Truyền thông cho đầu tư mạo hiểm – Làm sao cho đúng?


Chiều ngày 08/04, nền tảng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đầu tư Wiziin kết hợp cùng Tập đoàn truyền thông quốc tế PR Newswire tổ chức diễn đàn “Truyền thông cho đầu tư mạo hiểm – Làm sao cho đúng?”. Nhân dịp này, hai bên cũng thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, hướng đến đồng hành cùng nhau trong nhiều sự kiện trực tuyến & ngoại tuyến khác, xoay quanh các chủ đề hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông & đầu tư mạo hiểm.

Chương trình thu hút hơn 60 người tham dự là các nhà khởi nghiệp, quỹ đầu tư và đại diện của các đơn vị truyền thông báo chí cùng bóc tách những vấn đề của truyền thông đầu tư mạo hiểm nói riêng và khởi nghiệp nói chung, từ đó tìm ra những cách thức thực hành truyền thông, từ góc nhìn người trong cuộc.

 Truyền thông cho đầu tư mạo hiểm   Làm sao cho đúng?

Khác với công ty đại chúng, thông tin về startup vốn rất mù mờ. Để nhà đầu tư có thể biết – hiểu – tin một startup mới là một câu hỏi lớn. Lúc này truyền thông phát huy vai trò hỗ trợ đắc lực nhằm tạo niềm tin và giá trị tham khảo cho các bên quan tâm. Tuy nhiên đâu là điểm cân bằng trong truyền thông để thật sự tạo được bệ phóng phù hợp cho startup để tránh khỏi cái bẫy “quá liều”, bị sao lãng và quên đi startup cần gì thông qua truyền thông?

Khi nào công ty khởi nghiệp đạt độ chín để chạm đến truyền thông?

Ông Đặng Lê Huy, Sáng lập & CEO của Riviu nhận định “Startup không có 1 thời điểm chín mùi nhất định để tiếp cận với truyền thông. Đối với startup, việc sống còn là quan trọng nhất. Vì vậy, họ phải liên tục xuất hiện trên truyền thông để truyền tải về hành trình, giá trị cốt lõi của công ty mình để bảo đảm công ty không bị phai nhạt trong mắt người dùng, nhà đầu tư tiềm năng”.

Song song đó, ở một góc nhìn khác, Bà Valerie Vân Vũ – Associate Venturra Discovery cho rằng “Đồng ý rằng, startup là cuộc chơi sinh tồn, rất khó để nói đâu là thời điểm chín muồi, nhưng nếu truyền thông quá sớm là một con dao hai lưỡi, người khác có thể “copy” ý tưởng của bạn bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là startup cần biết rõ mục đích rõ ràng cho mình trước. Đặc biệt với các startup B2B, bạn nên có ít nhất 3-5 khách hàng và có câu chuyện rõ ràng về tầm nhìn, sứ mệnh của mình thì hãy bắt tay vào truyền thông. Khi chưa có thị trường sản phẩm phù hợp thì không nên tốn công quảng bá. Ngoài ra, truyền thông quá đà ở giai đoạn tăng trưởng lại góp phần kiềm hãm sự phát triển của sản phẩm do công ty chỉ tập trung vào việc quảng bá mà quên mất sản phẩm mới là giá trị cốt lõi.”

Xu hướng “Tự chủ truyền thông”của startup

Với cuộc cách mạng kỹ thuật số trong kinh doanh và sự bùng nổ của các nguồn tin tức trực tuyến, xu hướng “tự chủ truyền thông” thay vì hợp tác với với các phóng viên hay các hãng tin theo kiểu truyền thống trở nên nở rộ, ông Ngô Mạnh Cường, Tổng giám đốc FPT Online, Trưởng BTC chương trình Startup Việt, Báo điện tử VN Express khẳng định “Bản thân startup cần trả lời được câu hỏi, cuối cùng các công cụ truyền thông của mình có tính hiệu quả như thế nào? Có giúp được họ bán hàng, thu hút nhà đầu tư, đưa sản phẩm đến được với công chúng hay không? Chúng ta cần một sự kết hợp giữa các kênh truyền thông in-house và các kênh chính thống. Việc tự chủ truyền thông sẽ tốt khi các bạn có những bước đi hợp lý, bài bản kết hợp cùng sức mạnh của media, đặc biệt là media chính thống, và đã được kiểm chứng. Nhà đầu tư sẽ không thể chỉ dựa vào các kênh truyền thông của riêng startup, mà phải dựa trên sự đánh giá của cả hệ thống: media, hub khởi nghiệp, khách hàng, đối tác hay trong mắt các nhà đầu tư khác” 

Truyền thông khởi nghiệp theo các giai đoạn gọi vốn

Truyền thông cho khởi nghiệp song hành với các vòng gọi vốn có thể chia làm 03 giai đoạn: thời điểm ngay sau khi gọi vốn thành công, quá trình đồng hành cùng VC/Nhà đầu tư và chuẩn bị cho exit. 

“Đối với startup, trong giai đoạn bắt đầu xây dựng sản phẩm và MVP (minimum viable product) là giai đoạn cực kỳ then chốt. Truyền thông trong giai đoạn này cần hướng đến cộng đồng trực tiếp hỗ trợ phát triển sản phẩm đó, chính là chuyên gia, mentor, những người có thể giúp cho sản phẩm được thành hình.

Đến khi có khách hàng và “traction” nhất định, startup bắt đầu gọi vốn thì cũng dần tiến đến truyền thông chính thống nhằm tăng nhận diện, tạo độ phủ, gây ấn tượng với nhà đầu tư. 

Sau khi gọi được vốn, việc duy trì mối quan hệ với truyền thông sẽ theo các vòng lặp để đến giai đoạn thoái vốn, mà thông thường con đường thoái vốn được kỳ vọng nhiều nhất là IPO. Truyền thông ở giai đoạn này là thời điểm nguy hiểm và nhạy cảm nhất của startup. Khi một startup lên sàn, ngoài việc quảng bá giữa các nhà đầu tư, startup còn phải tiến hành “mass media” để đẩy định giá lên cao nhất. Một scandal nhỏ có thể huỷ cả việc lên sàn và khiến startup rơi vào khủng hoảng như những ví dụ  lớn của Wework  và Alibaba” – Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Sáng lập & CEO của Wiziin chia sẻ.

Khởi nghiệp là vừa học vừa làm, nhưng với việc làm truyền thông, nếu được dẫn dắt, các nhà sáng lập sẽ bớt được một phần gánh nặng, để tập trung xây dựng sản phẩm. Sau “Building a strong media for Startup Venture” (Truyền thông cho đầu tư mạo hiểm, làm sao cho đúng?), Wiziin và PR Newswire mong muốn cùng nhau tạo thêm nhiều diễn đàn trao đổi, đem tới thông tin tham khảo có giá trị thực tiễn cho cả những cá nhân lẫn tập thể làm truyền thông của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp non trẻ.

LC/Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục