Phượng năm nay đã bước sang tuổi 35, cô được người ở làng liệt vào danh sách “gái ế” đã nhiều năm nay.
Thực ra khi còn ở độ tuổi đôi mươi, Phượng đã từng có rất nhiều chàng trai theo đuổi nhưng lúc ấy cô chẳng để ý đến ai. Vì là con cả, gia đình lại khó khăn, cô cố gắng chăm chỉ làm việc, dành dụm từng đồng lương thợ may để đưa bố mẹ nuôi các em ăn học. Mối tình đầu của cô là với một chàng thanh niên cùng làng khi cô đã 25 tuổi. Ngày ấy hai người đã thề non hẹn biển, anh chàng kia cũng đã sang thưa chuyện với bố mẹ Phượng, mong muốn được cưới cô trong một ngày không xa. Thế nhưng ngày vui chưa kịp đến thì anh đã Nam tiến theo lời rủ rê của bạn bè hòng kiếm cơ hội đổi đời ở miền đất hứa. Người bạn lại giới thiệu cho anh cô em gái vợ đang làm ở đó. Thấy tương lai rộng mở, anh chàng quay ngoắt 180 độ, gọi điện về cho Phượng nói cô đừng đợi nữa, anh ta đã có công ăn việc làm ổn định và không quay về nữa đâu. Phượng đau đớn. Mối tình đầu bị phản bội khiến cô hoàn toàn mất niềm tin vào đàn ông.
Phải mất một năm cô mới ổn định về tinh thần. Cũng đã có vài chàng trai theo đuổi nhưng cô vẫn chẳng yêu ai. Cô vốn là công nhân may nên ở trọ, thường chủ nhật mới về thăm nhà. Dạo ấy thỉnh thoảng thấy một cậu thanh niên về nhà chơi cùng con gái, bố mẹ Phượng đã mừng thầm. Đôi lần ngồi nói chuyện, dò hỏi, mẹ cô thấy anh ta rất quý con gái mình nhưng “trái tim Phượng lạnh lùng quá bác ạ” – chàng trai nọ chia sẻ. Bà hỏi Phượng thì cô bảo: “Con và anh ấy làm cùng công ty. Anh ấy thích về chơi thì con để anh ấy đi về cùng, chứ con có yêu đương gì đâu”.
Sau đó thấy anh ta vẫn nhiệt tình đến nhà chơi, mẹ Phượng liền gọi con gái vào trong buồng ngọt nhạt hỏi han. Trong khi bà đang thì thầm với cô thì Phượng trả lời một câu rõ to để cho cả chàng trai kia nghe rõ. “Con với anh ấy chẳng có gì cả. Mẹ đừng nhắc chuyện chồng con nữa, con chưa muốn lấy chồng“.
Biết không thể tìm được con đường vào trái tim của Phượng, bố mẹ lại giục giã lấy vợ, anh chàng đành chấm dứt công cuộc theo đuổi cô. Lúc này Phượng đã 28 tuổi, danh sách “gái ế” ở làng đã có tên cô. Khỏi phải nói mẹ cô lo lắng thế nào. 29 tuổi, Phượng được một người bạn giới thiệu cho một chàng trai xây dựng. Sau nhiều lần trò chuyện qua điện thoại, cuối cùng hai người quyết định hẹn gặp nhau. Anh chàng đã vượt mấy trăm cây số từ Sơn La về Nam Định để gặp cô. Ngay hôm ấy, anh ngỏ lời yêu và con tim Phượng một lần nữa đã rung động trở lại. Ba tháng sau anh về nhà Phượng xin phép được đưa bố mẹ đến thăm nhà và nói chuyện người lớn.
Phượng phân vân, cô đã đặt rất nhiều tình yêu và niềm tin vào mối tình này, cô vẫn hy vọng được cưới người mình yêu thương (Ảnh minh họa).
Lúc đầu bố mẹ Phượng cũng hơi e ngại vì xa xôi quá song con gái đã gần 30, hai đứa cũng rất thương yêu nhau nên bố mẹ Phượng không phản đối gì nữa. Tất cả chỉ còn đợi ngày người lớn gặp gỡ nói chuyện. Y hẹn, chàng trai kia đưa mẹ tới thăm nhà Phượng. Thế nhưng từ lúc mẹ chàng bước chân đến cổng nhà cô, bà đã tỏ rõ ý không hài lòng. Thấy có người lạ, con chó nhà Phượng xồ ra làm bà được một phen hết vía. Sau đó bước nào bà cũng phải rón rén lựa chỗ sạch nhất để bước. Chả là dịp này đúng vụ mùa nên trong nhà ngoài sân rất bụi bặm, chỗ nào nhà cô cũng có rơm rạ, thóc lúa. Cả cuộc gặp gỡ, mẹ chàng không nở một nụ cười, cuộc nói chuyện chỉ là vài câu hỏi xã giao chứ chẳng nhắc gì đến chuyện đôi trẻ.
Sau lần ấy, biết gia đình người yêu không ưng gia cảnh nhà mình, Phượng rất buồn. Tuy nhiên, người yêu cô vẫn động viên cô đừng nản lòng, cho anh ta thêm thời gian để anh ấy thuyết phục bố mẹ. Hai người vẫn liên lạc qua lại song cô chưa thấy một tín hiệu khởi sắc từ phía gia đình người yêu. Bố mẹ cô khuyên cô từ bỏ, vì nếu người ta có đồng ý thì về sống với bà mẹ chồng ấy, đời cô chắc chắn sẽ khổ. Phượng phân vân, cô đã đặt rất nhiều tình yêu và niềm tin vào mối tình này, cô vẫn hy vọng được cưới người mình yêu thương.
Lâu lâu chẳng thấy người yêu nhắc gì đến chuyện tương lai hai đứa, cô mạnh dạn hỏi thì chính thức biết mình thất bại một lần nữa. “Anh không thể thuyết phục được bố mẹ, bọn mình chắc không đến được với nhau, anh xin lỗi“. Cô buồn vô hạn, nghĩ phận mình kém duyên nhưng bố mẹ cô thì lại thấy may. 31 tuổi cô vẫn là gái ế.
Sau lần này, tính khí của Phượng thay đổi hẳn, cô khó tính hơn, làm gì cũng cáu gắt. Mọi người trong nhà cố gắng không làm phật ý cô. Hai em trai của Phượng đều đã yên bề gia thất cả chỉ còn cô con gái, mẹ Phượng lại nhờ vả người mối lái. Bà khuyên con: “Con gái phải có tấm chồng, đẻ lấy đứa con để lấy chỗ dựa về sau. Chứ lúc về già biết nương tựa vào ai, các em nó cũng còn phải lo cho gia đình nhà nó chứ. Chẳng đâu bằng người làng, con người và gia cảnh người ta mình đều rõ cả, về dễ sống hơn. Chứ lấy thiên hạ có ngày chẳng có đường về gặp mẹ đâu con ạ“.
Thế nhưng Phượng từ chối tất cả các cuộc gặp gỡ, cô kiên quyết không lấy chồng nữa. Cô bảo: “Thôi ở vậy cho nhẹ thân, thích làm gì thì làm không sợ ai quản lý. Mẹ không thấy mấy đứa hàng xóm vợ chồng suốt ngày cãi nhau đánh nhau đấy à. Không có tiền, vợ phải về nhà mẹ đẻ vay nhưng ông chồng bảo ông ấy không vay nên ông ấy không trả… Đấy, lấy chồng cùng làng đấy, mẹ thấy có sung sướng không? Con chẳng lấy chồng đâu“.
Tết vừa rồi vẫn có thanh niên muộn vợ ở làng muốn đến tìm hiểu cô. Nhưng cô một mực không tiếp. Thấy con cứ khăng khăng, mẹ cô làm cứng, bà quát lớn: “Con gái lớn thì phải lấy chồng, mày định ở nhà làm bà cô suốt đời à. Mày không thương mày thì cũng phải thương bố mẹ chứ. Giờ đi đến đâu người ta cũng xì xào nhà này có gái ế, ra đường không ngẩng mặt lên được”.
Sau cơn thịnh nộ của bà, mẹ Phượng tưởng con gái sẽ suy nghĩ lại. Ai ngờ cô cũng lớn tiếng tuyên bố: “Thân con con tự lo được, không cần ai phải quan tâm. Từ nay nếu mẹ muốn nhà cửa vui vẻ thì đừng bao giờ giục con lấy chồng nữa“. Mẹ Phượng chẳng thể nói thêm được lời nào, nước mắt tự dưng trào ra, bà trách con thì ít mà thương con thì nhiều.
Theo Trí thức trẻ