Thay cho việc đợi đến lúc ốm là uống thuốc kháng sinh, bạn hãy đưa các nguồn kháng sinh tự nhiên trong thực đơn hàng ngày. Chúng sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và tránh xa khỏi bệnh viện cũng như bác sĩ.
Sử dụng thuốc kháng sinh quá lâu sẽ dẫn tới việc “lờn thuốc”. Không dừng lại ở đó, khi bạn uống kháng sinh để tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh, cùng lúc bạn cũng “giết hại” không ít những vi khuẩn tốt có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Trong khi ấy, những nguồn kháng sinh hấp thu từ tự nhiên sẽ tránh cho bạn cả hai nhược điểm trên. Chúng không thể thay thế hoàn toàn cho thuốc kháng sinh thật khi bạn ốm nhưng có thể tăng cường sức đề kháng, giữ cho bạn luôn khỏe mạnh và tránh xa các ông bác sĩ tốt hơn.
Tỏi. Tỏi là một siêu thực phẩm chứa allicin, một hợp chất có đặc tính rất giống penicillin, thành phần chính trong nhiều loại thuốc kháng sinh. Tỏi cũng có tác dụng chống viêm, chống virus, chống ký sinh trùng, chống nấm và chống oxy hóa, giúp ngăn chặn nhiều loại bệnh, từ cảm lạnh, ho cho đến bệnh cao huyết áp và bệnh tim.
Gừng. Gừng được coi là một trong những phương thuốc phổ quát vào bậc nhất của thế giới thảo dược. Ước tính quá nửa phương thuốc truyền thống của người Trung Quốc sử dụng gừng trong đó. Loại củ thơm và cay này có nhiều đặc tính chữa bệnh hiệu quả, trong đố bao gồm cả tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch và chữa một số vấn đề về tiêu hóa.
Mật ong. Từ thuở xưa, các binh sĩ đã biết thoa mật ong lên vết thương để chữa trị và ngừa nhiễm trùng. Loài người tận dụng mật ong như một phương thuốc giảm đau, chất chống oxy hóa và chất khử trùng hiệu quả. Nghiên cứu khoa học hiện đại đã xác nhận điều này thông qua việc chứng minh mật ong có tác dụng tích cực trong việc chiến đầu với hơn 60 chủng vi khuẩn khác nhau. Ngoài việc tăng cường hệ thống miễn dịch, ăn mật ong còn giúp giải độc máu, cải thiện chức năng gan của bạn.
Quế. Nhờ lượng tinh dầu hàm chứa trong vỏ cây, quế có các đặc tính kháng khuẩn và chống nấm hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy tác dụng của quế đạt hiệu quả nhất khi được kết hợp với mật ong. Sự hội ngộ của chúng sẽ đem đến cho bạn hiệu ứng kháng sinh toàn diện.
Cải bắp. Cải bắp là một thành viên của “gia đình” cải, anh em gần với súp lơ trắng súp lơ xanh hay cải xoăn. Một chén bắp cải có thể cung ứng tới 75% nhu cầu Vitamin C mỗi ngày của bạn. Vitamin C là chất kháng sinh tự nhiên có tác dụng ngừa bệnh hiệu quả. Để tăng cường khả năng miễn dịch, bạn có thể uống nước ép bắp cải tươi hòa với một thìa mật ong mỗi ngày.
Nghệ. Củ nghệ có một số đặc tính kháng khuẩn và chống viêm giúp điều trị hàng loạt các bệnh nhiễm trùng. Nó đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc điều trị nhiễm trùng nội khoa lẫn ngoại khoa. Dùng nghệ thường xuyên đem đến nhiều lợi ích cho bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể nghiền nghệ tươi thành một hỗn hợp đặc sệt và đắp lên bất kỳ chỗ da bị nhiễm trùng nào.
Dầu dừa. Các acid béo trong dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn và kháng virus. Những acid này, đặc biệt là acid lauric, tiêu diệt các mầm bệnh có hại hiệu quả. Thực tế, sữa mẹ chính là một nguồn thay thế kháng sinh hữu hiệu nhờ chứa lượng lớn acit lauric bên trong.
Húng quế. Loại rau này có thể xếp vào “họ hàng gần” với rau kinh giới và cũng có chứa nhiều đặc tính kháng sinh. Nghiên cứu chỉ ra rằng húng quế có hiệu quả điều trị một số chủng vi khuẩn đã nhờn thuốc kháng sinh và đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị bệnh do vi khuẩn truyền nhiễm gây ra.
Lá nguyệt quế. Không chỉ được dùng là nguyên liệu làm nên hương vị món ăn hấp dẫn, lá nguyệt quế còn được đánh giá là một thảo dược có giá trị cao với đặc tính khử trùng, kháng khuẩn. Nó đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá do vi khuẩn gây ra. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng kem tự chế từ nguyệt quế thậm chí có hiệu quả trị mụn hiệu quả hơn cả một số loại thuốc kê theo toa.
Cây cúc dại. Echinacea, một loại cây cúc dại, từ xa xưa đã được dùng như một thảo dược trị thương hữu hiệu. Không chỉ được sử dụng trong việc điều trị vết thương hở, nhiễm trùng máu và nhiều bệnh do tác nhân vi khuẩn, loại thảo dược này còn giúp bạn chống lại một số bệnh nhiễm trùng khác. Nghiên cứu khoa học cho thấy nó có khả năng giảm 58% nguy cơ mắc bệnh cảm.
Rau củ muối dưa. Thực phẩm lên men như dưa bao tử ngâm dấm, dưa muối hay kim chi có chứa probiotic, chất được bác sĩ khuyên dùng cùng với thuốc kháng sinh. Probiotics là chế phẩm sinh học khuyến khích sự tăng trưởng của các vi khuẩn tốt trong hệ thống tiêu hóa của bạn, từ đó giúp cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, nó được cho là có hiệu ứng kháng sinh gián tiếp.
Nguyễn Phương – Theo Lifestyle