NSƯT Trịnh Kim Chi hiện đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, bà bầu sân khấu kịch quận 6. Mới đây nữ nghệ sĩ vận động đồng nghiệp thân thiết và tiến hành cải tạo chùa Nghệ sĩ với kinh phí hơn 200 triệu đồng.
Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự) nằm ở địa chỉ 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp. Theo một số tư liệu, năm 1958, nghệ sĩ Phùng Há được Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế tài trợ mua đất làm nơi yên nghỉ cho nghệ sĩ cải lương. Sau khi bà Phùng Há mua mảnh đất 6.080 m2, gần 10 năm, chùa chưa được xây vì thiếu kinh phí.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi – Phó chủ tịch Hội sân khấu TP HCM cho biết Hội vừa hoàn thành cải tạo một số hạng mục. Vài chục năm qua, chùa không được tu sửa nên xuống cấp nhiều nơi. Công trình bị hư phần mái, nước mưa thấm vào nên tường mục, bong tróc nhiều mảng. Nhà vệ sinh bị hỏng, khuôn viên một số nơi không gọn gàng, nhiều cây cột bị bung. Chị quyết định cho sơn sửa lại tường và cột khu vực chánh điện, các chùa nhỏ ở sân sau, cổng chào, tường rào. Đường đi trong chùa cũng được lát gạch, cắt tỉa cây xanh.
“Việc tu sửa nhằm nâng cấp, cải tạo những hạng mục đã xuống cấp cũng như sơn mới để chùa khang trang hơn, nhưng trên tinh thần phải giữ nguyên diện mạo của chùa”, Trịnh Kim Chi cho hay.
Bà bầu sân khấu kịch cho biết cô còn cải tạo lại khu vực sân khấu để thỉnh thoảng các đoàn về biểu diễn hoặc làm lễ giỗ Tổ… Ngoài ra, Trịnh Kim Chi cho làm thêm một nhà quàn trong khuôn viên chùa từ gian phòng trống. Diễn viên Mẹ ghẻ mong muốn chùa có nơi tổ chức đám tang miễn phí cho những nghệ sĩ nghèo, khi gia đình không đủ khả năng thuê nhà quàn.
Ngoài quỹ chùa, kinh phí còn do nhiều mạnh thường quân huy động, như gia đình Trịnh Kim Chi, Lý Hùng, Lý Hương, Đại Nghĩa, Hòa Hiệp, Bá Thắng, gia đình nghệ sĩ Kiều Tiên… Ban đầu, kinh phí dự tính lên đến 300 triệu đồng, song nhiều bên tình nguyện góp công, như gia đình cố nghệ sĩ Minh Phụng phụ sơn một khoảng tường, một số người vẽ lại các cột trong chùa miễn phí.
Trịnh Kim Chi cho biết cải tạo chùa là tâm nguyện đã lâu của chị. Thường đến chùa thắp hương, viếng mộ nghệ sĩ, chị muốn không gian nơi đây thêm thoáng đãng hơn, nhưng nhiều năm qua chưa đủ điều kiện tu sửa. Sang năm mới, đại diện Hội dự định sửa thêm những hạng mục đã xuống cấp, với tinh thần vẫn giữ diện mạo cho chùa. Đơn vị chuẩn bị trao 250 phần quà Tết cho chùa và viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8).
Hơn nửa thế kỷ, đây là nơi an nghỉ của nhiều tên tuổi nổi tiếng như soạn giả cải lương Hà Triều – Hoa Phượng, Thu An, nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn,Thanh Nga, Hoàng Giang, Trường Xuân, Bảy Cao, Minh Phụng, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, Lê Công Tuấn Anh… Tính đến năm 2008, khuôn viên nghĩa trang của chùa có 600 ngôi mộ, hơn 500 lọ cốt.
Lịch sử của chùa Nghệ sĩ được tính từ năm 1958, khi nghệ sĩ cải lương Phùng Há vận động Hội Ái hữu nghệ sĩ mua mảnh đất lớn tại quận Gò Vấp (TP.HCM) để làm nơi chôn cất cho các nghệ sĩ sau khi qua đời. Do kinh phí hạn hẹp, đất bị bỏ không gần 10 năm. Trong thời gian đó, ông bầu Năm Công xin được dựng am trên đất để tu hành. Năm 1970, ông bầu của gánh hát Dạ Lý Hương bỏ ra 100 cây vàng mua lại am thờ và xây dựng thành ngôi chùa.
Linh Nhi/Lifestyle