Xu hướng đón Tết xanh – Tiết kiệm và bền vững


Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Xu hướng đón Tết xanh – Tiết kiệm và bền vững, xu hướng sắm Tết tiết kiệm của giới trẻ; Bảo tồn văn hóa ngày Tết qua hoạt động truyền thông tại gia đình.

TET XANH 5 Xu hướng đón Tết xanh – Tiết kiệm và bền vững

Xu hướng đón Tết xanh – Tiết kiệm và bền vững

Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm, là khoảng thời gian sum họp và ăn cơm gia đình. Bên cạnh đó, làm thế nào đón tết tiết kiệm và thân thiện với môi trường được rất nhiều người quan tâm.

Chị Trần Thị Minh Cảnh (Quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Dịp tết 2025, tôi luôn ưu tiên chọn mua những món đồ, thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Chẳng hạn quà tết của tôi sẽ có trà hữu cơ, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp từ trái bơ, tinh dầu tự nhiên, nước từ mật hoa dừa”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (Quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: Tôi sẽ mua nông sản từ người dân, họ làm handmade. Tôi mua ủng hộ họ, cùng nhau hưởng ứng chiến dịch “Môi trường xanh” và tận hưởng hương vị xưa thân thuộc. Mọi người nên nghĩ tới môi trường và hạn chế rác thải nhựa, đồ nhựa dùng một lần là hành động thiết thực nhất”.

Chị Phan Thị Lành (Cửa hàng Mỹ phẩm Bơ Lan, TP.HCM chia sẻ: “Chị em hiện nay quan tâm hai chữ “Đẹp” và “An toàn”. Khách hàng thường mua son làm quà tặng, son của mình làm từ dầu bơ và sáp ong. Mình muốn mọi người hướng tới “Tiêu dùng xanh” bảo vệ sức khỏe bản thân. Mình tin rằng “Có sức khỏe có tất cả”.

“Đón tết xanh” không chỉ là một xu hướng, mà điều đó còn gửi gắm tương lai của chính mình. Hãy bắt đầu bằng những hành động nhỏ, để mùa xuân mang ý nghĩa trọn vẹn hơn.

Xu hướng sắm Tết tiết kiệm của giới trẻ

Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian quan trọng nhất của năm đối với hầu hết các gia đình. Cùng với việc sum vầy bên nhau, Tết còn là mùa mua sắm, chi tiêu, nên áp lực tài chính là vấn đề không nhỏ. Thay vì mua sắm quá nhiều, không cần thiết, đã có rất nhiều người thay đổi thói quen chi tiêu, để đón tết cách tiết kiệm mà vẫn đậm chất truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Diễm (TP.HCM) chia sẻ: “Gia đình mình chi tiêu bằng cách chia nhỏ, phân loại một cách khoa học. Mình chỉ mua những món đồ thiết yếu, không tràn lan như những năm trước và cân đo đong đếm kỹ lưỡng trước khi quyết định”. Anh Trần Tuấn Phát (TP.HCM) chia sẻ: “Mình cắt giảm chi tiêu rất nhiều cho bánh mứt, quần áo, nhà cửa”.

Bà Hà Huy Thiền Thư (Công Ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam) chia sẻ: Các hộ gia đình hiện nay đang có xu hướng tăng phân bổ hoạt động khác như: Du lịch, giáo dục,…Vì vậy không tăng nhiều chi tiêu ngành hàng tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn, ưu tiên lợi ích bền vững và ưu tiên thời gian bên cạnh gia đình thay vì mua sắm quá nhiu”.

Tết là dịp quan trọng nhất trong năm đối với mọi gia đình Việt, Tết là vừa dịp sum vầy, còn là dịp mỗi cá nhân được nghỉ ngơi và chăm sóc cho nhau về vật chất tinh thần. Việc có cái tết chất lượng hơn thay vì mua sắm quá tay, trang trí quá đà là ưu tiên hàng đầu.

Bảo tồn văn hóa ngày Tết qua hoạt động truyền thông tại gia đình

Tết là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Những phong tục, tập quán và những món ăn tinh thần ngày Tết cần được gìn giữ và phát huy gìn nét đẹp dân tộc. Để có một dịp Tết đong đầy ý nghĩa, có rất nhiều hoạt động chào đón mùa xuân được nhiều gia đình lên kế hoạch từ sớm.

Chị Phan Thu Nhi (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Đối với tôi, Tết là dịp đặc biệt. Trước Tết, gia đình tôi tụ họp dọn dẹp nhà cửa, lau bàn thờ, chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, đặc bit luôn có trong mâm cơm đó chính là thịt kho, khổ qua, bánh chưng. Đêm giao thừa, gia đình quay quần bên nhau cùng cúng bái và cầu nguyện, cùng ăn cơm đoàn viên”.

Chị Nguyễn Thanh Hoa (Quận 6, TP.HCM) chia sẻ: “Tết luôn mang ý nghĩa đặc biệt. Mỗi năm tôi đều hướng dẫn con những hoạt động truyền thống: dọn dẹp nhà cửa, dọn bàn thờ, nấu món ăn truyền thống. Tôi luôn khuyến khích con trải nghiệm và hiểu được ý nghĩa sâu sắc”.

GS, TSKH Trần Ngọc Thêm (Giảng viên cao cấp, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Trước Tết, đầu tiên là tiễn ông Táo lên trời, ông Táo được coi là vị thần cai quản trong gia đình, tiếp theo, đi thăm mộ, dọn dẹp, sau đó dọn dẹp trong gia đình, lau chùi bàn thờ. Ở Nam Bộ, cây cối được cắt tỉa, dán giấy đỏ để thiên nhiên cũng đón nhận dịp Tết sắp đến”.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia, TP.HCM) chia sẻ: “Tết Nguyên Đán đối với người Việt Nam mang giá trị tinh thần và giá trị tâm linh. Là dịp con cháu sum vầy, cả gia đình, bố mẹ, ông bà, con cháu đi viếng mộ, đi chùa, đi thăm dòng họ,…mang đến giá trị kết nối mọi thế hệ. Điều đó chính là cơ hội để duy trì bản sắc, dân tộc Việt Nam”.

Dù xã hội ngày càng phát triển, Tết vẫn giữ được nét đặc sắc riêng qua các hoạt động của mỗi gia đình. Đặc biệt là các hoạt động để đón mùa xuân mới vui tươi, ấm áp. Mỗi hành động dù rất nhỏ, đều mang ý nghĩa lớn. Đó là cách mà mỗi gia đình cùng chung tay giữ gìn và phát huy văn hóa của cha ông.

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…

Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

 LC/Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục