Kinh tế Nga bắt đầu hồi sinh?


“Xứ sở bạch dương” đang tự điều chỉnh sau khi đà lao dốc của giá dầu và các lệnh cấm vận của phương Tây khiến đồng ruble rơi vào cuộc khủng hoảng tệ nhất kể từ năm 1998.

Trong 3 tháng đầu tiên của năm 2015, nền kinh tế Nga đã diễn biến tốt hơn so với dự báo của tất cả các chuyên gia phân tích. Đây là dấu hiệu cho thấy nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới sẽ trải qua thời kỳ suy thoái với mức độ nhẹ hơn so với 6 năm trước vì đồng ruble hồi phục và chính sách nới lỏng tiền tệ giúp đẩy tăng nhu cầu nội địa.

Theo báo cáo vừa được cơ quan thống kê Liên bang Nga công bố hôm nay (15/5), GDP quý I của nước này giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước sau khi tăng 0,4% trong 3 tháng trước đó.

Tuy nhiên, đây vẫn là mức tốt hơn so với con số suy giảm 2,6% được 24 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra. Trong khi đó Bộ Kinh tế Nga đưa ra dự báo kinh tế Nga sẽ suy giảm 2,2% trong quý I.

“Xứ sở bạch dương” đang tự điều chỉnh sau khi đà lao dốc của giá dầu và các lệnh cấm vận của phương Tây khiến đồng ruble rơi vào cuộc khủng hoảng tệ nhất kể từ năm 1998 – khi Liên Xô vỡ nợ. Giới chức Nga đã phản ứng bằng cách tung ra gói kích thích và 3 lần hạ lãi suất cơ bản.

Năm 2009, GDP của Nga sụt giảm tới 7,8% cũng do giá dầu lao dốc. Khi đó sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers đã khiến Nga rơi vào trạng thái cạn kiệt tín dụng tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái.

Trong khi kinh tế Nga đang dần ổn định trở lại, GDP của Ukraine suy giảm tới 17,6% trong quý I, qua đó đánh dấu quý giảm thứ 5 liên tiếp.

Sauk hi mất gần một nửa giá trị trong năm 2014, ruble hiện đã trở thành đồng tiền có diễn biến tốt nhất trên thế giới so với USD. Kể từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ của nước Nga đã tăng giá 22% so với đồng bạc xanh.

Trái phiếu Nga có mức lợi suất kể từ đầu năm đến nay lên tới 45%, cao nhất trong số 32 nước nằm trong chỉ số Bloomberg Emerging Market Local Sovereign Index gồm các thị trường mới nổi. Chỉ số RTS của TTCK Nga cũng tăng 36%.

Trong một dấu hiệu tích cực khác cho thấy có vẻ như Nga đã tránh được suy thoái, hôm 13/5 vừa qua NHTW Nga đã bán ra lượng lớn ruble lần đầu tiên kể từ tháng 6. Nga đang xây dựng lại kho dự trữ ngoại hối sau khi đã chi gần 90 tỷ USD trong năm ngoái để bảo vệ đồng nội tệ.

NHTW Nga đã chuyển sang chế độ nới lỏng chính sash tiền tệ sau 6 lần tăng lãi suất trong năm 2014, trong đó có lần tăng khẩn cấp lên 17% vào tháng 12 năm ngoái. Hiện lãi suất cơ bản của Nga ở mức 12,5% và được dự báo sẽ tiếp tục hạ vì nguy cơ lạm phát đã hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 16,9% trong tháng 3.

Mặc dù chính phủ Nga tỏ ra lạc quan hơn và đưa ra dự báo nền kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào quý IV năm nay, lực cầu tiêu dùng còn khá yếu và chưa đồng đều đang gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Các báo cáo tài chính cho thấy chỉ số lợi nhuận/cổ phiếu trung bình của các công ty Nga hiện ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009.

Theo Vladimir Miklashevsky, chiến lược gia đến từ ngân hàng Danske Bank, GDP sẽ giảm mạnh nhất vào quý II vì lúc đó chính sách tiền tệ bị thắt chặt mới phát huy tác động, khiến đầu tư cố định và tiêu dùng tư nhân xuống dưới mức âm.

Theo Tri thức trẻ


Các tin cùng chuyên mục