Chúng tôi mất gần năm giờ lênh đênh trong sợ hãi trên biển ở chuyến đi chỉ có 25 hải lý từ cảng Cái Rồng ra đảo Cô Tô. Khi tới được cầu tàu Cô Tô, mọi người mới biết mình… còn sống!
Cuối tháng 6 vừa rồi, chúng tôi và nhiều người đi du lịch ra thăm huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh đã chọn tàu gỗ và khởi hành ngày thường (thay vì tàu cao tốc vào cuối tuần). Tất cả đều chung những lý do như tàu gỗ đi chậm hơn chút sẽ dễ ngắm cảnh, tiết kiệm được 50.000 đồng/người và tránh chuyện đông đúc.
Hãi lắm rồi!
Khi đến huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh, chúng tôi được người dân ở đây cảnh báo phải xuống tàu sớm ít nhất một giờ để giữ chỗ ngồi. Con tàu gỗ Mạnh Quang 09 xuất phát lúc 7g, biết được lịch vậy nên chúng tôi đã xuống từ lúc 5g45. Khi xuống khoang hành khách, chúng tôi đã thấy nhiều người ngồi la liệt ở các hàng ghế. Riêng tấm phản có trải vài manh chiếu cuối tàu đã có người nằm, ngồi cả rồi. Trong khoang tàu vô cùng ngột ngạt với mùi dầu máy bốc lên nồng nặc.
Theo quan sát của chúng tôi, con tàu gỗ sơn xanh này đã bị bong tróc, khá cũ kỹ. Không chịu được không gian khó chịu trong khoang, chúng tôi ra ngoài hành lang hai bên mạn tàu. Nhưng ôi thôi, hành lang tàu đã chật cứng hàng hóa tự bao giờ. Không chỉ có vậy, khoang dưới chân hành khách cũng liên tục được mở ra để các nhân viên trên tàu quăng hàng xuống chật cứng. Nhiều khách đi trên tàu thốt lên: “Ô! Thế tàu này chở hàng hay chở khách vậy?”. Tất cả mùi tương, cà, mắm, muối, mùi hải sản trộn với mùi dầu máy càng làm cho không khí trên tàu thêm khó chịu.
Khi đồng hồ đã điểm 7g10 và sau hai lần kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, con tàu gỗ Mạnh Quang 09 vẫn nằm im ở cảng Cái Rồng. Một nhân viên của tàu tên Hội cho biết cứ đủ 50 người tàu sẽ chạy. Nhưng bây giờ khi đếm qua, chúng tôi đã thấy số người vượt mức đó. Một lúc sau, anh Hội xuống thông báo tàu đã quá 3-4 hành khách, vậy những ai đi lẻ hoặc đi hai người thì xin xuống tàu giúp để chuyến đi được khởi hành.
Mọi người ngã ngửa vì thông báo ấy và ai cũng tỏ ra vô cùng bức xúc do lúc lên thì nhân viên tàu cho lên ồ ạt, đến giờ lại bắt vài người xuống. Anh Hội nói mãi một hồi rồi cũng có hai người đàn ông tình nguyện rời tàu, sau đó thêm một phụ nữ nữa. Con tàu đã chậm 30 phút mà vẫn chưa khởi hành được. Nhân viên nhà tàu tiếp tục thông báo vẫn quá một người so với quy định. Lúc này dù nhân viên nói thế nào đi chăng nữa cũng chẳng ai chịu xuống. Vậy là, qua ô cửa sổ trên khoang tàu, chúng tôi nghe được lời nhân viên nói với cơ quan quản lý đường thủy rằng trên tàu nhiều trẻ em nên không thể tính là một hành khách được, họ lại đi cả đoàn, cả gia đình làm sao có thể tách họ đây… Sau vài phút phân trần, xin xỏ, cuối cùng con tàu cũng được khởi hành.
Con tàu tròng trành rẽ sóng ra đảo. Theo chúng tôi quan sát, tuyệt nhiên không có bất cứ hành khách nào mặc áo phao. Đống áo phao được vứt ngổn ngang dưới lối đi cũng chẳng nhân viên nào đến nhắc nhở. Khi tàu qua đảo Minh Châu, Quan Lạn để ra một vùng biển mênh mông, lúc này sóng khá lớn. Con tàu tròng trành, nghiêng ngả, nhiều hành khách chưa quen với sóng, với mùi dầu máy đã bị say. Trên tàu rất hỗn loạn giữa tiếng nôn ọe của người say sóng lẫn với tiếng kêu khóc của trẻ con.
Bà Mai, một hành khách từ Bắc Giang ngồi gần tôi, cầm túi nilông chực nôn, cứ một lát lại hỏi tôi: “Sắp tới đảo chưa cháu, cô hãi lắm rồi!”.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Sau chuyến đi tàu gỗ Vân Đồn – Cô Tô đầy hãi hùng ấy, chúng tôi tìm hiểu thêm và được biết nhiều thông tin. Con tàu gỗ Mạnh Quang ngày nào cũng lênh đênh trên biển với lịch trình thứ hai, tư, sáu từ Vân Đồn ra Cô Tô và thứ ba, năm, bảy ngược lại. Người dân sống trên đảo Cô Tô lâu năm cho biết tàu gỗ Mạnh Quang được gọi là “tàu chợ trên biển” để phân biệt với tàu chợ trên đất liền. Theo lịch trình mà nhà tàu thông báo trên trang mạng, chuyến đi 25 hải lý chỉ mất 2 giờ 20 phút. Nhưng với những ai đã đi tàu này nhiều lần hoặc dân sống ở Cô Tô đều bảo rằng tàu gỗ này thích đi lúc nào thì đi, và đến bến lúc nào thì đến. Có khi tàu chạy 25 hải lý mất đến 3 giờ 30 phút, thậm chí còn hơn.
Khách đi tàu gỗ Mạnh Quang không bao giờ phải mua vé trước. Mọi người cứ lao lên tàu, cho đến khi chuẩn bị xuất phát nhân viên sẽ đi đếm đầu người và thu tiền với mức giá 110.000 đồng/khách. Chúng tôi thấy nhân viên trên tàu có ghi lại vài dòng thông tin cá nhân của khách ra một tờ giấy cho có lệ. Đảm bảo rằng theo mấy dòng ghi chép ấy thì sẽ không thể nào liên lạc được với hành khách và người thân của họ nếu có chuyện gì xảy ra. Đây là một cách làm tùy tiện, đáng báo động.
Không chỉ mỗi tàu Mạnh Quang, ở đây còn nhiều con tàu khác được dùng để chở hàng hóa là chính, nhưng vài năm trở lại đây do nhu cầu du lịch ra Cô Tô tăng cao nên được chế thêm khoang chở khách.
Chỉ một chuyến đi trên tàu gỗ mang danh tàu du lịch Mạnh Quang 09 đã để lại quá nhiều báo động nguy hiểm, những bất cập đáng trách. Tàu chạy không theo giờ giấc quy định, chở hàng và hành khách quá tải, vô tội vạ, không có biện pháp nhắc nhở, quản lý an toàn, không phát hành vé, cho hành khách lên ồ ạt…
Gần đây có nhiều tàu du lịch đường thủy (gồm cả sông và biển) bị tai nạn. Tiếng chuông cảnh báo ấy có lẽ không cần nhắc lại thì các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng cần phải biết và có biện pháp khẩn cấp. Chứ để bò mất rồi mới lo làm chuồng thì đau xót lắm!
Theo Tuổi Trẻ