Đợi 12 năm để quả vải đi Úc: Cửa thì đã mở, nhưng chưa thể vào


“Mở cửa là lý thuyết, nhưng bước vào ai mua. Nói là thế, nhưng người tiêu dùng Úc chưa biết vải Việt Nam là gì. Quả vải có 2 vấn đề là tiếp cận thị trường và khả năng vận chuyển”.

Nội dung nổi bật:

– 1kg vải “bay” sang châu Âu, sau khi được giảm giá 20%, vé máy bay cho vải sẽ vào khoảng 2,95 USD/kg. Phí cao, nhưng năng lực vận chuyển vải chỉ ở mức 10 tấn/chuyến bay, tương đương năng lực của 1 xe tải vận chuyển sang Trung Quốc.

– Bên cạnh đó, trong khi sản lượng dư thừa, năng lực vận chuyển còn hạn chế, thì rau quả Việt vẫn chưa có có một chỗ “trú chân” trong thời điểm sản lượng quá nhiều, hoặc khi thị trường khách hàng cũng đang vào vụ.


Để bay được 600 tấn vải, doanh nghiệp cần trả 1,77 triệu USD tiền vé

“Chúng tôi đánh giá rất cao vừa rồi Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ ngành khác giúp mở cửa thị trường Úc, Hoa Kỳ với quả vải. Nhưng với kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, tôi cho rằng chưa kỳ vọng ngay được”, ông Lê Văn Ánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết tại Hội nghị bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững.

Mở cửa là lý thuyết, nhưng bước vào ai mua. Nói là thế, nhưng người tiêu dùng Úc chưa biết vải Việt Nam là gì. Quả vải có 2 vấn đề là tiếp cận thị trường và khả năng vận chuyển”.

Mới đây, trang tin Cơ quan Truyền thông quốc gia Úc ABC đưa tin: Sau 12 năm đăng ký, giờ đây Việt Nam có thể xuất trái vải tươi sang Úc. Theo đó, trái vải tươi của Việt Nam sẽ được phép vận chuyển đến Úc bằng đường không và đường biển và sẽ được kiểm tra kỹ trước khi phân phối trên cả nước Úc.

Dù rằng Vietnam Airlines cho biết sẽ giảm giá vận chuyển vải thiều tươi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải đi Châu Âu, cụ thể là Pháp, ở mức 20%, tức còn khoảng 1,7 USD/kg. Cộng thêm phụ phí nhiên liệu và phụ phí bảo hiểm, mỗi kg vải có “vé bay” ở mức giá 2,95 USD.

Bên cạnh chi phí vận chuyển cao, năng lực vận chuyển cũng là vấn đề khi mỗi chuyến bay, tổng sản lượng vận chuyển vải chỉ ở mức 10 tấn. Trong khi đó, tổng sản lượng vải ở 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh ở mức 150 -200 nghìn tấn.

“Với năng lực vận chuyển 20 tấn/ngày, cả tháng bay liên tục thì sản lượng vải mới “bay”được 600 tấn” – ông Ánh tính toán.

Với sản lượng được bay giả định này, để cho “bay” được 600 tấn vải, các doanh nghiệp sẽ phải chi trả 1,77 triệu USD tiền “vé”. Đấy là mức giá ưu đãi cho quả vải đi Pháp, còn với quả vải đi Úc, mức giá sẽ còn cao hơn.

Trung Quốc là thị trường trước mắt

Về thị trường, ông Ánh cho rằng: Chúng ta có thể mở cửa xuất khẩu sang các thị trường khác, nhưng vẫn phải đánh giá Trung Quốc là thị trường phải thúc đẩy, bám vững, đẩy mạnh.

“Vải thiều sẽ được xuất khẩu mạnh ở cửa khẩu Lào Cai, và chúng ta vẫn bán mạnh như mọi năm ở thị trường Trung Quốc”, ông Ánh cho biết. Trung bình mỗi năm quả vải sẽ có 150 xe tải vận chuyển sang Trung Quốc, với sản lượng vận chuyển mỗi xe là 10 tấn, bằng một chuyến bay của Vietnam Airlines.

“Trung Quốc chính là thị trường trước mắt”, ông Ánh nói.

“Biết trước thế này, liệu chúng ta có thể có giải pháp gì để mở thêm điểm thông quan chẳng hạn, hoặc có giải pháp gì tăng lượng thông quan để lượng hàng được đi nhiều hơn không?”

Bên cạnh đó, trong khi sản lượng dư thừa, năng lực vận chuyển còn hạn chế, thì việc bảo quản rau quả sau thu hoạch vẫn chưa được lưu tâm.

“Trong một hội chợ xúc tiến thương mại, trong khi hàng Thái Lan đi toàn xe lạnh, thì hàng từ đồng bằng sông Cửu Long toàn đi xe “nóng”. Tới điểm bán, khui ra, nắng lên rất dễ bị hôi thối” – ông Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận than.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam và một vài UBND các tỉnh cũng đề nghị Nhà nước, Chính phủ xem xét hỗ trợ kho hạ tầng để có thể có nơi cho rau quả “trú” trong thời điểm sản lượng quá nhiều, hoặc khi thị trường khách hàng cũng đang vào vụ.

Giải đáp vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Công tác mở thị trường không phải là lý thuyết.

“Tôi khẳng định vai trò của các Tham tán thương mại trong xác định những chiến lược thâm nhập thị trường cho các sản phẩm trên. Nhưng chúng tôi nhắc lại vai trò của doanh nghiệp. Chính phủ chỉ làm ra những khuôn khổ, chính sách, còn việc tham gia là của doanh nghiệp”.

Về vấn đề kho lạnh, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết vấn đề bảo quản sau thu hoạch, Bộ rất đồng tình.

“Những kinh nghiệm trong vấn đề nông sản khác như gạo, cao su, cafe cho thấy, nếu hạ tầng thương mại tốt (logistic, kho…) thì sẽ giảm thiểu được thất thoát sau thu hoạch. Nhưng đầu tư vào hạ tầng thì kinh phí ở đâu, cơ chế nào? Chính phủ đã nói rõ là phân bổ kinh phí về cho các địa phương. Nhìn vào, thì bao nhiêu phần trăm kinh phí của địa phương dành cho hạ tầng nông thôn, kể cả chợ đầu mối?”

Theo Tri thức trẻ


Các tin cùng chuyên mục