Cứ mỗi độ bông điên điển bắt đầu vàng rộ cả cánh đồng, bầy cá linh rủ nhau về cùng con nước, lòng lại thấy nao nao cái ham muốn được xê dịch về cùng sông nước miền Tây, về với cá linhvà điên điển vàng như nỗi nhớ
Tháng 8 đến, mùa nước nổi cũng đến theo. Con nước từ sông Mekong tràn về, dềnh dàng chảy, mang theo phù sa màu mỡ, mang theo cá tôm cá dồi dào. Chẳng ai để ý bông điên điển vàng rộm tự lúc nào. Chỉ thấy, khi con nước lênh láng chảy dưới kênh thì từng chùm, từng chùm bông điên điển trĩu nặng, la đà soi mình trên mặt nước. Hoa vàng rực như nắng, tươi như cô gái quê, đẹp hớn hở, giòn dã, quê kiểng mà đậm đà chất phác.
Nhìn những rặng bông vàng trĩu ven sống, có người thốt lên: “Bông điên điển vàng hớn hở như tâm trạng cô thôn nữ ngóng người yêu đi xa về, như cô Lan đợi chú Điệp, vừa rạo rực vừa thắc thỏm”. Ví von vậy cũng không sai, đầu mùa thu, điên điển rực lên như đã hẹn trước cùng bầy cá linh chỉ về miền Tây cùng con nước nổi. Ai dám bảo, điên điển và cá linh không xứng đôi? Ai dám nói cái mối duyên giữa hoa và cá không làm thành thứ mĩ vị nếm một lần sẽ nhớ cả đời?
Ngồi thong thả trên vỏ lãi xuôi theo con nước, len lỏi giữa những rặng điên điển um tùm để lựa từng chùm hoa vàng óng màu nắng mật, ngắt cho đầy một rổ để về nấu canh chua cá linh. Muốn nấu một nồi canh chua cá linh bông điên điển ngon, chẳng những bông điên điển phải tươi mà cá linh cũng vậy. Mới đầu mùa nước nổi, con cá linh còn nhỏ bằng đầu ngón tay út, thịt non mà béo lạ thường. Cá ấy, người cầu kỳ sẽ đem rửa qua, móc ruột, làm sạch và để cho ráo nước rồi nêm nếm với tỏi, ớt đường và chút muối cho vị đậm đà. Trong lúc cá đang ngâm nga thấm thía cùng gia vị, người nội trợ sẽ thoăn thoắt chuẩn bị nước canh chua.
Nấu nước sôi, dằm vài muỗng mắm ngon, thêm chút đường và mấy trái me chín dốt là đủ quyện lên vị thanh thanh, chua chua ngọt ngọt không lẫn vào đâu được. Thế rồi, trên một bếp nhỏ khác, ngọn lửa tí tách làm thơm từng tép tỏi và ngậy lên mùi tóp mỡ với ngò gai, nấu chín rồi cứ để riêng ra đấy đợi đến giờ G sẽ hội ngộ cùng cá linh và điên điển để cho duyên giữa “anh” với “chị” thêm thấm đượm tình quê.
Nước canh sôi đủ độ, trút nhanh cá linh vào nồi một thoáng là đã thấy thịt cá chín. Ấy chính là lúc mọi người thả nhanh tỏi phi, tóp mỡ với ngò gai vào rồi cùng quây quần bên mâm cơm, vừa tán chuyện vừa nhúng từng gắp bông điên điển vào nồi nước canh nóng hổi. Thịt cá linh ngọt và mềm như muốn ta trong miệng hòa quyện cùng cái vị ngọt, thanh và giòn tan của bông điên điển ngon đến lạ lùng. Người ta ăn riêng một bát canh chua cá linh điên điển cũng thấy lòng khoái chá khôn tả, mà ăn kèm cùng bún tươi hay cơm nóng cũng thấy hạnh phúc. Cứ ăn rồi thấm thía, rồi tấm tắc: Không trách người ta lại bảo cá linh, bông điên điển là đặc sản sông nước miền Tây!
Kể cũng lạ, hễ cá linh đi với điên điển thì nấu cách nào cũng thấy ngon. Chẳng cứ nấu canh chua mà cả khi nấu lẩu cá linh bông điên điển cũng vẫn làm “thần khẩu” điên đảo như thường. Có người cắc cớ sẽ hỏi: Bông điên điển hay cá linh đi riêng cũng đẹp vị lắm. Ăn cá linh kho tiêu không ngon ư? Cá linh kho mía thì thế nào? Ăn bánh xèo điên điển không mê ư? Này, nếm thử chút dưa chua bông điên điển xem có đã nghiền không nào? Cớ gì cứ phải điên điển sánh đôi cùng cá linh mới được?! Thế chẳng phải là ép uổng duyên nhau ?!
Ừ, ví von vậy cho thắm cái duyên, cái vị đã được đất trời se cho đấy. Điên điển và cá linh cũng giống như trai gái thương nhau vậy, ai bảo lúc xa nhau “họ” sẽ phải mất đi cả hương lẫn sắc? Không đâu, khi sánh đôi cùng những người bạn thôn dã nơi sóng sánh trời và nước khác,điên điển vẫn cứ vàng, cứ đậm đà duyên quê như thế và cá linh cũng vẫn ngon thơm như muôn thủa cá linh. Chỉ là, mỗi khi điên điển vàng lên cùng mùa nước nổi, cá linh vẩy bạc lóng lánh lại ùa về như đã hẹn từ muôn kiếp, như những kẻ yêu nhau xa cách nay lại được trùng phùng nên tình yêu càng trọn vẹn, đắm say.
Nguyễn Phương