“Sông phố nhà ghe” mang dư vị buồn mang mác của những chuyện tình có thể éo le, trắc trở, có thể dở dang hay có thể hạnh phúc nhưng luôn thẫm đẫm những hi vọng tươi sáng và lạc quan như tính cách hào sảng của người miền Tây Nam Bộ.
Hai Tấn – con trai đầu nhà ông Hai Huỳnh có mối tình đẹp với cô Út Trinh – con gái của gia đình một ghe bạn trong xóm nhà ghe, nhưng vì quá nghèo mà đành đứng một bên nhìn cô Út đi lấy chồng nhà giàu để có tiền lo cho mẹ già bệnh nặng. Ngày Út Trinh đi lấy chồng, Hai Tấn nửa đêm chống sào, gõ cửa phòng tân hôn của vợ chồng Út Trinh, rủ Trinh đi trốn, bị chồng Út Trinh bắt được đánh cho thừa sống thiếu chết. Trinh bị bà Chín- mẹ chồng, đánh bằng chổi chà thâm tím mình mẩy, từ đó bà không ưa, coi Trinh là thứ mèo mã gà đồng, coi khinh và hành hạ đủ điều. Trinh ơn chồng cho tiền chữa bệnh cho mẹ, lại thấy Điền- chồng mình, hiền lành và thương mình nên đành phải cắn đắng, chịu đựng sống cho qua ngày.
Thất bại trong mối tình đầu, Hai Tấn trở nên khép kín, lao đầu vào công việc làm ăn với mong ước kiếm được thật nhiều tiền, để cái nghèo không thể trở thành nguyên nhân phá nát hạnh phúc của mình. Mỗi khi buồn, mỗi khi vui anh đều ôm cây đờn kìm đặt hết tâm trạng mình vào lời ca vọng cổ… Thương Hai Tấn từ thủa nhỏ, sau khi người yêu Hai Tấn đi lấy chồng, cô Hai Đợi ngày ngày qua lại với anh và mối cảm tình với Hai Tấn càng lúc càng lớn. Nhìn thấy Hai Đợi ngày qua giặt áo, tối chụm lửa cà-ràng nấu nướng cho Hai Tấn, hai gia đình Hai Huỳnh và Tư Giàu vái trời cho Hai Tấn với Hai Đợi thành đôi cho rồi, nhưng Hai Tấn chỉ coi Hai Đợi như em gái nên nhiều lần từ chối thẳng thừng, khiến cho cô tức giận. Nhưng Hai Đợi nổi quạo với Hai Tấn hôm trước rồi hôm sau đâu lại vào đó. Lại lui tới như không có chuyện gì, chăm chỉ làm “vợ hiền” đỡ đần Hai Tấn. Hai Tấn từ chối hoài rồi cũng đành để mặc cho Hai Đợi muốn làm gì thì làm.
Hai Tấn cảm thấy mình có lỗi, thì thôi không tình còn có nghĩa, cứ chịu đại Hai Đợi đi cho êm chuyện nên nhận lời yêu, biểu sau đám cưới hai đứa út một năm thì làm đám cưới với Hai Đợi, nhưng dặn đừng nói ai biết mắc công mọi người làm rộn. Hai Đợi mừng hết lớn, nén nỗi vui trong lòng hoài muốn nổ bung nên nài nỉ Hai Tấn cho nói với hai bên cha mẹ trước. Hai Tấn không cho nên Hai Đợi giận, nói Hai Tấn có ý xí gạt mình. Hai Tấn im lặng, không muốn giải thích. Càng lúc Hai Đợi càng trở nên phiền phức trong mắt Hai Tấn, mà con nhỏ nào đâu biết, hết giận rồi thôi, lại cứ sống chết bám dính ở cái bè cá.
Út Trinh sanh con trai, đứa con lại rất giống cha nên Hai Tấn và mọi người thở phào nhẹ nhõm. Nào ngờ sanh được đứa con rồi Trinh cũng chẳng yên với mẹ chồng. Vừa sanh con nhưng bà Chín chẳng cho ai đỡ đần, bắt Trinh một mình làm việc, khiến Trinh bị sa dạ con do ngồi làm việc quá nhiều. May mà cậu Sáu cứu kịp. Nhưng bà Chín rất bực tức vì phải tốn tiền chữa bệnh cho con dâu. Hai Tấn lo cho Trinh, nhân lúc không ai hay, lén tới ngó, quả thực thấy Trinh và cậu Sáu thân thiết đỡ đần lẫn nhau. Cậu Sáu cảm thông với Trinh bởi tối ngày bị “mộng chè” chửi như “bằm bầu”, cũng bởi cậu mang cái thân sâu hồn bướm, bị người ta khinh rẻ ghét bỏ giống như Trinh. May mà còn có má chồng Trinh chịu cưu mang cậu. Cho nên dù thương Trinh, nhưng cậu Sáu cũng không dám trái lời má Trinh.
Chuyện làm ăn không mấy suôn sẻ nên má chồng Trinh và Trinh ngày càng căng thẳng. Đám giỗ đầu của má Trinh sắp tới, nhưng nhà chồng chẳng ai có ý muốn cho Trinh về làm đám. Cậu Sáu thương, tính kế cho Trinh về nhà làm đám giỗ nhưng bất thành. Hai Tấn nhớ ngày đám giỗ đầu má Trinh, tới cúng. Cô Hai Đợi biết Hai Tấn vẫn còn thương Trinh nhưng nhắm mắt làm lơ. Trinh không về làm đám giỗ đầu cho má, Hai Tấn thấy trong lòng vừa buồn vừa giận. Càng nghĩ Hai Tấn lại càng thấy mình không nên lưu luyến gì con người bạc nghĩa đó, khiến cô Hai Đợi khấp khởi mừng trong dạ.
Trinh không được cho về làm đám giỗ đầu cho má, nhưng không thể chịu nghe theo lời vô lý đó, lén thu xếp đồ vô giỏ, tính bồng con trốn về mạc cho cậu Sáu hết lời khuyên nhủ. Nào dè má chồng và chồng Trinh bắt được và giằng lấy cháu. Rơi vào tình thế nầy, Trinh không thể đi, đành phải vô nhà, quỳ gối xin lỗi má chồng. Trinh vì con mà nhẫn nhịn ở nhà chồng, nhưng đắng đót nhận ra chỉ có mình ở trong cái nhà nầy là không được đối xử như con người. Dầu biết vậy mà Trinh vẫn không thể dứt áo ra đi. Má chồng sợ Trinh bồng đứa nhỏ đi trốn, giữ rịt lấy đứa nhỏ, không cho Trinh lại gần… Đứa con Trinh không được gần mẹ, sốt xuất huyết mà bà Chín không hay, cũng không chịu cho Trinh chăm con, tới khi đưa vô bệnh viện thì đã trễ rồi chữa không nổi. Đứa nhỏ mất. Cả nhà cãi vã, rồi đổ hết tội lên đầu Trinh. Trinh tàn tạ như tàu lá héo, nhưng rồi Trinh nghĩ lại, không đi nữa, nghĩ mình không phải thứ vô ơn bội nghĩa, nên quyết ở lại tới khi trả xong nợ rồi mới đi. Cậu Sáu thương quá mà không biết làm sao. Trinh cứ ráng nhẫn nhịn. Nhưng sức chịu đựng của con người cũng có hạn… Vừa ngay lúc nhà chồng Trinh dính vào chuyện rắc rối làm ăn ép giá, lường gạt nông dân…
Hai Tấn dù đã nhận lời yêu Hai Đợi nhưng trong lòng vẫn không quên được Út Trinh, còn Hai Đợi, được sự đồng ý của hai gia đình đã tự cho mình quyền làm vợ, lại bè cá thu xếp đồ, vứt hết mấy món kỉ vật của Út Trinh để lại (trừ con Sầu Riêng). Hai Tấn giận, giằng lại hết rồi quạt cho một chặp. Hai Đợi ngỡ ngàng biết Hai Tấn còn vương vấn tình cũ, coi mình như kẻ thế thân nên rầu rĩ ôm chèo hướng ra cửa biển, ngồi khóc. Hai Tấn cũng buồn vì mình đối xử với cô Hai Đợi không ra gì nên đã nói lời xin lỗi và đưa Hai Đợi đi mua nhẫn cưới. Nhưng Hai Đợi không chịu đi, chỉ lẳng lặng ngồi trước bè cá, vá cái áo sờn của Hai Tấn. Chuyện cô Hai Đợi lạnh lùng từ chối lời hỏi cưới khiến Hai Tấn ngỡ ngàng một thì khiến mấy người xung quanh ngỡ ngàng mười. Ông Hai Huỳnh ra “tối hậu thư”, bắt Hai Tấn phải làm mọi giá để Hai Đợi chịu cưới, còn không đừng ngó mặt ông.
Má chồng Trinh cũng dính vào vụ thương lái ép giá nầy, bị công an kêu, phối hợp điều tra. Bực mình không biết trút vào đâu, bà lại quay qua đay nghiến Trinh – là cái thứ mang vận xui về nhà. Má chồng Trinh bị kết tội, phải nằm tạm giam mấy bữa. Chồng Trinh bực tức, giở thói vũ phu với Trinh. Trinh đau khổ quá mức, hết còn muốn sống nữa… Không còn gì để níu kéo, Trinh quyết định bỏ đi… Cậu Sáu và chồng Trinh đi tìm, nhưng không thấy, chỉ còn thấy đôi dép Trinh thường mang, bỏ lại ở bờ sông. Cậu Sáu đoán Trinh đã tự tử, chồng Trinh lúc này mới có một chút xót xa, thương vợ.
Về nhà hàng miền Tây, cậu Sáu mang chuyện này kể cho Út Lài nghe, nói nó về kêu dân xóm ghe ai có thấy xác thì vớt giùm, không thôi để Trinh lạnh lẽo tội nghiệp. Tin Trinh nhảy sông tự tử lan ra… Rằm tháng Bảy, cậu Sáu mua đồ về cúng. Cúng cho Trinh và làm lễ xá tội vong nhân để mong má chồng Trinh mau tai qua nạn khỏi. Cậu cũng nhớ đến người anh rể và người vợ tội lỗi của mình đã trầm mình dưới dòng sông lạnh. Lại nhớ đến đứa con gái nhỏ mới sanh, không biết nó còn sống hay là đã chết.
Trinh đánh liều, tìm về với Hai Tấn. Gặp lại người xưa, cơn giận ghét nhói lên trong tim Hai Tấn nên anh ra sức xua đuổi Trinh đi. Trinh cùng đường, nhào xuống sông trầm mình. Hai Tấn cầm lòng không đậu nên nhào tới cứu. Trinh nói cho Hai Tấn hay cuộc sống khổ cực, tủi nhục trăm bề ở nhà chồng, tất cả bắt đầu từ cái đêm tân hôn Hai Tấn lấy sào chọc cửa rủ đi trốn. Còn cậu Sáu là thân sâu hồn bướm, không có cậu giúp chống đỡ thì Trinh bị nhà chồng đì cho tới chết rồi. Hai Tấn ngỡ ngàng hiểu ra, nhận lỗi về mình và cưu mang Trinh. Nhưng cái đám cưới với Hai Đợi thì vẫn còn đó, bỏ không được, làm tới cũng không xong…
“Sông phố nhà ghe” sẽ phát sóng lúc 19h00 thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên TodayTV, từ 29/9/2016.
T.D/Lifestyle