Khác với ngành thời trang truyền thống thường chỉ giới thiệu một hoặc hai bộ sưu tập một năm. Những thương hiệu “fast fashion” thường tập trung kiếm lợi qua hàng loạt các bộ sưu tập ngắn hạn và thường được bán hết sạch trong vòng một tháng.
Nội dung nổi bật:
– “Fast fashion” là thuật ngữ chỉ những hãng bán lẻ thời trang bình dân chuyên đi sao chép các mẫu thiết kế của nhiều thương hiệu danh tiếng và sau đó bán ra thị trường.
– Hiện tại các thương hiệu “fast fashion” đang ngày càng thống trị thị trường và chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
“Thời trang mỳ ăn liền” là gì?
Ngành công nghiệp “fast fashion” đôi khi được mặc định gắn liền với hình ảnh những nhà máy có điều kiện làm việc thiếu thốn, lương thấp tại những quốc gia như Bangladesh hay Campuchia. Tuy nhiên, tại hội nghị Thượng đỉnh về thời trang diễn ra vào tháng 4 vừa qua tại Copenhagen, một vấn đề nóng hổi được bàn luận đến là việc các thương hiệu xa xỉ đang ngày càng bị “lép vế” so với những thương hiệu bình dân hay còn được gọi là “fast fashion”.
Đầu tiên, theo Wikipedia thì “fast fashion” là thuật ngữ chỉ những hãng bán lẻ thời trang bình dân chuyên đi sao chép các mẫu thiết kế của nhiều thương hiệu danh tiếng và sau đó bán ra thị trường. Các mẫu mã này được sản xuất một cách nhanh chóng với lợi thế duy nhất là giá rẻ. Chính vì thế, người ta thường gọi “fast fashion” với cái tên đời thường hơn là “thời trang mỳ ăn liền”.
Một số thương hiệu “fast fashion” nổi tiếng có thể kể đến là Zara, H&M hay Topshop. Trong đó, theo thống kê của Forbes thì Zara là thương hiệu thành công nhất với mức tăng trưởng 8%, đạt doanh thu 19,7 tỷ USD trong năm 2014. Tiếp theo đó là các hãng Uniqlo, Gap, Primark, Abercrombie & Fitch hay Mango.
Một số “tân binh” trong thị trường “fast fashion” cũng đang rất “ăn nên làm ra” có thể kể đến là Boohoo, Pretty Little Thing, Shelikes, Missguided. Cụ thể, Missguided đã tăng trưởng doanh thu từ 12 triệu USD lên hơn 82 triệu USD trong năm 2014.
Cuộc đua tốc độ
Khác với ngành thời trang truyền thống thường chỉ giới thiệu một hoặc hai bộ sưu tập một năm. Những thương hiệu “fast fashion” thường tập trung kiếm lợi qua hàng loạt các bộ sưu tập ngắn hạn và thường được bán hết sạch trong vòng một tháng.
Ví dụ điển hình là Zara, trong khi các đối thủ thường cần đến cả năm để tung ra thị trường một bộ sưu tập mới thì Zara có thể làm điều tương tự chỉ trong 2 tuần. Lợi thế về tốc độ mang lại cho các hãng này rất nhiều lợi ích:
– Đầu tiên, chúng tạo ra cảm giác khan hiếm vì mọi người biết hàng sẽ được bán hết chỉ trong một hoặc hai tuần. Khách hàng sẽ luôn phải đối mặt với hai lựa chọn: Hoặc mua bây giờ hoặc sẽ không bao giờ còn cơ hội nữa.
– Thứ hai là, sự khan hiếm cũng làm cho khách đến cửa hàng của Zara nhiều hơn bởi họ sợ sẽ để lỡ một thứ gì đó rất hay ho.
– Thứ ba, lượng cung hạn chế của các bộ sưu tập ngắn hạn làm cho Zara luôn bán hết sạch hàng và không phải lo hàng tồn sẽ làm ảnh hưởng xấu đến tổng lợi nhuận.
Thậm chí, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Missguided là Nitin Passi còn hùng hồn tuyên bố: “Chúng tôi nhanh nhất. Đồ mới được cập nhật một ngày một lần. Và tôi hy vọng sắp tới có thể thực hiện mỗi tiếng một lần”.
“Bằng vai phải vế” với các thương hiệu xa xỉ
Đã qua rồi thời kỳ những thương hiệu thời trang đường phố bị coi là kẻ “cóp nhặt”, là những công ty có điều kiện làm việc tồi tệ, lương nhân viên bèo bọt. Hiện nay một số thương hiệu như Topshop và H&M thậm chí còn ra mắt bộ sưu tập theo mùa của họ tại các tuần lễ thời trang danh tiếng cùng lúc với các thương hiệu xa xỉ.
Điều kiện làm việc tại các nhà máy của các hãng bình dân đã được cải thiện, lương nhân viên cũng được tăng cao hơn. Cụ thể, số nhân viên của Missguided đã tăng 253 người chỉ trong vòng nửa năm. Trong khi đó, Zara liên tục mở các nhà máy tại Trung Quốc, Ấn Độ, Ma rốc…
Điểm đáng ngưỡng mộ là dù cố gắng đua cùng các thương hiệu lớn nhưng những hãng thời trang bình dân vẫn giữ vững được lợi thế giá rẻ. Lợi thế này có được là nhờ những đơn hàng khổng lồ, chiến lược chuỗi cung ứng thông minh, không phải qua người môi giới và có cửa hàng riêng.
Một chiếc áo khoác có giá 2.000 bảng Anh đơn giản không thể là chọn lựa cho hầu hết những người yêu thời trang trên toàn thế giới (chưa kể đến các vấn đề chất lượng, sự vừa vặn). Chính vì vậy, người tiêu dùng sẽ cân nhắc đến yếu tố hợp thời trang nhiều hơn.
Theo Tri thức trẻ