MYANMAR – Vùng đất mang dấu chân Phật


Chuẩn bị rời bước khỏi đất nước của Phật giáo: Myanmar, đoàn doanh nhân chúng tôi không khỏi có những luyến tiếc trước những kỷ niệm về hình ảnh choáng ngợp của những ngôi chùa tháp dát vàng vươn lên bầu trời, hình ảnh nụ cười rạng rỡ thoang thoảng mùi hương Thanaka của thiếu nữ Myanmar và của cả một hành trình tâm linh dài theo dấu tích của Phật giáo.

Myanmar hay còn gọi là Miến Điện hay Burma. Thời thuộc địa, người Anh đã xây dựng Yangon theo kiến trúc với hàng dãy nhà bề thế, những công viên rộng lớn. Một thời, Yangon mệnh danh là “London của Đông Nam Á”, cả thành phố xanh điểm xuyết những căn nhà gỗ của người bản địa, những quần thể chùa dát vàng ngọc mấy ngàn năm tuổi. Sau khi giải phóng, qua nhiều biến cố chính trị, Myanmar chính thức mở cửa với thế giới và ngay lập tức trở thành điểm đến du lịch mới đầy hấp dẫn với khách du lịch thế giới tại Đông Nam Á. Thế nhưng thông tin về Myanmar chỉ là những bài báo ngắn gọn miêu tả như một “Việt Nam 30 năm về trước”, một đất nước sùng đạo Phật và một đất nước của những ngôi chùa. Vì vậy trong chuyến công tác lần này, chúng tôi quyết tâm sang Myanmar để sống và tìm về với những chân lý nguyên sơ của một trong những tôn giáo lớn nhất và lâu đời nhất của thế giới.

Myanmar vung dat dau chan phat lifestyle.com 5 MYANMAR – Vùng đất mang dấu chân Phật

DẤU CHÂN TRÊN MIỀN ĐẤT CHÙA VÀNG

Đường phố Yangon khá nhộn nhịp và gây tò mò cho những du khách đến từ Việt Nam. Tại Yangon, xe gắn máy không được phép lưu thông và xe ô tô tay lái nghịch nhưng lại đi bên phải giống như ở Việt Nam. Mặc dù là thành phố lớn nhất và là cửa ngõ chính của đất nước Myanmar nhưng Yangon không thơ mộng và mang vẻ lãng mạn như các thành phố du lịch khác; tuy vậy nét bình dị trên đường phố đem lại sự thân thiện cho mọi du khách.

Gác lại mọi vất vả sau hành trình, đoàn chúng tôi đừng chân tại địa điểm đầu tiên: chùa Sule. Chùa Sule nằm tại trung tâm thành phố. Tương truyền, chùa này còn lâu đời hơn cả chùa Shwedagon với niên đại hơn 2.500 năm. Chùa Sule cao 48 mét có mái vòm mạ vàng với đỉnh là một chóp tháp bằng vàng. Nét độc đáo ở phần kiến trúc của chùa Sule là mang nét đặc trưng của dân tộc Mon với hình bát giác lên đến đỉnh chóp tháp. Các chi tiết trong chùa được chạm khắc tinh xảo và lộng lẫy. Quanh ngôi chùa có 10 quả chuông bằng đồng, trên quả chuông khắc năm và tên của người cúng dường. Bốn điện thờ chính trong chùa đều có rất nhiều trái cây do người dân dâng cúng. Nền chùa có những dấu chân lớn bằng cẩm thạch, tương truyền là dấu chân của Đức Phật, và được trang trí nhiều miếng vàng lá.

Sule cũng lưu giữ một sợi tóc theo truyền thuyết là tóc của Phật Tổ tặng cho hai anh em thương gia người Myanmar xưa kia. Một điều thú vị trong văn hóa truyền thống của người dân Myanmar là họ rất thích xem bói tử vi tướng số. Nhiều nhất là xem trong các cửa hàng dọc theo các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Sule, chùa Kaba Aye. Rất tiếc là đoàn chúng tôi không có nhiều thời gian để một lần thử quan sát và so sánh nét văn hóa truyền thống này của người dân bản địa với Việt Nam.

Trở lại xe, anh hướng dẫn viên du lịch tiếp tục những câu chuyện như dài bất tận về tâm linh trên đường đến điạ điểm tiếp theo. Mặc dù đã được thấy ngôi chùa dát vàng đầu tiên nhưng khi đến với chùa Shwedagon. Chúng tôi hoàn toàn choáng ngợp, một số thành viên tay không ngừng bấm máy ảnh lia lịa, một vài người khác trông cứ ngẩn ngơ, chả biết thốt lên gì ngoài hai từ “Mô Phật” rồi vội vàng hòa vào dòng người cúi xuống hành lễ. Quả thật, ngôi chùa thật sự xứng đáng không chỉ là kiệt tác kiến trúc tôn giáo của riêng đất nước Myanmar mà còn là kỳ quan của cả thế giới.

Myanmar vung dat dau chan phat lifestyle.com 1 MYANMAR – Vùng đất mang dấu chân Phật

Tương truyền chùa Shwedagon hay chùa Vàng – nơi cất giữ bốn bảo vật thiêng liêng của nhà Phật gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Ngôi chùa có niên đại trên 2.600 tuổi này tọa lạc trên đỉnh đồi Singuttara với bốn lối đi dẫn vào ở cả bốn hướng. Trong đó bao gồm 1.000 ngôi chùa lớn nhỏ với tâm điểm là tòa tháp khổng lồ cao 99m được dát vàng. Đặc biệt, đỉnh tháp có hình vương miện được tô điểm bởi 5.448 viên kim cương và hàng nghìn loại đá quý. Ước tính tổng số vàng được dát tại chùa Vàng lên tới 60 tấn. Đến với chùa Vàng vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, bạn đều bị choáng ngợp bởi sắc vàng. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm khác nhau, sắc vàng ấy sẽ thiên biến theo một cung bậc khác nhau. Buổi sáng, là sắc vàng uy nghi, rực rỡ khi ánh nắng mặt trời phản chiếu lấp lánh trên những bức tường được dát vàng. Buổi chiều tà là sắc vàng nhuốm màu thời gian. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, chắc hẳn các bạn cũng sẽ như chúng tôi cảm nhận rõ rệt sự chuyển biến huyền diệu của đất trời. Còn nếu không có nhiều thời gian thì trên sân của chùa có 7 viên gạch được đánh dấu, khi đứng ở mỗi vị trí đó, sẽ thấy một màu sắc khác nhau ánh lên trong không trung của chùa Vàng đầy mê hoặc. Chính những giá trị về tâm linh, kiến trúc và văn hóa độc đáo của chùa Vàng đã góp phần tạo nên sự bùng nổ của du lịch Myanmar, thu hút khoảng 2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2013.

Nếu Campuchia được mệnh danh là “Đất nước chùa tháp” hay Thái Lan là “Đất nước chùa vàng” thì Myanmar được du khách ưu ái đặt cho tên gọi là “Đất nước của những ngôi chùa”. Có thể nói, đi đâu ở Myanmar bạn cũng có thể nhìn thấy chùa, từ những ngôi chùa lớn và nổi tiếng như: chùa Shwedagon ở Yangon, Maha Muni ở Mandalay, Swezigon tại Bagan… hay nhiều ngôi chùa nhỏ khác. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo Nguyên thủy – tức dòng Phật giáo Tiểu thừa, giáo phái Nam Tông tương tự như Phật giáo của người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long.

ĐAM MÊ SHOPPING, KHÔNG NÊN ĐẾN MYANMAR

Thực tế khá là phũ phàng cho những tín đồ shopping, phần lớn các chợ, siêu thị, cửa hàng ở Myanmar khá nghèo nàn và điều đó cũng phản ánh nền kinh tế nước này còn đang trên đà phát triển sau khi mở cửa kinh tế. Nhưng, có một số sản phẩm phổ biến lại rất nổi bật, giá rẻ và được khách du lịch rất ưa chuộng như các mặt hàng, đồ lưu niệm bằng gỗ tếch; tranh đá, tranh cát, đồ đồng… Đặc biệt, các sản phẩm bằng đá quý, ngọc thực sự là những đặc sản, nổi tiếng là đẹp và rẻ của Myanmar trong nhiều năm qua.

Bogyoke Aung San, là khu chợ lớn nhất Yangon được xây dựng vào năm 1926 mang nét kiến trúc của Anh. Khu chợ này lúc nào cũng nhộn nhịp, khách hàng tại khu chợ này hầu hết là người nước ngoài. Bogyoke Aung San được ví như là một Myanmar thu nhỏ, bởi du khách có thể tìm thấy được bất cứ món đồ đặc sắc nào của văn hóa Myanmar tại đây. Nhưng du khách khi ghé thăm chợ Bogyoke Aung San hầu hết đều không bỏ qua việc mua sắm những món đồ thủ công mỹ nghệ, và đặc biệt là các món đồ trang sức được thiết kế tinh xảo bày bán ở đây. Nếu đã một lần đến chợ, nhất là các chị em hãy nên thử qua kem thanaka. Đây là hỗn hợp trang điểm dạng kem có màu trắng vàng, được làm từ nguyên liệu vỏ cây nghiền nhỏ để phụ nữ thoa lên mặt làm kem dưỡng da và chống nắng. Mỹ phẩm Thanaka được dùng như là một tập quán đặc trưng của người dân Myanmar từ hơn 2000 năm nay.

Myanmar vung dat dau chan phat lifestyle.com 2 MYANMAR – Vùng đất mang dấu chân Phật

Bên cạnh đó, đối với chúng tôi, không có cách nào tuyệt vời hơn để trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương bằng cách khám phá ẩm thực, thông qua các khu chợ địa phương nhiều sắc màu.

Bạn sẽ ngửi thấy mùi của hoa nhài từ những người phụ nữ đeo vòng hoa đầy tay để bán cho những bà nội trợ hay khách đi đường. Không chỉ vậy, bạn còn có thể ngửi thấy mùi thơm của thịt, cá và gà. Ẩm thực Myanmar bị ảnh hưởng nhiều từ ẩm thực Ấn Độ, Trung Quốc, Thái, và các nền văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số khác song các món ăn của nước này vẫn có những nét đặc trưng riêng. Salad lá trà, cơm người Shan hay cà ri Myanmar là những món ăn ngon “khó cưỡng” mà bất cứ du khách nào cũng không thể bỏ qua khi ghé thăm đất nước Myanmar.

Chúng tôi thử ngay món cà ri thơm ngon mang đặc trưng của xứ này. Đĩa cà ri của bạn sẽ thêm rất nhiều đồ ăn kèm xung quanh. Có nhiều loại như cà ri thịt, tôm, bò và cà ri cừu nữa, tùy theo sở thích của bạn. Bạn có thể ăn cùng cơm, sa lát, một ít rau xào, súp, rau chần hoặc rau thơm. Tất nhiên sự đa dạng và vị đậm đà tinh tế của món ăn sẽ làm bạn choáng ngợp. Một lời khuyên thú vị dành cho bạn, ăn xong đĩa cà ri sẽ là món tráng miệng độc đáo trà giầm, hạnh nhân và đường thốt nốt.

PHẬT GIÁO – VĂN HÓA CỦA QUỐC DÂN

Sau một ngày dành riêng cho chương trình tham dự Hội chợ hàng và toạ đàm kết nối kinh doanh Việt Nam – Myanmar, đoàn chúng tôi lại tiếp tục chặng hành trình tham quan. Sau sự choáng ngợp đến nghẹt thở ở chùa Shwedagon, chúng tôi vô cùng háo hức, thật sự muốn tìm hiểu và dấn thân nhiều hơn để tìm hiểu về Phật pháp nơi đây. Kyaiktiyo (Golden Rock) được biết đến với cái tên Chùa Núi Vàng xây dựng trên 2400 năm cùng thời của Đức Phật, nằm ở độ cao 1200m, cũng được xem là một kỳ quan của tôn giáo và là biểu tượng tâm linh của Phật tử Myanmar. Tảng đá thiêng này nằm cheo leo trên một tảng đá khác, sát ngay mép núi, thoạt nhìn có cảm giác đẩy tay là rơi bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nó đã nằm cực kỳ vững chãi qua bao năm tháng. Trên đỉnh có đặt một tháp thờ cao khoảng 7,3m. Nhiều người tin rằng, do bên trong tháp thờ này đặt xá lợi tóc của Đức Phật nên đã giữ cho tảng đá thiêng đứng kiên gan với đất trời.

Cùng thành kính thắp hương trước nhà chùa và cầu may trước tháp Đá Vàng, tuy nhiên chỉ có nam giới mới được phép lại gần, chạm tay và dát vàng lên khối đá kỳ diệu này còn phụ nữ chỉ có thể chiêm ngưỡng hòn đá từ xa mà thôi. Có lẽ điều thú vị hơn cả với du khách khi tới Golden Rock là được làm hai việc: ngắm hoàng hôn và đón bình minh trên đỉnh Chùa Núi Vàng, cùng lúc trải nghiệm một đêm huyền bí, một sớm mai linh thiêng tại nơi mà đức tin của người theo đạo Phật hiển hiện trong từng cành cây ngọn cỏ, từng phiến đá lát đường và từng ngọn đèn dầu đốt lên trong đêm…

Myanmar vung dat dau chan phat lifestyle.com 4 MYANMAR – Vùng đất mang dấu chân Phật

Trong ánh hoàng hôn, “tảng đá thiêng” trở nên lung linh và huyền ảo. Chiều xuống vạch một đường chân trời hồng rực phía xa xa, mặt trời từ từ tụt xuống, khuất mình giữa bảng lảng núi non và sương chiều. Đêm ập đến, phủ tấm áo đen lên vạn vật, nhưng không sao che được tảng đá thiêng đang rực lên trong ánh đèn vàng, xung quanh tiếng cầu nguyện rì rầm, mùi khói hương ngạt ngào hòa quyện.

Tại Yangon còn có chùa Chauk Htat Gyi, xây dựng từ năm 1907. Chùa có chiều cao bằng một tòa nhà 6 tầng, nổi tiếng với bức tượng Phật Thích Ca trong tư thế nằm Kiết tường khổng lồ được tạc năm 1966, dài 65 mét cao gần 30 mét. Đây là một trong những bức tượng nằm vĩ đại nhất trên thế giới. Chúng tôi chú ý một điều là hầu hết các tượng Phật đều có gương mặt từ bi và yên bình đến lạ kỳ. Không biết bàn tay nghệ thuật nào đã tạo nên một vẻ đẹp tôn kính đã trở thành biểu tượng nhưng chỉ cần nhìn tôn nhan của Ngài thôi là bao nhiêu muộn phiền sầu não đều nhẹ tựa thinh không. Qua hình tượng của Đức Phật, chúng tôi cũng phần nào hình dung ra được tính cách con người đất nước này, chắc chắn tâm người phải thánh thiện, hiền lương mới có thể tạo ra một tuyệt tác như thế này.

Sau khi làm lễ xong, chúng tôi tìm cho mình một góc nhỏ tại sảnh lớn làm điểm dừng chân. Tại đây, bạn sẽ bắt gặp những người đàn ông khoan thai, thư thái, những đứa trẻ từ nhỏ đã quen vái lạy hay những phụ nữ trang điểm lên má thứ bột giã từ vỏ cây Thanakha đang chắp tay thành tâm hướng Phật. Bạn cũng được chứng kiến từng đoàn người hành hương cứ nối tiếp nhau trong trang phục truyền thống. Thế mới biết, đức tin của người Myanmar mãnh liệt đến thế nào.

Hành trình thăm Myanmar đã để lại cho chúng tôi nhiều trải nghiệm về một quốc đạo, về tâm lành của người dân và về một trật tự xã hội do ảnh hưởng của Phật Giáo mang lại. Dù cơ sở vật chất còn nghèo nàn nhưng chúng tôi nhìn thấy được sự giàu có về văn hóa bản sắc truyền thống, trong đó văn hóa tâm linh có vai trò quan rọng, thấy được sự ổn định xã hội và mối quan hệ gắn bó cộng đồng chặt chẽ.

Myanmar đang bước vào thời kỳ đổi mới với sự phát triển chóng mặt và đó là lý do chính những doanh nghiệp, những nhà đầu tư như chúng tôi tìm đến. Thế nhưng những gì được nhận, những tình cảm nồng nhiệt của người dân thật sự làm cho chúng tôi lay động mạnh. Và Myanmar đẹp, thanh bình, huyền bí như giấc mơ bạn đã từng gặp trong đời. Thầm cầu mong đất nước và đời sống dân Myanmar sẽ khá hơn nhưng xin giữ mãi bản chất truyền thống tốt đẹp của một vùng “Đất Thánh”, một nơi trở về của toàn thể Phật tử tâm thành khắp năm châu, mãi an lạc đủ thắng duyên thân cận, hộ trì Tam Bảo để chánh pháp còn lưu truyền mãi trên đất nước Myanmar cổ kính này.

Theo NĐT/ Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục