Triết lý bánh gói lá


Sau mùa Giáng Sinh và tết Tây, Tết cổ truyền là lúc mà nhà nhà quay về với các phong tục tập quán của dân tộc, với những món ăn mang đậm tính truyền thống. Trong những thời điểm đó, hầu như không nhà người Việt nào có thể thiếu được những loại bánh “ghi dấu” nền văn nông nghiệp lúa nước: bánh gói lá.

Tinh tế mà bình dị, bánh gói lá tượng trưng cho khoảnh khắc trời đất giao hòa khi mùa xuân về. Màu xanh mướt của lá tích tụ từ sương mai, khí trời; màu trắng trong của hạt gạo thóc bám chặt vào đất; điểm thêm chút vàng của đậu làm nên một tổng thể hài hòa. Để từ đôi tay khéo léo của người gói, những chiếc bánh xinh xinh ra đời, tuy nhỏ nhưng chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh. Ai lại chẳng sinh ra từ đất và được nuôi dưỡng bởi khí trời, nên dù bôn ba phương nào, khi năm hết Tết đến, người ta vẫn muốn tìm về nguồn cội. Chẳng phải ngẫu nhiên mà bánh gói lá, dù giản dị đơn sơ, nhưng bao năm qua vẫn cứ hiện diện một cách trang trọng trên bàn thờ tổ tiên người Việt ngày Tết. Bánh gói thành nhiều lớp, để khi gỡ những lớp lá, cảm giác như đang lần giở những phong tục tập quán tốt đẹp mà ông cha ta đã truyền từ bao đời nay. Nên dù có bán quanh năm nhưng người ta vẫn chỉ thích ăn bánh gói lá trong Tết cổ truyền, loại bánh tượng trưng cho khoảnh khắc trời đất giao hòa khi mùa xuân đến…

banh goi Triết lý bánh gói lá

Những thứ lá thường được dùng để gói bánh là lá dong và lá chuối. Hai loại lá này đều không độc, có bản mặt lá đủ to rộng để ôm trọn lấy chiếc bánh bên trong và đều có màu xanh mướt tự nhiên, rất gợi cảm. Mỗi vùng quê đều có nhiều loại bánh và những kiểu cách gói bánh rất khác nhau. Từ nguyên liệu là bột gạo nếp, nhân đậu xanh, ở miền Trung và miền Nam người ta gói bằng lá chuối thành ba góc gọi là bánh Ú. Người miền Bắc gói bánh giò bằng lá chuối, vỏ bánh là bột nếp, nhân là thịt lợn băm xào với mộc nhĩ, nấm hương. Người Huế gói bánh Nậm bằng lá dong, hình chữ nhật, nhân bằng tôm giã nhỏ…

Nhưng trong những ngày tết, loại bánh phải kể nhiều nhất đến, chắc chắn phải là bánh chưng và bánh tét. Bánh chưng là thứ “bánh vũ trụ” của người Việt, gói ghém trong lớp lá dong cả vũ trụ quan của người xưa. Bánh chưng có hình vuông, được làm từ gạo nếp, nhân bằng đậu xanh và thịt lợn, tượng trưng cho mặt đất phì nhiêu màu mỡ, nhiều sản vật. Trên mâm lễ vật, bánh chưng đi cùng với bánh dày tròn trắng, tượng trưng cho bầu trời. Bánh chưng còn chứa đựng cả nhân sinh quan xưa với câu chuyện truyền thuyết cảm động về lòng hiếu thảo của Lang Liêu với vua Hùng. Bánh chưng là loại bánh thiêng liêng của người Việt. Nó được người ta trân trọng gói trong những dịp lễ Tết như một thứ lễ vật dâng lên thần linh, trời đất, tổ tiên… Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn  ở những vật liệu và cách gói, cách nấu. Lúa gạo thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm, được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau, mang tính đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hay Đông Nam Á. Người Trung Hoa ưa chế biến từ bột mì hơn; người Ấn Độ thì ưa chế biến từ kê…

banh chung Triết lý bánh gói lá

Nếu như bánh chưng thường xuất hiện phần lớn ở ngoài Bắc thì người dân từ Trung Trung bộ trở vào Nam, ngày Tết thường nấu bánh tét. Trong tâm linh, bánh tét cũng là biểu tượng của nghề trồng lúa nước, của tư duy lưỡng hợp và triết lý âm – dương, ý thức về cội nguồn. Theo quan niệm của người dân, hai đòn bánh cột thành một cặp, có dây quai để xách cho tiện, khi cần làm quà tặng bà con một cặp vừa đẹp, vừa hợp với tập quán vì năm mới phải đủ đôi, chẵn cặp, ý chúc cho vợ chồng hạnh phúc, thịnh vượng. Với ý nghĩa như vậy, người dân Nam bộ chế biến bánh tét một cách tài tình và phong phú, tuỳ theo địa phương mà thêm thắt gia vị cho thích hợp, có chỗ gói nếp với nhân đậu xanh, có chỗ lại trộn lẫn đậu đen để thêm dẻo, thêm bùi. Nhiều gia đình ăn chay, gói bánh tét nhân ngọt, chỉ có đậu xanh trộn đường hoặc nhân chuối, tuỳ theo đòn nhỏ một quả chuối, còn đòn lớn ba quả chuối lá xiêm chín có thêm đường, khi chín có màu đỏ tím. Bánh lúc “tét” ra trông rất lạ mắt, màu đỏ tím nổi bật chính giữa màu nếp trắng phau. Ngoài ra, còn một loại bánh tét được chế biến khá đặc biệt là bánh tét thập cẩm. Vẫn là bánh tét nếp, nhưng phần nhân được nâng cấp có trứng, tôm khô, lạp xưởng, hạt sen, thịt giò Bắc thảo, đậu phộng nấm đông cô trộn với nhân đậu xanh. Tuy vậy, loại bánh này không phổ biến nhiều.

Ngày xuân quây quần, nghiền ngẫm những chuyện xưa ẩn chứa trong từng chiếc bánh gói lá, để rồi ngộ ra triết lý ở đời, mới thấy rõ hơn giá trị văn hóa qua từng cái tết truyền thống của dân tộc.

Theo Thanh Tùnglogo Lifestyle2 Triết lý bánh gói lá


Các tin cùng chuyên mục