Lắng nghe NSND Thanh Hải – thầy đờn “nức tiếng” tâm tình về Cải Lương và cách gom cái hay của dòng nhạc cổ và truyền thống Việt Nam lên khuông nhạc.
Nhạc sĩ Thanh Hải – người con miền Bắc trót yêu thầm nét đẹp của dòng nhạc cải lương và đã biến tình yêu thành hành động để giờ đây trở thành thầy đờn “nức tiếng” được nhà nước, đồng nghiệp, khán giả công nhận cho sự cống hiến không ngừng nghỉ ấy.
NSND Thanh Hải: 1 đời 1 tình yêu với nghệ thuật Cải Lương
Nếu tính thời gian hoạt động nghệ thuật của NSND Thanh Hải, khán giả có thể tính nhẩm được đâu đó khoảng 45 năm nhưng tình yêu dành cho tiếng đàn và dòng nhạc cổ trong người người đàn ông này còn dài hơn nữa. “Tôi còn nhớ lúc 6, 7 tuổi còn đi học văn hóa mà, tôi nghe thì tôi mê, nó mê mà nó lạ lắm. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ lại những chi tiết lúc đó tôi mê. Tức là khi nghe đài mà thấy ai ca là tự nhiên cứ vào cái đầu tôi à” – NSND Thanh Hải nhớ lại.
Câu chuyện về sự mê hoặc tiếng đàn cùng nghệ thuật Cải Lương trong cậu bé Thanh Hải thời bấy giờ chỉ thực sự biến thành niềm khao khát chinh phục và đi sâu vào tâm trí chính là giây phút được gia đình sắp xếp đến với lớp học đặc biệt. Thầy đờn “nức tiếng” Thanh Hải chia sẻ: “Chị tôi là nghệ sĩ Kim Hà – nghệ sĩ ở đài phát thanh Giải Phóng – nói rằng mấy ông người Nam Bộ trong này ra này, đàn hay lắm mà đúng cái gu này chỉ có Nam Bộ thôi. Vậy là chị và gia đình tôi sắp xếp cho tôi lên đấy học. Lúc đó tôi học thầy Út Du”. Sự sắp xếp định mệnh này giống như các nốt nhạc có vị trí riêng của mình trên khuông nhạc, vừa vặn để làm nên một bản nhạc hay. NSND Thanh Hải không chỉ có sự dìu dắt từ người thầy Út Du mà còn may mắn được vợ chồng NSƯT Thanh Hùng, nghệ sĩ Ngọc Hoa tận tình chỉ lối đưa đường. “Lúc đó tôi nhớ tôi 11, 12 tuổi và anh Thanh Hùng biết được năng khiếu của tôi. Anh về anh toàn mở những cái băng mà mấy thầy đàn trong này cho tôi đàn. Anh cho tôi nghe suốt, tôi nghe chú Văn Vĩ, anh Văn Giỏi, bác Năm Cơ, bác Bảy Bá tức là soạn giả Viễn Châu…Tôi nghe suốt đâu 2, 3 tháng, nó nhiễm vào máu mình thật” – NSND Thanh Hải bộc bạch.
Dưới sự chỉ bảo của những người thầy ưu tú được nuôi dưỡng tài năng bởi vùng đất Nam Bộ, cậu bé Thanh Hải lòng đầy vui sướng khi nhận được lời tán thưởng từ các đàn anh, đàn chị đi trước. NSND Thanh Hải tự hào kể lại: “Khi ở ngoài đó, tôi thu thanh bằng cây đàn Guitar đó thì giới nghệ sĩ ngoài Bắc nghe trên đài là rầm rầm. Họ hỏi ai, ai mà đàn như thế này, cái này chỉ có người Sài Gòn chứ người ngoài kia không có cái gu này. Họ hỏi ra mới biết là tôi. Lúc đó tôi mới có mười mấy tuổi à”. Ở tuổi 17 – cái tuổi đẹp nhất của một đời người, cậu bé Thanh Hải đã bắt đầu có những nét vẽ đầu tiên thật đẹp cho sự nghiệp và đây cũng chính là nguồn động lực giúp NSND càng yêu tiếng đàn và tiến xa hơn trong làng nhạc Cải Lương Việt Nam.
Tiếng đàn của NSND Thanh Hải dường như là bản năng, một thói quen đã ăn sâu vào trái tim, vào cơ thể và cả tâm trí. Bởi lẽ ngay cả người nghệ sĩ này cũng chẳng thể lý giải tại sao bản thân lại giành tình yêu lớn đến vậy cho tiếng đàn và Cải Lương. NSND Thanh Hải thổ lộ: “Khi chuẩn bị giải phóng thì đài phát thanh Giải Phóng mới diễn một kịch bản là Bạo Chúa của soạn giả – tác giả Lê Duy Hạnh. Nguyên một kịch bản Bạo Chúa diễn cải lương, một dàn nhạc cũng chừng cỡ 15 người bên tân nhạc để làm nhạc nền nhưng cũng chỉ có mình tôi đàn một cây Guitar. Vào cái thời điểm đó, với cái lứa tuổi của tôi lúc đó đó, chắc có lẽ lúc đó nhiều khi mình giống như ông bà nói “điếc không sợ súng” hay sao đó. Tôi nói thật đó. Vì nếu biết nghĩ không dám đàn như thế đâu. Mặc dù đàn rất trọn vẹn, rất hay nhưng lúc đó mình thích mà”.
Vào những năm 80, NSND Thanh Hải một lần nữa làm cho mọi người nhớ đến cái tên của mình khi cùng với NSND Văn Giỏi trở thành cặp đôi “sóng thần”. Bởi lẽ nhiều bài hòa tấu của cả 2 được khán thính giả và người trong nghề mê như Vọng Kim Lang, Phi Vân Điệp Khúc, Đoản Khúc Tam Giang. Không chỉ gây thương nhớ trong lòng bất kì ai yêu cải lương qua tiếng đàn ở các bài hòa tấu, NSND Thanh Hải còn tạo dấu ấn ở vai trò nhạc sĩ. Những tác phẩm của người nghệ sĩ này được đánh giá cao và trở nên nổi tiếng như Tô Ánh Nguyệt, Đời Cô Lựu, Những Vì Sao Không Tên, Chuyện Tình Lan Và Điệp…
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, để cái duyên gặp gỡ giữa chàng trai Thanh Hải và những “cây đa cây đề” trong làng cải lương lúc bấy giờ như chú Văn Vĩ, bác Năm Cơ…trở thành kí ức đẹp thì giờ đây người học trò ấy vẫn dành tình yêu cho nhạc cổ nhưng đã khoác lên mình ánh hào quang rực rỡ với danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân cao quý.
NSND Thanh Hải: Dòng nhạc cổ Việt là những nốt nhạc trọn vẹn, tôi chỉ là người sắp xếp lại sự trọn vẹn theo một trật tự mới
Có lẽ để nói về sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của bậc thầy Thanh Hải trong làng nhạc cổ Việt Nam, khán giả sẽ ít nhiều nhận định về sự thành công hiện tại đến từ may mắn. Bởi lẽ, NSND Thanh Hải được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật cùng với sự dìu dắt từ các bậc thầy của dòng nhạc cổ. Nhưng may mắn không phải là tất cả để bậc thầy đờn ấy có được vị trí vững chắc không chỉ trong làng nhạc cổ Cải Lương mà còn cả trong lòng đồng nghiệp và khán giả. Bản thân NSND Thanh Hải phải tự học hỏi cũng như mang hết tâm can vào tiếng đàn giúp Cải Lương có những bước tiến mới trong làng nhạc cổ Việt.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những người trong nghề quý trọng tài năng của NSND Thanh Hải. Đàn hay, diễn giỏi chưa đủ để cái tên Thanh Hải trở thành huyền thoại. Bậc thầy đờn Thanh Hải còn khiến người đời nhớ đến mình với một vai trò khác, đó là sáng tác nhạc và hòa âm, phối khí. Nếu như học đàn may mắn gặp được thầy giỏi thì khi lấn sân sang sáng tác, NSND Thanh Hải buộc phải đi từng bước và học hỏi từ con số 0 tròn trĩnh. Bậc thầy đờn kể: “Học thì nói thật tôi không được học đâu. Tôi học thầy, học bạn, “học lỏm” không à. Về vấn đề sáng tác âm nhạc trong các vở cải lương, nhạc nền đó thì tôi bắt chước GS.TS Quang Hải với anh Ca Lê Thuần, anh Thanh Tùng. Lúc đó tôi ở Đoàn Văn công Thành Phố thì mỗi lần viết kịch bản đa phần do mấy vị đó viết không à. Tôi nghe tôi thấy tại sao mà viết như thế, đàn như thế thì tôi mới mượn bác nhạc trưởng cái tổng phổ về tôi đọc rồi mới bắt chước từ đó. Tôi mới mày mò, rồi tôi mới viết nhạc và sáng tác từ đó”.
Nếu ví các dòng nhạc cổ Việt Nam như những nốt nhạc trọn vẹn thì NSND Thanh Hải chính là người sắp xếp lại sự trọn vẹn ấy một cách trật tự, vừa vặn, đủ để khán giả cảm nhận nét mới lạ và tinh hoa ẩn chứa bên trong mỗi bản hòa tấu. Bởi vì đối với người nghệ sĩ này luôn có câu hỏi cho chính bản thân mình rằng tại sao nhạc dân tộc Việt Nam hay và đẹp như thế mà không gom nét tinh hoa đó lên khuông nhạc. “Âm nhạc cải lương của mình so với các bộ môn khác như tuồng chèo thì sinh sau đẻ muộn. Cái độ mở của nó dữ lắm. Thí dụ như cái thời bác Bảy – Viễn Châu, hồi xưa ông viết Tân Cổ Giao Duyên đó, tức là nhạc Bolero rồi các thứ vô, nghe hay tới bây giờ luôn. Rồi có nhiều tuồng cải lương hát Ấn Độ luôn, đều được hết, đều hấp dẫn hết. Nó cũng có những màu sắc riêng của nó. Tôi mới suy nghĩ và nói với chị Bạch Tuyết là cái âm nhạc này, nó lấy đủ các âm nhạc các nước vô, nó gắn còn được mà thì hà cớ gì cái Tuồng với cái Chèo, ca Huế sao mình không đưa vô. Chỉ sợ mình đưa vô không ăn, không hợp lý thôi chứ cái giá trị của mấy dòng âm nhạc này là nhạc dân tộc mình mà. Tôi mới nói với chị là để tôi làm” – NSND Thanh Hải chia sẻ tâm tư và nguyện vọng của mình.
Khi tình yêu và tâm huyết dành cho dòng nhạc dân tộc ngày càng lớn, NSND Thanh Hải càng hiểu rõ bản thân cần phải làm gì để mang tất cả nét mềm mại, tinh hoa chạm vào trái tim của khán giả. Nhưng muốn khán giả cảm nhận được nét đẹp ấy, người nghệ sĩ phải hành động và NSND Thanh Hải đã trở thành người đi gom cái hay trong tất cả dòng nhạc cổ, truyền thống Việt Nam hòa cùng cải lương thành bản hòa tấu tuyệt đẹp. Trên sân khấu Dấu Ấn Huyền Thoại, khán giả may mắn được thưởng thức nét tinh hoa ấy qua liên khúc Thái Hậu Dương Vân Nga, Miền Nhớ, Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông do NSND Bạch Tuyết biểu diễn và được NSND Thanh Hải đệm nhạc từ nhiều loại đàn khác nhau như Violin, Guitar, đàn kìm, đàn tranh, đàn bầu…Đặc biệt là sự xuất hiện của Sona kèn lá tạo nên giai điệu mới lạ cho phần âm nhạc trích đoạn Miền Nhớ. NSND Bạch Tuyết còn bật mí thêm: “Trong bản Miền Nhớ, độc đáo nhất trong vọng cổ mà có 1 đoạn kèn lá của hát Bội. Nếu quý vị có xem, có nhớ nghệ thuật hát Bội thì quý vị sẽ thấy rằng đoạn đó của NSND Thanh Hải có thể nói là đoạn cốt tủy của hát Bội. Tức là đang từ một cái sự ồn ào, rần rần huy hoàng chuyển sang một cái bi ai vô cùng”.
Mọi sự sáng tạo của NSND Thanh Hải dường như không có giới hạn khi người nghệ sĩ này còn kết hợp âm nhạc Tài Tử Cải Lương vào trong loại hình nghệ thuật Xiếc cho chương trình À Ố Show: “Hồi nào tới giờ mình cứ nói là cái âm nhạc Tài Tử Cải Lương nó hay thế mà. Tôi nghĩ không làm cái gì thì tôi nghĩ chắc cái này được. Vì sao tôi nghĩ cái này được? Cái bộ môn xiếc á, nói gì thì nói, nó có thể là ngôn ngữ chung của những người coi trên thế giới này. Đất nước nào coi cũng có thể hiểu được, tức là nó chỉ có động tác và nghe âm nhạc. Tôi gặp Nhất Lý, tôi mừng. Vì tôi mang được âm nhạc Tài Tử Cải Lương vô chương trình này. Từ lúc đó đến giờ chương trình này đi biểu diễn các nước nhiều lắm, mà rất mừng là bất cứ chỗ nào người ta cũng thích về âm nhạc. Tôi dám chắc 1 điều thế này rằng tất cả các nước đều có xiếc nhưng nếu lấy xiếc mà lấy cái âm nhạc Tài Tử Cải Lương không thể giống đâu được”.
NSND Bạch Tuyết và lời cảm ơn đến người bạn tri kỷ hơn 40 năm đồng hành
Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của NSND Bạch Tuyết vẫn luôn có sự đồng hành của NSND Thanh Hải. Bởi người nghệ sĩ này vừa là đồng nghiệp vừa là người bạn tri kỉ đặc biệt đối với NSND Bạch Tuyết suốt hơn 40 năm qua. NSND Bạch Tuyết xúc động gửi đến NSND Thanh Hải lời cảm ơn: “Tôi không phải hát trong chương trình này, mà tôi dùng tôi – một khách mời rất phụ để minh họa cho những sáng tác rất tuyệt vời của nhạc sĩ Thanh Hải của chúng tôi. Và tôi có thể nói với các bạn, thưa quý vị khán giả, người này trong cải lương là duy nhất cùng với hai người khổng lồ trong âm nhạc Việt Nam. Đó là nhạc sĩ Quốc Trung và nhạc sĩ Nguyên Lê. Tức là quý vị đã hình thành nên những bản nhạc của Việt Nam mà thế giới xem như một phong trào, đó là world music và dân gian đương đại. Nhân đây cũng xin gửi lời kính trọng đến ba người và xin cảm ơn”.
Trên sân khấu Dấu Ấn Huyền Thoại không đủ để nói hết tài năng cũng như những cống hiến của NSND Thanh Hải dành cho dòng nhạc cổ Việt nói chung và Cải Lương nói riêng. Nhưng đâu đó trong 90 phút ngắn ngủi ấy, khán giả vẫn cảm nhận đủ đầy cái hay, cái độc đáo, cái tinh hoa của âm nhạc qua tài năng đến từ NSND Thanh Hải và các trích đoạn do những nghệ sĩ khách mời trình bày như chính cái trọn vẹn mà người nghệ sĩ này đưa vào từng sản phẩm.
Đón xem tập 9 Dấu Ấn Huyền Thoại sẽ được phát sóng vào lúc 20g35 Thứ Tư ngày 07/07/2021 trên kênh HTV7.
LC/Lifestyle