Trong đêm thi thứ 11 có chủ đề Tình – Tiền, đạo diễn trẻ tuổi nhất của chương trình Kịch cùng Bolero Vũ Trần (sinh năm 1987) đã xuất sắc nhận được điểm tuyệt đối từ 4 giám khảo của chương trình.
Giám khảo Công Ninh đánh giá tiết mục “Ngược lối” của Vũ Trần là mãn nhãn cả về hình ảnh lẫn cảm xúc. Giám khảo Đức Thịnh không ngại đứng lên chào Vũ Trần và khen đạo diễn trẻ đã biên tập kịch bản rất tốt. Giám khảo Việt Trinh đánh giá cao việc chọn lựa diễn viên hợp vai của Vũ Trần khi mời NSƯT Hữu Quốc, diễn viên Nam Thư, Mai Tài Phến, Tiết Duy Hòa diễn xuất trong tiết mục. Giám khảo Đông Đào thậm chí muồn mời Vũ Trần làm đạo diễn dàn dựng cho một tiết mục biểu diễn bolero của mình.
Tiết mục “Ngược lối” do Vũ Trần viết kịch bản và đạo diễn. Tiết mục lấy bối cảnh ở một miền quê sông nước. Ông Quốc (NSƯT Hữu Quốc) sống bằng nghề dệt và nhuộm vải bên bến sông. Ông có 1 người vợ hiền lành tên Thảo (Kiều Thảo) và 1 người con trai nhỏ tên là Bảo (Mai Tài Phến). Không chịu đựng được cuộc sống lam lũ, nghèo khó, ông Quốc rong ruổi đi kiếm việc làm thêm và anh ta gặp phải Thư (Nam Thư) – một cô gái lắm tiền, nhiều của, chủ của một vựa lúa ở miền Tây. Thư đã dùng tiền để Quốc ruồng rẫy, đánh đập vợ con và bỏ nhà đi theo cô. Quá uất ức, vợ của Quốc qua đời không lâu sau đó.
Chứng kiến sự tàn nhẫn của người cha, cũng như vô tình nhìn thấy cảnh ông Quốc ngang nhiên âu yếm nhân tình dưới ghe, Bảo lớn lên với mối hận và sự ám ảnh về mối quan hệ bất chính của ông Quốc và bà Thư. Anh ta xin vào làm bốc vác của gia đình Thư. Với gương mặt điển trai, thân hình rắn chắc và vẻ bất cần của mình, Bảo đã làm cho bà Thư say đắm và sẵn sàng làm tất cả để cung phụng cho người tình nhỏ tuổi của mình. Bà cũng không cần che giấu mối quan hệ bất chính của mình, thậm chí bà ngang nhiên ân ái với Bảo trước mắt chồng mình là ông Quốc. Dù bắt quả tang vợ ngoại tình nhưng ông Quốc không dám hé răng trách mắng, ngược lại ông còn bị bà Thư sỉ nhục là một người đàn ông hèn mạt, không còn khả năng làm chồng trước mặt Bảo. Thậm chí, trước mặt nhân tình, bà còn lớn tiếng đuổi ông đi để Bảo thay thế vị trí của ông.
Bị vợ đuổi đi trong hoàn cảnh trắng tay, ông Quốc quỳ xuống van xin nhưng bà Thư vẫn kiên quyết. Tức giận, ông lao vào đánh Bảo. Trong lúc đánh, ông phát hiện Bảo đeo sợi dây chuyền của vợ. Lúc này, Bảo mới cho biết anh ta chính là con trai của ông Quốc. Với sự căm hận của mình, Bảo đã gọi ông Quốc 1 tiếng cha nhưng đó không phải là tiếng gọi thân thương trìu mến mà anh chỉ muốn 1 lần trả ơn ông Quốc đã sinh ra mình. Sau đó, để trả thù, Bảo đã buộc Thư phải gọi ông Quốc là cha khiến Thư nhục nhã bỏ chạy, còn ông Quốc thì gần như chết điếng. Vì lòng tham của mình, ông Quốc đã đánh mất tất cả. Trong cơn xúc động và chạy theo con trai, ông ngã xuống sông. Ông đau đớn nắm lấy những vốc bùn trét lên mặt và đau đớn đón nhận báo ứng của mình.
Với diễn xuất tuyệt vời của NSƯT Hữu Quốc, tiết mục đã cuốn hút người xem từ đầu đến cuối. Trong vai một người đàn ông vì tham tiền mà phụ bạc vợ con, chấp nhận chịu sống luồn cúi bên người vợ giàu có, Hữu Quốc khiến khán giả vừa giận vừa chua xót cho cuộc đời của ông. Đảm nhận vai nữ chính trong tiểu phẩm, “kiều nữ làng hài” Nam Thư đã lột tả trọn vẹn sự đanh đá, lẳng lơ đến trơ tráo của nhân vật bà chủ vựa lúa. Cô cũng đã có những cảnh diễn hết sức táo bạo cùng với “gương mặt điện ảnh” Mai Tài Phến, như cảnh cô bỏ chìa khóa chiếc xe máy vào áo ngực và buộc Mai Tài Phến phải…cúi mặt vào để gặm chiếc chìa khóa ra. Hay cảnh cô và Mai Tài Phến quấn quýt nhau trong men rượu. Dù cảnh này đã được bộ phận hậu kỳ xử lý hình ảnh khi lên sóng nhưng cũng đủ để “làm nóng” khán giả. Trong vai người con trai của ông Quốc, nam diễn viên trẻ Mai Tài Phến cũng khiến khán giả cuốn hút với vẻ phong trần, bất cần đời của anh khi cặp với bà chủ vựa lúa và sự cay đắng, lạnh lùng đến nổi da gà khi anh gọi ông Quốc 1 tiếng cha.
NSƯT – đạo diễn Đức Thịnh nhận xét: “Nội dung, thủ pháp và cả diễn xuất của diễn viên mỗi người một màu sắc hòa quyện vào nhau. Không đam mê không làm được vở kịch này. Cái đáng khen ở đây, Vũ Trần đã làm rất tốt khâu biên tập lại nội dung, cái đáng tiếc duy nhất trong tiểu phẩm đó là nhân vật người con trai phải chi được thừa hưởng một chút tình từ người mẹ. Phải cho khán giả thấy một chút tình còn sót lại của người thanh niên này, bởi vì anh ta được sinh ra từ một người mẹ tuyệt vời”. Đạo diễn Việt Trinh cho rằng đạo diễn Vũ Trần phải thật sự yêu và hiểu về miền sông nước mới có thể dựng được như vậy. Thành công thứ hai của Vũ Trần đó là chọn diễn viên rất hợp vai. Chị đặc biệt thích chi tiết cây cầu. Đó là nơi đã từng chứng kiến cảnh vợ con ông Quốc khóc thảm thiết khi ông dứt áo ra đi. Đó cũng là nơi ông Quốc nhận báo ứng.
Giám khảo Công Ninh cũng đồng ý với nhận định của đạo diễn Việt Trinh. Ông nhận xét các tiết mục của Vũ Trần khiến ban giám khảo mãn nhãn về hình thức trình bày, mãn nhãn về cảm xúc mà các diễn viên mang đến. Nữ giám khảo Đông Đào nhận xét các ca khúc đưa vào tiểu phẩm rất phù hợp như ca khúc: Lúa mùa duyên thắm (sáng tác: Trịnh Hưng, trình bày: Tiết Duy Hòa), Say (sáng tác: Lam Phương), Cho vừa lòng em (sáng tác: Phan Trần, trình bày: Kiều Thảo), Mật đắng tình yêu (sáng tác: Hàn Châu). Chị cũng gợi ý mời Đạo diễn Vũ Trần dàn dựng 1 tiết mục cho mình. Với tiết mục xuất sắc, đạo diễn Vũ Trần đã nhận được điểm 10 tuyệt đối từ 4 giám khảo và chiến thắng trong đêm thi thứ 11. Trước khi thi, đạo diễn Vũ Trần đã tự tin đặt cược cho tiết mục của mình nên tiền thưởng của anh được nhân 3, tức là 30 triệu đồng.
Tập tiếp theo của Kịch cùng Bolero có chủ đề “Ký ức vàng son”, phát sóng vào lúc 21h thứ Hai ngày 07/8 trên kênh THVL1, số điểm của các đạo diễn sẽ được cộng dồn lại để quyết định 2 đạo diễn sẽ bước vào đêm Chung kết xếp hạng.
T.D/Lifestyle