Dù cho trẻ về quê nghỉ hè cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng cái lợi lớn nhất là sau dịp nghỉ, trẻ nào cũng khỏe hơn, lớn hơn, có thêm nhiều kiến thức hơn về đời sống.
Một số người sợ đưa trẻ về quê vì sợ gặp rủi ro, nhưng rủi ro ở đâu cũng có, quan trọng là dạy con kỹ năng sống để về quê an toàn, chứ ở thành phố không quản được con thì cũng vậy.
“Hoàng tử, công chúa” về với ruộng đồng
Theo anh Lê Nam (Bạch Mai, Hà Nội), mấy năm nay hai “công chúa” đi học nên việc chăm sóc đơn giản hơn. Vì vậy anh thường cho trẻ về quê nghỉ hè (quê nội ở Quảng Nam) cho tới khi trường tập trung mới đón ra.
Quê xa, nhưng năm nào con cũng về quê nên tình cảm ruột rà thêm gần gũi và các con anh cũng rất thích về quê.
Không phải đứa trẻ nào cũng được trải nghiệm cảm giác “về quê”. Ảnh minh họa.
Nhà anh Quốc Việt ở Đặng Tiến Đông (Hà Nội) có mỗi cậu con trai, nhưng cứ hè là anh chị cho con năm thì về quê nội, năm lại về quê ngoại ở cả tháng để các ông bà… khỏi tị, mà con cũng đỡ chán. Năm nào trở về nhà con cũng đen cháy, nhưng khỏe mạnh và cao hẳn lên.
Chị Thúy Hà (Khâm Thiên, Hà Nội) chia sẻ, năm đầu tiên chồng định cho con về quê nghỉ hè chị không nghe vì sợ con còn bé, ở quê thiếu thốn, nắng nóng không có điều hòa, nhà vệ sinh thì bẩn… nhưng chồng cứ cho con về quê với ông bà nội.
Hôm đầu gọi điện, nghe con cứ khóc i ỉ, đòi “mẹ bảo bố về đón”, chị sốt ruột định về ngay. Chồng chị gạt phắt đi. Hôm sau gọi điện thì con không khóc nữa, nhưng kêu ở quê nhiều muỗi, tối không có kênh hoạt hình, thèm ăn gà rán…
Vài ngày sau con đã vui vẻ kể chuyện ở quê. Tuần sau nữa thì thắc mắc “sao mẹ gọi điện nhiều thế, hôm nay gọi mấy lần rồi, con đang chơi…”. Một tháng ở quê cu cậu về nhà da đen nhẻm, nhưng rắn rỏi và chăm làm việc nhà, cả tuần liền kể chuyện quê không ngớt, như “các anh cho chuồn chuồn cắn rốn dạy bơi, chiều thi thả diều trên đồng cỏ, rồi chuyện câu cá, bắt chim… Rồi khoe “con biết con trâu ở phố là con nghé ở quê, những con gà được “nuôi” chứ không phải “trồng”, củ khoai chứ không phải “quả “…
Đừng tước đoạt tuổi thơ của trẻ
Nhiều người cho rằng cho trẻ về quê nghỉ hè là để chơi, không phải để học. Vì nhận thức lệch lạc này nên trẻ thành phố nhầm lẫn trâu bò, bê, nghé, ngan vịt… và con gì được “nuôi”, cây gì được “trồng”, khiến trẻ có những câu ngô nghê, thiếu khôn thực tế…
Thậm chí cuối năm học thấy giáo viên khuyên cho trẻ về quê học học kỳ thứ 3, thì nhiều người không thích, chỉ muốn con có thời gian va chạm ở thành phố mới nên người. Hoặc dành thời gian học thêm, học ngoại ngữ để vào năm học mới có thành tích, sau này mới có tương lai… Vì thế trẻ thành phố bị bó hẹp trong 4 bức tường, bị nhiều áp lực căng thẳng như học tập, cô đơn vì bố mẹ ít thời gian chuyện trò… học ngày, học đêm và thực sự không có nghỉ hè.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hồi (Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương) từng cảnh báo các bậc cha mẹ về bệnh tâm thần của trẻ con Việt Nam ngày càng tăng. Lý do: bị ép học, càng bị nhồi nhét càng dễ dàng biến thành nỗi đau và biểu hiện nhanh nhất chính là bệnh tâm thần. Vì vậy các bậc cha mẹ đừng tước đoạt niềm hạnh phúc của trẻ thơ khi nghỉ hè.
Chuẩn bị những gì cho con về quê?
Theo các nhà tư vấn tâm lý, cho trẻ về quê là dịp để hòa mình vào không khí trong lành, tươi mới của thiên nhiên, cây cỏ, trải nghiệm màu sắc cuộc sống thú vị. Nhưng để trẻ về quê an toàn, suôn sẻ cần chuẩn bị tâm lý và hành trang giúp trẻ hiểu trước cuộc sống ở quê với những khó khăn có thể gặp, và dạy một số kỹ năng phòng tránh tai nạn bỏng, côn trùng đốt, ngã, đuối nước…”
Nên cho trẻ học bơi để trẻ về quê không sợ nước – ảnh minh họa từ Internet.
Theo nhà tư vấn tâm lý Trung Kiên, Trung tâm Tư vấn tâm lý đời sống – gia đình (Hà Nội), vì trẻ có thể chưa thích ứng ngay với cuộc sống ở quê nên cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý giúp trẻ hiểu cuộc sống ở quê ra sao, những khó khăn nào có thể gặp. Có điều kiện thì cho trẻ xem ảnh, phim để có hiểu biết thêm về những đồ vật, con vật hay gặp ở quê để bớt bỡ ngỡ, sợ hãi khi tiếp xúc.
Theo Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Lệ Hằng (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), trẻ về quê nghỉ hè được vui chơi và học cách yêu con người và môi trường, giúp trẻ rèn luyện sức khoẻ, khám phá cuộc sống, gần gũi và hiểu biết về giá trị thiên nhiên, đặc biệt là cội nguồn của gia đình.
Tác dụng hữu hiệu của về quê có thể cha mẹ chưa thấy ngay, nhưng lâu dài những bài học làm người sẽ hình thành trong trẻ bởi trẻ hiểu được giá trị thực sự của cuộc sống, cảm nhận được nắng gió, yên bình thôn quê… và tâm hồn trẻ sẽ hiền hoà, biết yêu thương hơn.
Trước khi cho trẻ về quê một thời gian, hãy dạy trẻ cách xử trí một số chuyện hay gặp như đau bụng, bị lạc, bị bỏng lửa, bị giẫm vào mảnh thủy tinh, bị rơi xuống nước, có người lạ rủ đi chơi, đứt tay, cách đi đứng khi ở gần đàn trâu, đàn bò… Cho người thân biết những thói quen ăn uống, vệ sinh cá nhân, ý thích… của trẻ. Đảm bảo cho trẻ làm gì ở quê cũng có người lớn trông chừng.
Cha mẹ nên nhắc người thân ở quê để mắt tới trẻ thường xuyên. Cha mẹ cũng nên kể cho trẻ biết chuyện quê hồi nhỏ của mình, những việc có thể diễn ra ở quê, cách ứng xử với chuyện bất ngờ, vui – buồn… để trẻ đối mặt với những ngày tự lập ở quê. Nên kể về những chuyện khiến trẻ háo hức khám phá ban đầu để trẻ yên tâm đón kỳ nghỉ hè tốt đẹp, an toàn ở quê.
Lưu ý :
-Gửi trẻ về quê cho người thân nên chọn người quan tâm tới trẻ, đã có thời gian gần gũi trẻ. Tốt nhất là nhà có anh chị em cùng trang lứa… để trẻ bớt xa lạ, bớt nhớ nhà và mau quen với môi trường mới.
-Nên có thời gian biểu sơ bộ, ghi chú và tô màu đẹp và cho trẻ tự bổ sung thêm vào. Khuyên trẻ mang theo sách vở để giữ thói quen học văn hóa 30 phút/ngày.
-Thường xuyên giữ liên lạc với trẻ, chia sẻ sự nhớ nhà để trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi, luôn hỏi con về những việc xảy ra quanh trẻ.
-Để vào ba lô của trẻ những đồ vật thân quen (như gối ôm, búp bê, cái cốc hay dùng, ô tô hay chơi, sách truyện, hộp tô màu vẽ… tạo cho trẻ cảm giác an tâm khi xa nhà.
-Bố mẹ có thể kín đáo bỏ món quà nhỏ, một tấm thiệp với vài dòng chữ chan chứa yêu thương để tạo bất ngờ và niềm thích thú cho trẻ.
Theo giadinh.net