Nơi chia sẻ “Phúc” đến từ “Tâm”


Nằm trên địa bàn xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi TPHCM, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thiên Phước thật sự là một “mái ấm” tràn đầy tình yêu thương dành cho những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.

thien phuoc Nơi chia sẻ “Phúc” đến từ “Tâm”

Công việc thầm lặng của các Sơ tại trung tâm Thiên Phước

1. Cái nắng, nóng của vùng đất Củ Chi không thể ngăn cản được chúng tôi tìm đến với trung tâm trong một buổi chiều tà. Tiếp chuyện chúng tôi là linh mục Phan Khắc Từ, người đã sáng lập ra trung tâm, giọng nghèn nghẹn, ông kể lại cuộc hành trình đi tìm một điểm tựa mái ấm cho những đứa trẻ tật nguyền: Sau giải phóng, được đi nhiều nơi thấy nhiều gia đình có những người tật nguyền rất nặng, nhưng gia đình giấu không cho ai biết và âm thầm chịu đựng. Tôi nghĩ rằng nếu có một tổ chức nuôi dưỡng và có điều kiện chăm sóc những đứa trẻ được kỹ hơn thì khả năng chữa bệnh cho chúng cũng cao hơn, thay vì để các cháu sống một cuộc sống cô độc.

Và đó là lý do ông mong muốn góp một phần công sức của mình giúp trẻ em khuyết tật có cơ hội được sống, được hòa nhập cộng đồng và hình thành nên cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Thiên Phước.

Ngày 30-12-1999, UBND TPHCM ra quyết định thành lập cơ sở chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thiên Phước, tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi và ngày 15-8-2001 cơ sở Thiên Phước nhận cháu khuyết tật đầu tiên. Đến nay, nơi đây đã tiếp nhận và nuôi dưỡng 22 cháu từ khắp mọi miền đất nước  như: Đà Nẵng, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Thuận, Kiên Giang, Nghệ An, Cần Thơ…

Hoàn cảnh của các cháu cũng rất khác nhau: mồ côi, gia đình khó khăn, bị nhiễm chất độc hóa học, bại não… Đứa lớn nhất 23 tuổi, nhỏ nhất mới 16 tháng tuổi. Theo lịch sinh hoạt hàng ngày, các cháu 6 giờ thức dậy, sau đó được các xơ tắm rửa, cho ăn sáng. Những cháu nào còn tư duy đôi chút thì được các xơ chữa trị bằng vật lý trị liệu hay dạy cho chúng cách tự chăm sóc bản thân hàng ngày như mặc áo quần, đánh răng, rửa mặt, tiếp đến là ăn trưa, nghỉ trưa, ăn xế…

“Thời khóa biểu hàng ngày của các cháu cứ hoài như vậy thôi chứ không có thay đổi gì đâu, vì phần lớn chúng chẳng biết gì, chỉ ăn rồi nằm”, ông Phan Khắc Từ chia sẻ.

2. Thật khó kiềm được nước mắt khi nhìn thấy các em, các cháu ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em Thiên Phước. Những âm thanh ú ớ, tiếng la man dại, ánh mắt đờ đẫn, những thân hình tong teo… tất cả làm bật lên từ trong sâu thẳm cái gọi là bản năng làm người. Chúng tôi thương các em, các cháu bao nhiêu thì lại cảm phục những thầy cô bảo mẫu bấy nhiêu. Họ coi các cháu như con. Dẫu không một ngày mang nặng đẻ đau, nhưng nỗi đau thấm vào họ từ những ánh mắt ngây dại mà đáng thương kia, từ những thân hình cong queo, mềm oặt mà chứa đựng đầy khát vọng làm người… nào có khác gì cảm giác như 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau.

Ngồi tâm sự với cô bảo mẫu Nguyễn Thị Tý vào một buổi chiều tà nắng đã nhạt dần. Niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của các cô đó là quá trình phục hồi chức năng làm người cho các con, các cháu ở đây. Bé Anh Tuấn bị bại não, quê em ở Bình Thuận. Mẹ của em sức khỏe tinh thần cũng không được ổn định, bị di chứng của việc tạt axít… Gia đình nghèo, rất khó khăn nên đã gửi em vào đây. Đồng hồ sinh học của em không giống như các bạn. Em thức liên tục 3 ngày sau đó lại chìm vào giấc ngủ 3 ngày. Đó là trường hợp đặc biệt của cậu bé Anh Tuấn này, nhìn thấy em mà lòng chúng tôi quặn thắt lại.

Cũng mang trong mình căn bệnh bại não, bé Ngọc Ánh (3 tuổi) vừa được mẹ là chị Mai Thanh Phương (21 tuổi) đưa cháu gửi vào trung tâm được một tuần. Chị Phương lên thăm con mà trong lòng cảm thấy vui và an tâm vì các xơ, các cô bảo mẫu chăm sóc bé tận tình như chính “khúc ruột, máu mủ” của mình vậy.

Chị Phương kể: “Hoàn cảnh gia đình em nghèo, khó khăn ở tận Bến Cát Bình Dương và không đủ điều kiện để nuôi cháu. Em mang thai cháu và sanh non thiếu tháng nên từ khi lọt lòng sức khỏe cháu yếu đi, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh bại não. Gia đình em nghèo lắm, ba cháu làm nghề phụ hồ không ổn định, em không có khả năng chăm lo cho cháu nên đành phải gửi cháu vào trung tâm cho các xơ, các mẹ ở đây chăm lo cho cháu. Ngày em gửi cháu vào đây, các cô bảo mẫu kể lại bé khóc suốt mấy ngày liền rồi nhờ các cô dỗ dành, bé dần dần đã quen ở đây rồi!”.

Cháu Trần Thị Lộc, quê ở Nghệ An, mồ côi cha mẹ, mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh. Chỉ cần một va chạm nhẹ là xương có thể bị gãy và đã không biết gãy chân – tay bao nhiêu lần. Các xơ ở Thiên Phước cho biết, mỗi khi bị gãy tay chân, cháu được các xơ ở đây bó bằng thuốc nam. Tuy vậy nhưng cháu Lộc thể hiện một sự phấn đấu rất lớn để vượt qua bệnh tật. Hiện cháu tự phục vụ ăn uống cho bản thân, tự làm những bông hoa vải và cháu còn có thể bón cháo cho “thằng đầu to” đang nằm cùng phòng với cháu.

3. Ai cũng biết, khát vọng sống, khát vọng làm người là cao cả, nhưng không phải ai cũng đạt được điều đó, không phải lúc nào cũng làm được điều đó. Đón các cháu vào cơ sở, các thầy, cô dồn hết tâm lực để chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng có những cháu không thể nào vượt lên được số mệnh. Có cháu ở được vài năm thì “ra đi”, cũng có cháu mới chỉ nhen nhóm khát vọng làm người bình thường được mấy ngày đã nhắm mắt vĩnh viễn.

Rời Thiên Phước, chúng tôi như bị níu lại bởi ánh mắt và cái nắm tay rất chặt của những đứa trẻ, với những lời chào của các xơ nơi đây. Những câu nói về đạo lý làm người cứ vang lên trong chúng tôi khi đến với nơi này: “Cái gốc để tu thân ở đời chính là việc làm được nhiều điều phước, cái phước ấy có được bắt nguồn từ ý nghĩ, việc làm nhân hậu hàng ngày, là sự sẻ chia đối với những thân phận bất hạnh, kém may mắn”.

 Theo SGGP


Các tin cùng chuyên mục