng phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ sau khi hàng hóa đã qua kiểm tra vệ sinh thực phẩm, cơ quan hải quan mới tiến hành các thủ tục thông quan. Nếu hàng hóa không qua được kiểm tra, chúng sẽ bị buộc tái xuất, tiêu hủy hoặc chuyển mục đích sử dụng.
Trong quá trình xem xét, cơ quan quản lý vệ sinh thực phẩm của Hàn Quốc sẽ kiểm tra việc hàng hóa có đáp ứng được các tiêu chuẩn liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng hóa chất, sự hiện diện của các vi sinh vật và hàm lượng phụ gia thực phẩm trong sản phẩm. Các tiêu chuẩn này được quy định trong Luật Vệ sinh thực phẩm và các văn bản liên quan.
Nhập mỹ phẩm, đồ điện
Về thuế nhập khẩu, Việt Nam đã cam kết mở cửa thêm với Hàn Quốc đối với 200 dòng thuế theo lộ trình 15 năm, chiếm 5,9% tổng kim ngạch nhập khẩu, góp phần nâng số dòng thuế cam kết cắt giảm thuế quan với Hàn Quốc lên 8.520 dòng thuế.
Danh mục 200 mặt hàng cam kết mở cửa song phương với Hàn Quốc chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may; nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện… Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào sản xuất, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.
Các mặt hàng tiêu dùng (mỹ phẩm), đồ điện gia dụng (máy lạnh, tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng…) nhập khẩu từ Hàn Quốc sẽ được cắt giảm thuế quan với lộ trình từ 7 đến 10 năm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, các cam kết về thuế suất liên quan đến ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc trong VKFTA nhìn chung sẽ không có tác động gì đáng kể đến ngành ô tô trong nước. Bởi lẽ, các dòng xe con 1.8, 2.5, hay trên 2.5, xe tải 5-10 tấn, hay 20-24 tấn, đều giữ nguyên thuế nhập khẩu. Riêng đối với xe hai cầu chủ động, thuế suất hiện là 68%, lộ trình giảm thuế đến 10 năm. Ngoài ra, linh kiện ô tô cũng chỉ bắt đầu giảm thuế từ năm 2021.
Theo Trí thức trẻ