Câu Chuyện Cuộc Sống tháng 8 có rất nhiều nội dung khiến cho khán giả phải suy nghĩ và nhận ra hình ảnh của chính mình trong từng câu chuyện. Điển hình là nội dung phát sóng về chủ đề “Sự cố chấp trong mỗi người” hay “làm thế nào để vượt qua biến cố” chắc chắn sẽ mang lại cho mọi người nhiều lời khuyên bổ ích.
Cố chấp – “căn bệnh” cần loại bỏ
Cố chấp có thể xem là một tính cách tiêu cực phổ biến hiện nay. Nó thể hiện rất rõ trong các tranh luận và luôn tồn tại trong rất nhiều hành động. Sự cố chấp ấy đã tiêu diệt tính đa dạng, sáng tạo, quyền năng khẳng định mình…, những yếu tố vô cùng thiết yếu cho phát triển. Người ta biết thế nào là chấp và khuyên nhau đừng chấp, nhưng rốt cuộc, buông chấp đi mà sống cho lành lại chẳng mấy ai làm được. Chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống đã đưa ra một số tình huống trong gia đình rất gần gũi với khán giả như mong muốn của cha mẹ đối với con cái mà bất chấp đến hoàn cảnh phù hợp hay không, cách xử lý tình huống giữa hai vợ chồng khi bất đồng quan điểm.
Chuyên gia của chương trình cho biết người có tính cố chấp không dễ gì thấy bản chất của vấn đề, họ thường giới hạn năng lực giải quyết vấn đề và nhận thức của mình. Họ luôn khép mình trong tư duy hạn hẹp điều này họ rất dễ làm rạn nứt các mối quan hệ xung quanh. Bởi cố chấp mang lại định kiến và mặc cảm, mang lại sự tự tôn quá mức cũng như sự thiếu tự tin quá thể. Chuyên gia tâm lý cho rằng ẩn sâu của tính cố chấp trong mỗi người là nhu cầu được thể hiện mình từ việc khi còn là một đứa trẻ. Nhu cầu được chấp nhận, yêu thương bản thân ở những người cố chấp rất mạnh.
Người trẻ học cách vực dậy sau biến cố
Cuộc sống của bạn đầy những biến đổi đang xảy đến. Khi những sự kiện khó khăn nhấn chìm suy nghĩ và cảm xúc của mỗi người, chúng dẫn đến một vòng xoáy tiêu cực, tạo ra cảm giác bất lực, thất vọng, mất niềm tin vào bản thân và tương lai. Ít ai lường trước được mức độ của các sự kiện thay đổi cuộc đời, vì chúng ta phải đối mặt với nhiều trải nghiệm thay đổi hơn mong đợi và con số chỉ có khả năng tăng lên trong những năm tới, nên việc thành thạo các kỹ năng cần thiết để vượt qua chúng là điều cấp thiết. Các chấn động có thể mang tính tự nguyện hoặc không, nhưng lèo lái các biến đổi xảy ra do chúng thì chỉ có thể là tự nguyện. Chúng ta phải tự trang bị cho mình các kỹ năng này.
Chương trình đã kể câu chuyện của Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An trước biến cố của cuộc đời làm thay đổi tất cả mọi thứ trong cuộc sống — thương tật vĩnh viễn đôi chân. Hành trình tìm kiếm một khởi đầu mới với những gian nan đi kèm với nghị lực đã giúp anh An trở thành một trong những tấm gương điển hình cho nhiều người. Trên chiếc xe lăn, giờ đây anh An đã là một chuyên gia tâm lý, giảng viên… Anh An đã chia sẻ một số yếu tố giúp anh có thể vượt qua được nghịch cảnh của cuộc đời khiến khán giả sẽ có nhiều bài học suy ngẫm.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói, chạy trốn khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì cũng như đi tìm hoa sen ở nơi không có bùn. Các nghiên cứu cho thấy những người có sự ổn định về cảm xúc và suy nghĩ có khả năng phục hồi tốt hơn. Hãy phản biện lại những quan điểm của chính mình, nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu và học cách chấp nhận rằng thay đổi là một phần của cuộc sống.
Bên cạnh đó câu chuyện của mẹ con anh Nguyễn Tiểu Long thiết kế những chiếc túi từ quần áo cũ trong số phát sóng “Lối Sống Xanh Tích Cực” cũng là nội dung mang đến nhiều cảm xúc đẹp trong tháng 8. Đừng quên đón xem các số tiếp theo của chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống vào 19h50 thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên THVL1.
LC/Lifestyle