Ngày đầu tháng 4, núi rừng Cúc Phương lại được dịp hội ngộ một bóng hình thân thuộc: người nghệ sĩ với mái đầu búi cao đặc trưng, ánh mắt chứa chan niềm khát khao giao cảm với rừng. Ấy là đạo diễn Cao Trung Hiếu!
Lần quay trở lại Cúc Phương này, anh đồng hành cùng tri kỷ của mình – Thương hiệu mỹ phẩm cao cấp Menard trong hoạt động tái hoang dã mang cái tên đầy ý nghĩa “Những đôi mắt xanh non”. Dưới những tán lá, cội cây xanh mát nơi đại ngàn, vị đạo diễn đã có những giây phút lắng lòng lại để cùng Menard chia sẻ những cảm nghĩ, chiêm nghiệm của mình.
Những khoảng xanh bình yên
Thiên nhiên luôn là một nơi chốn bình yên mà bất cứ ai trong chúng ta đều có thể tìm đến mỗi khi cảm thấy mỏi mệt, vơi cạn nguồn cảm hứng. Sống giữa những bức tường trắng xám của thị thành, đôi mắt con người luôn mong mỏi kiếm tìm những khoảng xanh mát lành, vô tận.
Dù bận rộn cống hiến cho nghệ thuật ở rất nhiều vai trò như đạo diễn sân khấu, giám đốc sáng tạo, người truyền cảm hứng… nhưng đạo diễn Cao Trung Hiếu vẫn có thể tự cân bằng nhịp sống bằng cách chủ động tạo nên những khoảng xanh thanh mát trong không gian sống của mình. Anh chia sẻ: “Sự bận rộn khiến ta ít chú tâm đến những điều bình dị xung quanh như chậu cây nhỏ trước nhà, một chú chim bay lướt qua tầm mắt, hay những công viên rì rào cây cỏ trên cung đường quen thuộc. Đó đều là những “khoảng xanh” trong chính thành phố ta đang sống. Chỉ cần chậm lại vài nhịp để cảm nhận, ta sẽ được tận hưởng nguồn năng lượng mát lành từ những khoảng xanh dù đang ở bất cứ nơi đâu”. Dù vậy, nếu có cơ hội, hãy ít nhất một lần tìm về với đại ngàn để được đắm mình trong khoảng xanh bao la rộng lớn, để hít hà bầu khí trong lành, và để tâm hồn được kết nối với cội nguồn nội tại.
Bên cạnh những thành tựu nghệ thuật, đạo diễn Cao Trung Hiếu còn được công chúng nhớ đến thông qua những dự án khôi phục, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên như “Rừng Việt Nam”, các hoạt động tái hoang dã… Mỗi dịp hội ngộ với rừng, vị đạo diễn đều đứng lặng rất lâu bên một cội cổ thụ, có lúc khụy hẳn một chân xuống lắng nghe “hơi thở” của đất đai cây cỏ để cảm nhận rừng bằng mọi giác quan. Đạo diễn chia sẻ: “Những lúc đó, tôi tìm thấy bình yên thực sự lẫn trong làn hương hoa cỏ, trong thanh âm của một giọt mưa rơi nhẹ trên phiến lá…”
Song, trong cảm thức của “người nghệ sĩ đại ngàn”, khoảng xanh diệu kỳ của tự nhiên không thể nào trọn vẹn nếu thiếu đi mảng ghép xanh non từ đôi mắt những cá thể động vật hoang dã. Đó là những đôi mắt nguyên sơ phản chiếu bóng hình đại ngàn, không vương chút sợ hãi khi phải đối diện với hiểm nguy. Bảo vệ “những đôi mắt xanh non” cũng là điểm đồng điệu mạnh mẽ nhất thôi thúc đạo diễn Cao Trung Hiếu đồng hành cả hai sự kiện tái hoang dã do tri kỷ Menard tổ chức.
Trong hành trình thứ nhất vào đúng thời điểm này một năm về trước, dưới một gốc cây to lớn già cỗi, đạo diễn Cao Trung Hiếu ngoái đầu nhìn “cậu bạn” tê tê sắp rời đi như nhìn một người bạn cố tri. “Cậu bạn” tê tê cũng nán lại một chút để trao anh cái nhìn từ biệt, đầu hơi cúi xuống như muốn nói lời cảm ơn vì đã tận tay nâng niu đưa cậu trở về rừng già. Hai “đôi mắt xanh non” nhìn nhau trong một cuộc đối thoại im lặng. Những lúc như vậy, chỉ một ánh nhìn đầy tin tưởng đã đủ để thay thế cho mọi “ngôn ngữ”.
Năm nay, ánh nhìn “xanh non” của 14 cá thể các loài công má vàng, cầy vòi mốc, chồn bạc má, mèo rừng và rùa sa nhân lại tiếp tục được đạo diễn Cao Trung Hiếu, tri kỷ Menard và những người đồng hành trao gửi lại đại ngàn, nối dài hành trình nhân rộng khoảng xanh bình yên cho cộng đồng.
Thấy gì qua “đôi mắt xanh non”?
Khi soi vào mặt hồ trong trẻo, ta thấy được hình ảnh phản chiếu của mình. Khi nhìn thật lâu, thật sâu vào “những đôi mắt xanh non”, ta cũng có thể thấy chính bản thân mình đang cuộn tròn trong đó. Đắm mình giữa “hồ mắt” yên bình, tâm hồn ta được nương náu, vỗ về, được kết nối với những giá trị thanh thuần nhất, và không biết từ lúc nào, đôi mắt của ta cũng đã hoá màu xanh non.
Trong bản thể nguyên sơ, về rừng, đối diện với rừng và soi mình trong màu mắt xanh non chính là cách mà đạo diễn Cao Trung Hiếu cân bằng tâm trí, tái tạo năng lượng. “Khi ngắm nhìn những tán cây trong rừng, tôi cố gắng giữ cho tâm trí mình…trống rỗng, chẳng gợn một chút suy nghĩ gì. Bởi vì sau khoảng thời gian tĩnh lặng ngắn ngủi ấy, tôi nhận ra mình có thể suy nghĩ mọi thứ rõ ràng hơn, có thể nhẹ nhàng đón nhận mọi sự kiện chuẩn bị diễn ra.” – đạo diễn chia sẻ.
Riêng ở bản thể một người nghệ sĩ, “đôi mắt xanh non” chính là thứ giúp đạo diễn Cao Trung Hiếu thấy được nhiều hơn và thấu được nhiều hơn. Trong thế giới nghệ thuật của anh, vạn vật đều có linh hồn, đều mang trong mình những ý nghĩa nhân sinh đặc biệt. Trong bộ phim “Truyện ngắn”, tán lá của cội cây già không chỉ là tán lá, đó là cả một vùng không gian an tĩnh, bình yên. Tiếng suối róc rách hay lá xào xạc trong những bài Haiku của anh không chỉ là những thanh âm vô nghĩa, đó là tiếng lòng của thế giới tự nhiên huyền ẩn, bao la. Trong những bức ảnh tối giản của anh, một phiến đá xanh rêu, một mảnh trăng rừng Chiang Mai, hay một thảm lá khô mục Cúc Phương đều đang thầm thì kể câu chuyện của riêng mình.
Từ hành trình đầy ý nghĩa của đạo diễn Cao Trung Hiếu và tri kỷ Menard, từ những chiêm nghiệm chân thành nhất từ anh, ta cảm nhận được gì qua “những đôi mắt xanh non”? Phải chăng, đó chính là nguồn cảm hứng giữ gìn và nhân rộng những giá trị đẹp đẽ cho cuộc đời?
LC/Lifestyle