Mặc cho chị “sôi sục”, anh vẫn cứ “bình chân như vại”, ngày ngày chỉ quanh quẩn xem phim, chơi cờ và… nấu cơm cho vợ.
Ngoài 30 tuổi, và sau rất nhiều lần bạn bè, người thân mai mối, chị mới quyết định sẽ lấy chồng. Thực ra không phải là chị xấu xí hay có nhược điểm gì quá lớn nên “ế”, mà do mối tình đầu thời sinh viên, với một gã sở khanh, lẻo mép đã lấy đi của chị rất nhiều nước mắt và niềm tin vào tình yêu.
Anh Quân – chồng sắp cưới của chị được bạn bè khen là rất tốt tính, lại hiền lành thật thà. Qua những lần tiếp xúc, chị cũng thấy anh khác hẳn người yêu trước đây của mình, và chị nghĩ, những người như anh có lẽ sẽ là người đàn ông của gia đình, sẽ không khiến chị phải đau khổ. Tuy nhiên khi dẫn anh về ra mắt bố mẹ, mẹ chị lại nhất định phản đối. Mẹ bảo: “Hiền thì có hiền, nhưng mà hiền quá nên cứ ‘đần đù’ thế nào ấy, rồi chả làm được tích sự gì đâu”. Nhưng bỏ qua sự ngăn cản kịch liệt của gia đình, chị vẫn quyết định lấy anh.
Thời gian yêu nhau, tìm hiểu chỉ vỏn vẹn có vài tháng, lại cảm thấy công việc, thu nhập là vấn đề “tế nhị”, không muốn hỏi nên chị chỉ biết anh là nhân viên của một công ty buôn bán máy tính, thiết bị văn phòng. Lấy nhau rồi mới biết, vị trí của anh là văn thư, lưu giữ giấy tờ, sổ sách, hợp đồng với mức lương chỉ gần 4 triệu/tháng. Điều này khiến chị khá bất ngờ, bởi anh từng tốt nghiệp đại học Kinh tế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, hơn nữa lại đi làm hơn chục năm rồi, mà chẳng hiểu sao mức lương, vị trí vẫn “quèn” như vậy. Nhỏ nhẹ tâm sự, hỏi han thì anh bảo: Trước cũng có thử làm phòng kinh doanh mà thấy không phù hợp, làm hành chính, văn phòng hợp hơn. “Thế làm bao nhiêu năm rồi mà lương vẫn vậy thôi à”, chị hỏi thêm thì anh bảo: “Công việc vẫn thế thì lương thay đổi làm sao được”, “Sao anh không thử tìm công ty khác, vị trí khác xem sao, chứ em thấy anh làm thế cứ phí phí thế nào ấy”, anh gạt đi: “Thôi làm lâu rồi, quen việc rồi, anh không chuyển đi đâu cả, ngại lắm”.
Hàng tháng, anh giữ lạị tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa, lương chỉ còn lại khoảng gần 2 triệu đưa vợ. Tháng nào mà có đám cưới đám xin, hay anh muốn gửi về quê cho các em, biếu bố mẹ, thì lại đưa cho cho chị ít hơn hoặc chẳng đưa đồng nào. Mọi sinh hoạt trong nhà, từ tiền thuê nhà, chợ búa hay điện nước đều lấy từ tiền lương của chị. “Được cái anh ấy chẳng chơi bời gì bao giờ, ở nhà thì không nề hà việc gì cả, lúc nào cũng sẵn sàng đỡ đần vợ. Thôi thì được cái này, mất cái kia, anh ấy không làm ra kinh tế nhưng với 10 triệu lương của mình, hai vợ chồng sống vẫn ổn”, chị tâm sự.
Tuy nhiên, mọi khó khăn chỉ thực sự bắt đầu khi chị sinh bé Tôm, và phải đi làm lại sau 6 tháng nghỉ thai sản. Vì ông bà nội tuổi cao, sức yếu, ông bà ngoại thì bận buôn bán, nên anh chị bắt buộc phải thuê người giúp việc trông con. Khổ nỗi, thuê được người nào có phải dễ đâu, có người đến thì không ưng, hoặc không làm được việc, được người ưng hoặc thạo việc thì lại kiêu căng, cứ làm vài ngày rồi nào là đòi tăng lương, “doạ” đi nhà khác hoặc tự nhiên đang yên đang lành một ngày đẹp trời lại… xin nghỉ khiến anh chị quay cuồng, thay nhau nghỉ việc để chăm con. Gay go nhất là đợt này bé Tôm còn bị ốm mãi chưa khỏi, chị thì vướng dự án đang chạy không thể xin nghỉ, anh nghỉ quá nhiều nên suốt ngày bị sếp nhắc nhở… Suy nghĩ mãi mà cũng chẳng tìm ra được phương án nào khả quan hơn, anh chủ động quyết định nghỉ việc hẳn ở nhà trông con. Anh bảo: “Lương anh còn thấp hơn tiền thuê người giúp việc, thà để anh ở nhà trông con cho yên tâm. Đợi con cứng cáp, đi nhà trẻ rồi tính”, chị thấy cũng hợp lý, nên cũng vui vẻ đồng ý với anh.
Anh nghỉ việc ở nhà được 3 tháng thì bé Tôm tròn 1 tuổi, chị giục anh cho con đi gửi, rồi còn đi làm lại. Thương con còn bé, anh bảo: “Thôi cứ từ từ, bé thế này, biết gì mà đi”. Rồi đến khi con 15, 18 tháng anh vẫn cứ chần chừ, ậm ừ chưa muốn, nhưng chị vẫn kiên quyết: “Con đi được rồi, anh nghỉ lâu quá sau này em sợ tìm việc sẽ khó khăn lắm đấy. Thương con nhưng cũng phải nghĩ cho mình nữa anh ạ”, và tự đi tìm trường cho con. Chị cũng rất sốt sắng hỏi bạn bè, người quen, rồi giục anh vào những trang tìm việc làm, gửi đơn ứng tuyển.
Mặc cho chị “sôi sục”, còn anh không hiểu sao vẫn cứ “bình chân như vại”, chẳng bao giờ tỏ ra sốt ruột muốn đi làm hay buồn chán gì việc phải ở nhà, mặc dù con đã đi lớp, ngày ngày chỉ quanh quẩn xem phim, chơi cờ và… nấu cơm cho vợ. Hỏi, thì anh bảo: “Chưa tìm thấy chỗ nào phù hợp”, lần khác thì anh trả lời: “Anh gửi đơn nhiều chỗ lắm rồi, đang đợi gọi”, trong khi lén vào email của anh, chị chẳng thấy có đơn nào được gửi đi cả. Nhờ người quen được vài chỗ thì anh lại chê nọ chê kia, nói hết lời rằng anh cứ đi làm tạm thời, rồi tìm chỗ mới thì y như rằng, làm được vài hôm anh lại kêu chán, kêu công việc không hợp, kêu lớn tuổi rồi chẳng thích môi trường toàn “xì tin” và thế là lại… nghỉ, khiến chị cũng chỉ còn biết chán nản, mặc kệ anh như lời khuyên của cô bạn thân: “Ở nhà mãi làm sao chịu nổi, chơi chán rồi lão tự khắc sẽ đi làm thôi”.
Chẳng biết thời gian để anh “chán ở nhà” là bao nhiêu lâu nữa, chỉ biết rằng con đi học gần 1 năm trời, chị vẫn thấy anh dửng dưng, thậm chí không một lần nào chủ động nói đến chuyện đi làm. “Lương của mình có từng ấy, chắt chiu lắm thì cả nhà mới đủ sống. Hơn nữa, vợ chồng đều hơn 30 tuổi rồi, một đồng tiết kiệm cũng không có, hễ có việc gì phát sinh cần tiền là lại phải đi vay, trong khi đó thì chồng, đáng lẽ là trụ cột của gia đình thì giờ lại ở nhà chơi, ăn bám vợ”, chị bức xúc.
Khuyên anh mãi chẳng được, chị lại đâm ra ân hận rồi tự trách mình ham chồng hiền, mà không màng đến lời khuyên “hiền quá hóa đần đù” mà mẹ chị đã “cảnh báo” ngay từ đầu…
Theo emdep.vn/Lifestyle