Ngoài thời lượng lê thê, phim truyền hình Ấn còn khiến bạn ‘dở khóc dở cười’ vì kiểu nhạc nền trầm trọng, cảnh quay chi tiết gương mặt…
1. Dài không có điểm dừng
Một đặc điểm “không lẫn vào đâu được” của phim truyền hình Ấn Độ là độ dài lê thê khiến người xem chỉ cần nghe số tập cũng đã phát choáng. Cô dâu 8 tuổi gần 2000 tập vẫn chưa có điểm dừng, Vợ tôi là cảnh sát sơ sơ 967 tập. Phim “ngắn” như Mối tình kỳ lạ cũng phải kéo đến 400 tập mới chịu dừng.
Việc làm phim trường kỳ năm này qua năm khác này khiến nhiều khán giả phải bỏ dở giữa chừng vì không thể theo dõi nổi. Những người trót nghiện đành bấm bụng mất 5,7 năm xem phim. Thậm chí, độ dài của các bộ phim còn khiến khán giả đua nhau đưa ra những bình luận hài hước như: “Xem mấy tập đầu tìm luôn tập cuối coi vẫn hiểu” hay “Cụ bà hàng xóm đã 80 tuổi, không biết có chờ được tập cuối hay không”…
2. Tình tiết quá chậm
Để phim được kéo dài như vậy, các nhà làm phim đều phải cho các tình tiết trong phim trở nên rất chậm. Ví dụ như cảnh từ khi chết đến lúc chôn cũng mất 7 tập trong phim Cô dâu 8 tuổi. Anh chàng Sooraj phim Vợ tôi là cảnh sát thì trải qua hơn chục tập phim để tham gia cuộc thi đầu bếp thế giới, trong khi đó cô vợ Sandhya thì mãi vẫn chưa thành cảnh sát dù đã chiếu đến hơn 200 tập.
Nhiều khán giả không biết nên khóc hay cười khi chỉ một cảnh gặp nhau, nói được vài câu, các diễn viên cũng đã tốn đến gần một tập phim. Nhiều người bỏ cả tháng sau mới xem tiếp phim mà vẫn hiểu câu chuyện như thường.
3. Nhạc nền trầm trọng
Điểm đặc sắc nhất trong các phim truyền hình Ấn Độ là phần nhạc nền rất trầm trọng. Bất cứ lúc nào, các diễn viên cũng có thể biểu cảm như đang gặp “sét đánh” kèm theo nhạc nền dội ầm ầm dù chỉ với lý do là… hết vé đi xem phim. Nhạc nền ề à lặp lại liên tiếp trong mỗi tập dù tình tiết rất giản đơn, không có gì nguy hiểm cũng khiến nhiều khán giả chỉ biết cười mếu.
4. Quay cận mặt từng nhân vật
Chắc có lẽ không diễn viên nước nào sướng như Ấn Độ. Dù là vai phụ đến mấy, bạn cũng yên tâm là có thể xuất hiện tằng tằng trong phim, quay cận mặt đến vài phút cho mỗi phân cảnh rất nhỏ. Mỗi câu nói được phát ra sẽ kèm theo việc đặc tả biểu cảm của từng người nghe. Việc này lặp lại cho đến khi câu chuyện được giải quyết hết (có thể là trong vòng khoảng 2,3 tập).
Cách quay này tạo cảm giác không khác gì phim slow motion, thừa thãi gây chán nản cho người xem.
5. Khóc lóc quá nhiều
Bất cứ lúc nào mở Cô dâu 8 tuổi lên, khán giả cũng thấy các nhân vật trong đó đang đổ nước mắt. Lý do vì sao thì đôi khi đến tận… tập sau người xem mới biết. Việc khóc lóc nhiều, không cần thiết khiến các bộ phim trở nên quá u ám, bi kịch, đặc biệt tạo cảm giác ức chế cho các khán giả trẻ vốn mê phim hài tươi sáng.
6. Phụ nữ quá bị xem thường
Phản ánh đúng thực trạng xã hội Ấn Độ, nhân vật người phụ nữ trong phim Ấn hoàn toàn không có địa vị. Cô dâu 8 tuổi luôn bị đối xử hà khắc vì nghèo khổ, trong khi đó Sandhya phim Vợ tôi là cảnh sát lại chịu sự đay nghiến từ mẹ chồng dù so với anh chồng, cô nàng hơn hẳn mọi mặt về tri thức. Người phụ nữ trong phim Ấn luôn phải loay hoay để khẳng định mình, nhiều cô gái còn ngu ngơ đến mức không biết máy hút bụi là gì, tưởng rượu là nước trái cây…
Xem những chi tiết này, khán giả vừa thấy hài hước đến khó tin, lại vừa cảm thông cho số phận của họ.
Theo dan.yan.vn/Lifestyle