Chiếc bánh kẹp mang đầy đủ các vị mặn mà của patê, cay nồng của tiêu ớt, chút beo béo của bánh tráng dừa… làm say lòng bao khách phương xa một lần ghé thăm phố Hội.
Bạn đến thăm tôi trong cái nắng hanh hao của những ngày trời chuyển vào thu. Thời gian lưu lại phố Hội không nhiều nhưng cũng đủ để tôi và bạn có dịp đi thăm các di tích nổi tiếng, lội vào cả những ngõ ngách cung đường để thưởng thức các món đặc sản.
Thế nhưng bạn chỉ mê mệt với món bánh kẹp, món ăn dân dã của người phố Hội được chế biến khá đơn giản.
Nơi bán bánh kẹp mà chúng tôi tìm đến là con phố nhỏ bên đường Nguyễn Tất Thành. Khách phương xa đến Hội An, để muốn thưởng thức bánh kẹp, chỉ cần hỏi: “Bánh kẹp bán ở đâu?”, ngay tức khắc người dân nào cũng có thể chỉ đường.
Hàng quán bán bánh kẹp còn nằm rải rác trên các phố Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh hay gần quảng trường sông Hoài…
Những hàng quán nhỏ xíu, đồ nghề chỉ một bếp lửa than đỏ hồng, những miếng bánh tráng đã được cắt sẵn với lỉnh kỉnh những lọ đựng bơ, patê, tương ớt… vậy mà lúc nào cũng đông rôm rả.
Vui nhất là những hôm trời chuyển gió se se lạnh.
Món này ăn nóng mới ngon nên khách phải chờ khoảng dăm bảy phút. Chủ quán bao giờ cũng chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu, đến khi thực khách gọi món mới bắt tay vào nướng bánh. Bù lại là một đĩa bánh kẹp nướng vừa chín tới thơm nồng mùi bánh tráng dừa quyện với mùi patê, tương ớt.
Bạn tôi chỉ thoạt nhìn đã muốn vội “nhón” thử cho thỏa cơn thèm. Nhưng ăn bánh kẹp phải ăn từ từ. Chủ quán đưa kèm đĩa tương ớt – một đặc sản nổi tiếng được làm từ bàn tay gia truyền của cư dân phố Hội.
Ăn bánh kẹp mà không cay, không mặn chắc chắn sẽ mất “chất Quảng”. Vì vậy thực khách trước khi thưởng thức cầm miếng bánh “tí hon” nhẹ tay chấm một chút tương ớt rồi cứ thế mà nhâm nhi.
Đặt vỉ sắt lên phía trên than hồng là có thể xếp từng chiếc bánh kẹp lại và nướng – Ảnh: T.Ly
Quán bao giờ cũng chuẩn bị sẵn nguyên liệu, khi thực khách gọi món mới bắt tay vào nướng bánh – Ảnh: T.Ly
Để có món bánh kẹp ngon, khâu chế biến patê khá quan trọng. Patê ngon phải được làm từ gan heo tươi. Gan rửa sạch, lọc bỏ xơ, thái miếng mỏng rồi ngâm với một ít sữa tươi. Sau đó chắt bỏ phần sữa và nước từ gan tiết ra tiếp tục xay gan nhuyễn cùng với một ít thịt lợn đã rửa sạch để ráo.
Cho thêm bánh mì đã xé miếng nhỏ, nêm chút hạt tiêu, gia vị vào và xay đến khi hỗn hợp trên nhuyễn mịn. Trút hỗn hợp vào khuôn, dàn đều rồi xếp vào nồi hấp cách thủy trong vòng vài giờ cho patê chín rục.
Để làm bánh kẹp ngon patê phải thơm phức mùi gan nhưng lại có độ béo vừa. Bánh tráng chọn làm bánh kẹp thường bánh tráng dừa đã được thoa nhẹ nước qua mặt bánh. Bánh cắt thành những miếng bánh nhỏ hình tam giác.
Cô chủ quán nhanh tay quết một lớp bơ mỏng, sau đó là lớp patê, một lớp hành phi và không thể thiếu một ít rau răm. Có thể cho thêm khô bò nếu thực khách yêu cầu.
Tiếp tục đặt một lớp bánh tráng hình tam giác khác lên trên, viền nhẹ xung quanh sao cho miếng bánh tráng vẫn giữ nguyên hình dạng.
Quyết định chất lượng bánh ngon hay dở là khâu nướng bánh. Đổ vào nồi (thường được tận dụng từ những cái nồi đất lớn hay thau kim loại bị rỉ) một lớp tro, nhóm lửa than phía trên.
Đặt vỉ sắt lên phía trên miệng nồi là có thể xếp từng chiếc bánh kẹp lại và nướng. Khi hai bên miếng bánh chuyển sang màu vàng nhanh tay lấy ra để vào chiếc đĩa chuẩn bị sẵn.
Từng chiếc bánh kẹp đầy đủ các vị: mặn mà của patê, cay nồng của tiêu, ớt; chút béo của bánh tráng dừa… Tất cả làm nên một món ăn nồng cay, vừa ngon lại thơm mà chỉ cần người phục vụ vừa mới bưng ra là thực khách bị quyến rũ ngay.
Một điểm cộng nữa, với nguyên liệu rất dân dã, có sẵn quanh năm như bánh tráng, hành lá, patê, khô bò… nên giá khá rẻ – 10.000 đồng/dĩa, rất phù hợp là món ăn vặt. Thế mới hiểu vì sao món ăn này lại được chấm điểm khá cao trong danh sách quà vặt phố Hội.
Theo Tuổi Trẻ