Những hình ảnh đáng buồn cho thấy Mẹ Trái đất đang suy kiệt như thế nào bởi rác thải mà con người chúng ta xả ra hàng ngày.
Không ai có thể phủ nhận, Mẹ Trái đất cho con người nơi ở, thức ăn, nước uống và môi trường sống. Vậy nhưng đã bao giờ bạn nghĩ về những điều mà con người chúng ta đang làm đối với Mẹ Trái đất – chăm sóc và bảo vệ ư?
Sự thật là chúng ta có chăm sóc, có bảo vệ môi trường nhưng song hành với đó mỗi ngày, chúng ta cũng xả ra môi trường hàng trăm ngàn tấn rác thải các loại gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại cuộc sống của rất nhiều các loài sinh vật khác.
Giờ đây, hãy cùng nhìn lại xem lượng rác ấy đã và đang khiến Mẹ Trái đất “yếu” đi như thế nào qua chùm ảnh đáng suy ngẫm và đầy ám ảnh dưới đây.
Đây là hình ảnh một người nhặt rác đang làm việc tại khu vực tập trung rác thải rộng hơn 200 hecta ở phía Bắc thành phố Port-au-Prince, Haiti. Mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận thêm tới 5.000 tấn rác chưa qua xử lý.
Hậu quả là mảnh đất phía dưới bãi rác này bị ô nhiễm nặng và không thể dùng vào canh tác nông nghiệp. Đồng thời, những người nhặt rác với dụng cụ bảo hộ lao động thô sơ tại đây đều mắc các căn bệnh nguy hiểm về đường hô hấp cùng những vấn đề về sức khỏe khác.
Một sự thật đáng buồn, đó là con người từ lâu đã xem đại dương như một thùng rác khổng lồ. Các vùng biển trên khắp thế giới hàng ngày phải tiếp nhận đủ loại rác thải sinh hoạt của chúng ta. Và nguy hiểm hơn, các loài sinh vật biển có thể sẽ gặp nguy hiểm nếu vô tình ăn phải những “món quà” chúng ta gửi ra đại dương này.
Bức hình trên là xác một chú chim hải âu trên đảo san hô Midway. Khám nghiệm xác cho thấy nguyên nhân tử vong là do chú chim này đã nuốt phải quá nhiều rác làm từ nhựa, trong số 20 tấn rác mỗi năm tại hòn đảo ở Bắc Thái Bình Dương này.
Trong khi đó, tại Mỹ – cường quốc số 1 thế giới thì tình hình cũng không khá khẩm gì hơn. Chỉ tính riêng thành phố Los Angeles, mỗi năm chính quyền nơi đây đã và đang phải chi hơn 36 triệu đô la (782,6 tỉ đồng) nhằm ngăn chặn và thu dọn lượng rác trôi nổi trên các bãi biển, sông hồ để cứu lấy Mẹ Trái đất.
Đây là khung cảnh cửa sông San Gabriel, Los Angeles. Nhìn lượng rác này, ít ai biết rằng chúng được sóng biển đưa vào đất liền tháng 01/2010.
Trung Quốc là điểm tập kết của 70% lượng rác thải điện tử trên khắp thế giới. Trong đó, ta không thể không nhắc tới 5 triệu chiếc tivi bị bỏ đi mỗi năm.
Tivi phế thải được chất thành từng đống để chờ tái chế tại thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam. Những kim loại như thủy ngân, chì, cadmium, barium, lithium và hóa chất tổng hợp như polyvinyl chloride trong các loại rác thải điện tử sẽ thấm xuống đất, xâm nhập vào các mạch nước ngầm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, con người nếu nhiễm các chất này sẽ bị tổn thương tim, gan, thận, hệ thống xương, thần kinh và sinh sản.
Bức ảnh chụp khung cảnh Dudaim – một trong những bãi rác lớn và “tiên tiến” nhất tại Israel. Mỗi ngày, 3.800 tấn rác thải sinh hoạt được vận chuyển tới bãi rác này, khiến môi trường sống của các loài động vật xung quanh bị phá hủy vì mức độ ô nhiễm.
Trong bức hình, hàng trăm chú chim diều hâu đen lượn quanh bãi rác Dudaim ở Isarel nhằm tìm kiếm những thứ chúng có thể ăn mà không hề biết rằng nguồn thức ăn này sớm hay muộn cũng khiến chúng tử vong vì các chất độc hại trong rác thải.
Bên cạnh một thành phố Madrid (Tây Ban Nha) hoa lệ, ít ai biết rằng tồn tại một bãi rác lốp xe khổng lồ như thế này. Đây là tấm hình ghi lại khung cảnh “núi” lốp xe nằm trong bãi tập kết ở vùng thôn quê Sesena Nuevo, ngoại ô thủ đô Tây Ban Nha.
Ngạc nhiên hơn, đây không phải là “núi” lốp xe duy nhất bởi từ năm 2003, rất nhiều bãi rác tương tự đã hình thành xung quanh thủ đô Madrid.
Hiện tại, chính phủ Tây Ban Nha đang hi vọng có thể làm sạch được các khu vực như vậy trong vài năm tới song xem ra, nền đất phía dưới các “núi” lốp này sẽ không thể cứu chữa.
Bạn có biết, đây từng là một con sông trong lành tại Philippines hay không? Chắc có lẽ sẽ không ai tin được điều đó bởi từ nhiều năm nay, dòng sông Pasig này đã được đổi tên thành “dòng sông rác”.
Lượng rác thải khủng khiếp trên con sông tại thành phố Manila này có nguồn gốc từ sinh hoạt mất vệ sinh và thiếu ý thức của người dân sống xung quanh khu vực. Họ thản nhiên xả rác ra dòng sông và chẳng mấy chốc “giết chết” dòng sông Pasig năm nào.
Cậu bé Alfredo (trái) cùng mẹ của mình là cô Miriam đang xem xét một bãi rác cạnh nhà ở ngoại ô Buenos Aires, gần đó là dòng suối mang tên Riachuelo.
Alfredo là một học sinh lớp 6, đồng thời cậu cũng là thành viên của tổ chức những người bảo vệ lưu vực sông Matanza-Riachuelo. Đây là dòng sông được xếp hạng một trong những địa điểm ô nhiễm nặng nhất trên Trái đất.
Dòng sông này vốn là tuyến đường thủy quan trọng nhất tại thủ đô Buenos Aires, Argentina. Tuy nhiên, hiện có khoảng 15.000 cơ sở công nghiệp đang xả nước thải trực tiếp ra sông, khiến nó ô nhiễm trầm trọng với hàm lượng các kim loại nặng như chì, kẽm, đồng, nickel, crom… vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Hình ảnh một người nhặt rác đang làm công việc tìm kiếm rác tái chế bên sông Yamuna. Và bạn sẽ rất sốc nếu biết rằng, ngay gần khu vực này là một điểm tắm rửa linh thiêng của người theo đạo Hindu.
Yamuna là dòng sông cung cấp 70% lượng nước uống cho người dân ở Delhi, thành phố lớn thứ hai tại Ấn Độ. Tuy nhiên, đây cũng là nơi 24 tỉ lít nước thải chưa qua xử lý từ các hoạt động công nghiệp của con người được xả thẳng ra mỗi ngày.
Rõ ràng, Trái đất đang chết dần, chết mòn bởi những hành động của chính con người. Để giải quyết vấn đề này, đừng chỉ chờ đợi các dự án mang tầm vĩ mô của các quốc gia và tổ chức trên thế giới.
Mỗi người trong chúng ta hãy góp sức mình từ những hành động nhỏ như: tìm cách tái sử dụng những món đồ cũ, không vứt rác bừa bãi, giảm sử dụng túi ni-lon và ưu tiên dùng sản phẩm của các nhãn hiệu thân thiện với môi trường…
Nỗ lực của một cá nhân, một tập thể có thể sẽ không thay đổi được tình hình hiện tại, nhưng khi mỗi người trong chúng ta tự ý thức và cùng chung tay giải quyết vấn đề thì chắc chắn Trái đất sẽ hồi sinh.
Theo Tri thức trẻ