Dạy chồng đại gia


Dạy chồng bình thường đã khó, dạy chồng đại gia còn khó gấp bội phần. Khi các ông chồng đại gia dùng tiền thay “kim bài miễn tử”, tìm cách trốn tránh tất cả việc nhà, theo bạn, các bà vợ phải làm sao?

chong dai gia Dạy chồng đại gia

Chân dung “chồng đại gia”

Giàu từ trong “trứng nước”, H. từ bé đã được cha mẹ “bảo bọc” kỹ lưỡng. Từ việc to tát như… ăn uống đến cả việc bé xíu kiểu: cắt móng chân, H. chưa bao giờ phải bận tâm. Thế nên từ ngày lấy vợ, ra riêng, H. cảm thấy cuộc sống mình thật ngột ngạt. Cô vợ Y. mới cưới về suốt ngày nhõng nhẽo, nhờ giúp đủ thứ việc. Làm được một hai lần, H. thấy… mệt và chẳng muốn động vào nữa: lấy vợ để thêm vui, sao phải chịu cực. Chưa kể, có những việc H. không biết nên bắt đầu từ đâu, cách thức thế nào. Từ chối thì vợ giận, làm không được thì quê, thế là H. chọn cách “điếc đột ngột”, phát lờ như không nghe thấy, và đánh trống lảng mỗi lần vợ hỏi. Có lần Y. “truy cứu” tới cùng, H. mệt mỏi, gắt gỏng lên và đưa cục tiền nói vợ cứ thuê người, đừng phiền mình. Y. chỉ còn biết lắc đầu vì phong cách “đại gia” của chồng.

Khác với H., K. vươn đến “danh hiệu” đại gia từ chính tài năng kinh doanh của mình. Từ sáng đến chiều “lăn lộn” thương trường kiếm tiền, về đến nhà, K. mặc nhiên cho phép mình được quyền nghỉ ngơi tuyệt đối, không động tay chân bất kỳ việc gì. Thậm chí những việc to tát, rất đàn ông như sửa nhà, sửa điện nước…, K. cũng phó mặc cho vợ tự quyết. M. – Vợ K – tuy cầm xấp tiền chồng giao về, nhưng lắm lúc cũng thấy tủi thân kiểu “có chồng hờ hững cũng như không”.

Không chỉ đổ tất cả việc nhà từ lớn đến nhỏ cho vợ, những ông chồng tầm đại gia như H. và K. còn đòi hỏi đủ điều từ vợ mình. Nào là, món ăn phải thế này, thế nọ, nhà cửa phải sạch sẽ tươm tất ra sao, vật dụng trong nhà phải chỉnh chu, đàng hoàng; nào là trang trí nhà cửa cần sáng tạo, những bữa tiệc cuối tuần đãi khách làm sao vừa thơm ngon vừa phong cách… Tất cả những mệnh lênh và yêu cầu ấy được truyền tải bằng miệng và chấm hết. Đừng bao giờ hy vọng H. và K. góp sức cho công cuộc lòng vòng, luẩn quẩn xung quanh chuyện nhà.

Công cuộc dạy chồng

Áp dụng cái công thức quen thuộc “Dạy con từ thưở còn thơ. Dạy… chồng từ thuở bơ vơ mới về”, khi vừa phát hiện ra chồng mình “cốt cách” đại gia, Y. lập tức huy động tất cả những người bạn vừa đẹp trai, phong độ, chưa vợ của mình nhờ giúp sức. Mỗi việc nhà nào đó mà H. không chịu “động tay” vào, Y. đều “chuyền bóng” cho một anh bạn trai, “nháy mắt” nhờ hành động. Y. thời gian đầu cảm giác khoẻ re khi có người giúp, nhưng dần đà thấy vợ cứ ngưỡng mộ và nhờ vả những gã đàn ông bên ngoài thì phát bực. Tự ái lẫn sĩ diện đàn ông trỗi lên, H. “xắn tay” vào làm. Cộng thêm vào đó là những lời trìu mến, ngọt ngào động viên của Y., những nụ hôn khen ngợi, những ánh mắt vờ tròn xoe ngưỡng mộ: “Ông xã em number 1”, H. cuối cùng cũng bỏ được cái thói… đại gia của mình. Thậm chí, ngay cả những việc bếp núc, nhiều lúc H. cũng vui vẻ phụ Y. Không khí gia đình nhộn nhịp, vui vẻ, hạnh phúc hẳn. Y. thở phào nhẹ nhõm, may mà sớm… dạy chồng, nếu để lâu ngày quen thói, không biết có đủ sức triệt hạ… con virut đại gia không nữa.

Không nhanh tay như Y., M. chịu đựng ông chồng đại gia suốt mấy năm liền. Đến nỗi mà người đàn bà chân yếu tay mềm như M. giờ đây luôn ngỡ mình có thể lo toan cả những việc “đập đá vá trời”. K. hàng ngày vẫn “bổn cũ soạn lại”: “Anh đi kiếm tiền bên ngoài đã mệt lắm rồi, tiền bạc đó, chỉ việc thuê người làm mà cũng than thở, nếu em không làm được, cứ thuê… quản gia”. Cuối cùng giọt nước tràn ly, M. không chịu đựng nổi, quyết định dùng chiến thuật cuối “Sống chung với lũ”. Chồng mình tầm đại gia thì M. cũng quyết tâm sống theo phong cách đệ nhất phu nhân. Thấy vợ thay đổi chóng mặt, suốt ngày chỉ spa, massage, tiền bạc xài như nước, việc nhà khoán hết cho người giúp việc, K. đâm hoảng. Khuyên M. thì M. kiên quyết không nghe. Không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng. K. phần lo vợ mình sẽ hư hỏng, phần sợ nhà cửa không người coi sóc, giao cho người ngoài sao yên tâm, sao đúng ý. Thế là, suốt thời gian dài vợ “biến chất”, K. một mặt giám sát vợ, một mặt thay vợ giám sát việc nhà. Chắc chắn “lũ” đã rút, M. mới dẹp chiến thuật, nhỏ nhẹ làm hoà lại với chồng. Kể từ đó, ông chồng đại gia như K. không còn chăm chăm vào những việc lớn ngoài xã hội, mà biết chia sẻ hơn những việc nhỏ của gia đình.

Lời kết: Người ta thường nói “đồng tiền không mua được hạnh phúc”, tôi thấy câu nói này rất đúng với trường hợp các ông chồng đại gia. Đừng bao giờ để đồng tiền đại diện mình xây tổ ấm. Bởi đồng tiền thì lạnh, mà phụ nữ thì lúc nào cũng cần hơi ấm từ sự quan tâm, sẻ chia của đức ông chồng.

 Dương Bảo Thuỷ

 

 


Các tin cùng chuyên mục