Không nhiều lời, không cảnh nóng nhưng khán giả sẽ tự cảm nhận được mối tình da diết giữa hai nhân vật chính trong phim.
Cách đây khoảng 15 năm, một bộ phim điện ảnh của Hồng Kông xuất hiện ở Liên hoan phim Cannes 2000 đã thu hút được sự chú ý của giới chuyên môn lẫn những người yêu điện ảnh. Đó chính là bộ phim Tâm trạng khi yêu (tên tiếng Anh In the Mood for Love) của đạo diễn Vương Gia Vệ với bộ đôi diễn viên chính nổi tiếng châu Á Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc.
Bộ phim tình cảm lãng mạn hoàn toàn khác biệt
Tâm trạng khi yêu có bối cảnh là thành phố Hồng Kông năm 1962. Câu chuyện của phim xoay quanh hai cặp vợ chồng hàng xóm cùng mới dọn đến cư ngụ tại một khu tập thể Nếu như Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc), thư ký của một công ty hàng hải, có người chồng thường xuyên đi công tác xa thì Châu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ), phóng viên, lại có vợ cũng thường xuyên vắng nhà. Tình cờ, Lệ Trân và Mộ Văn phát hiện ra mình bị những người bạn đời phản bội. Nỗi đau về tình cảm, sự cô quạnh trong cuộc sống thường ngày và những điểm tương đồng đã đưa hai người đến gần với nhau. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy”, cuối cùng, chính Lệ Trân và Mộ Văn cũng không tránh khỏi phát sinh tình cảm với nhau mà dù rất cố gắng cũng không thể cưỡng lại.
Câu chuyện của Tâm trạng khi yêu không có nhiều sự khác biệt khi so với những bộ phim tình cảm thường thấy, nhưng điều tạo nên sự độc đáo của bộ phim là cách thể hiện tình yêu giữa hai nhân vật chính được tiết chế tối đa.
Không cần đến những cảnh ái ân nóng bỏng, mối tình giữa Tô Lệ Trân và Châu Mộ Văn diễn ra lặng lẽ mà nồng nàn nhưng không vượt quá giới hạn. Tình yêu giữa hai người trong phim là một mối tình đậm chất Á Đông hiếm khi được thể hiện một cách hoàn hảo trên màn ảnh rộng.
Tuyệt tác từ bàn tay đạo diễn tài năng
Người tạo nên sự khác biệt trong câu chuyện tình yêu của Tâm trạng khi yêu không ai khác mà chính là đạo diễn Vương Gia Vệ. Ông dàn dựng lên những yếu tố dẫn đến việc xảy ra tình yêu giữa Tô Lệ Trân và Châu Mộ Văn nhưng không chốt hạ mà để lửng lơ để kích thích khán giả. Vị đạo diễn lừng danh tiết lộ rằng ông ghét các câu chuyện tình yêu vì chúng quá hoàn hảo.
Trong khoảng một giờ đầu của Tâm trạng khi yêu, đạo diễn để khán giả cảm nhận sự bức bối của các nhân vật chính khi họ phát hiện ra mình bị người chung chăn gối phản bội. Sau đó, Vương Gia Vệ để khán giả cảm nhận chuyện tình cảm giữa Tô Lệ Trân và Châu Mộ Văn với những hình ảnh đầy ẩn ý.
Đó là những khoảnh khắc thoáng qua khi bàn tay của Lệ Trân lướt qua ve áo khoác của Mộ Văn hay cách mà anh chạm một cách nhẹ nhàng, thoảng qua trên tay cô. Thế nhưng mối quan hệ này của họ đến đâu? Đạo diễn để khán giả tự quyết định điều này. Vương Gia Vệ cho biết ông cũng đã thực hiện một cảnh quay ân ái giữa Lệ Trân và Mộ Văn nhưng rồi đã quyết định bỏ nó đi không đưa vào phim. Và đó chính là điều tạo nên dấu ấn lớn của vị đạo diễn tài năng với khán giả.
Sự tinh tế trau chuốt từng khung hình
Một trong những dấu ấn lớn khác khiến người xem nhớ mãi về Tâm trạng khi yêu là nghệ thuật sử dụng máy quay, cách chọn góc máy để đem đến những hình ảnh lung linh và diễn đạt hoàn hảo tâm trạng của nhân vật trong phim. Chẳng hạn như cách đạo diễn Vương Gia Vệ quyết định sử dụng máy quay gần sát các diễn viên để diễn tả về cuộc sống chật chội của những người giai cấp trung lưu, gần đến mức người xem như có thể cảm nhận được cả thân nhiệt và những nỗi đau của nhân vật.
Góp sức cho Vương Gia Vệ là nhà quay phim lừng danh Chris Doyle, người đã từng hợp tác nhiều lần và rất hiểu ý vị đạo diễn. Chris Doyle đem đến cho Tâm trạng khi yêu rất nhiều sự sáng tạo trong cách lựa chọn góc máy quay. Chuyện tình ngang trái giữa Lệ Trân và Mộ Văn càng thêm kỳ bí khi khán giả xem phim hiếm khi được nhìn trực diện nhân vật. Hình dáng của các nhân vật này thường xuất hiện phản chiếu trong tấm gương được sắp đặt hoàn hảo, thấp thoáng ẩn hiện trong làn khói thuốc… Tất cả đều hài hòa đề tạo nên một sự mơ hồ về tình cảm giữa các nhân vật, đú như ý đồ của đạo diễn mong muốn.
Cặp đôi diễn viên tài ba
Cuối cùng, góp phần tạo nên bức tranh hoàn mỹ của Tâm trạng khi yêu chính diễn xuất của Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc. Với một bộ phim có ít lời thoại như Tâm trạng khi yêu, các diễn viên phải nỗ lực gấp bội để có thể lay động được khán giả. Đôi mắt biết nói của Lương Triều Vỹ đã thực sự thôi miên và hút hồn khán giả. Khó ai có thể quên được nỗi buồn da diết trong tỏa ra từ mắt Mộ Văn dù về trên môi anh luôn nở nụ cười.
Không hề thua kém bạn diễn, Trương Mạn Ngọc cũng thể hiện hoàn hảo tâm trạng giằng xé của Lệ Trân qua những động tác thật nhỏ của đôi tay, dáng ngồi… dù vẻ ngoài luôn bình thản. Chính diễn xuất tuyệt vời này đã đem về cho cho Lương Triều Vỹ giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Cannes và cho Trương Mạn Ngọc giải Nữ diễn viên chính xuất sắc ở giải Kim Tượng.
Hòa cùng tổng thể đó là phần thiết kế sản xuất với những bộ trang phục tuyệt mỹ cùng cách chọn nhạc xuất sắc của đạo diễn Vương Gia Vệ. Khó ai có thể quên được cảnh Lệ Trân đi mua thức ăn và chạm mặt Mộ Văn trong hẻm với tiếng réo rắt của đàn dây thể hiện bản nhạc trích từ vở opera Yumeji của nhạc sĩ Shigeru Umebayashi đầy da diết.
Các diễn viên ngày ấy & bây giờ
Trong sự nghiệp của mình, nữ diễn viên Hồng Kông đã đóng hơn 70 bộ phim kể từ khi vào nghề năm 1983. Tuy nhiên, cô cho biết Tâm trạng khi yêu vẫn là một trong bốn bộ phim có ý nghĩa nhất với mình. Sau khi đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 57 với phim Clean (2004), Trương Mạn Ngọc hầu như quay lưng với sự nghiệp diễn xuất và chuyển hướng đam mê sang âm nhạc và hội họa.
Nam diễn viên được xem là một trong những gương mặt xuất chúng nhất của điện ảnh Hồng Kông cũng vào nghề từ đầu thập niên 1980. Một số nhà phê bình thậm chí còn gọi anh là Clark Gable của châu Á. Đến nay, cái tên Lương Triều Vỹ vẫn là một thương hiệu bảo chứng cho các bộ phim anh tham gia. Lần gần nhất anh xuất hiện trên màn ảnh rộng Việt Nam là vai Diệp Vấn trong Nhất đại tông sư (2013).
Theo Zing