Ngoài đời, bạn phải nói chuyện với mọi người, gặp mặt trực tiếp để duy trì mối quan hệ, nhưng trên internet thì không. Chi phí để duy trì mối quan hệ online rất rẻ. Và vì thế người ta cũng dễ dàng add friend (kết bạn) lẫn unfriend (huỷ kết bạn) với nhau chỉ trong vài giờ.
Ngày… tháng… năm…
Một buổi sáng điện thoại tít tít ríu rít, lộc cộc “bò” lên facebook theo đường 3G. Vừa mở cửa nhà ra, bão rác… tag tràn vào: quần lót siêu giảm giá, thuốc tăng cường sinh lý, thẩm mỹ hồng nhũ hoa… Toá hoả tam tinh, 3G cũng quay lòng vòng, mạng giật mình rớt cái… ịch. “Nhặt” được mạng lên, não cũng điên tiết. Thế là một list friend lập tức bị unfriend.
Ngày… tháng… năm…
Một buổi trưa nóng nực, điện thoại im lìm, lọ mọ vào facebook xem tình hình thời sự. Cửa nhà sạch sẽ thanh bình, đột nhiên giật bắn người với hàng loạt comment gây bão trên… my photo: “hình xấu quắc”, “mũi lùn quá”, “giày thấy ghê”… Tay liên tục bấm delete mà tim bủn rủn. Vào tận nhà kẻ quá… thật thà, định ném đá tảng, nghĩ lại thấy sợ mất like của những friend khác, đành làm hoa hậu thân thiện, chỉ âm thầm nhấn nút unfriend.
Ngày… tháng… năm…
Một buổi chiều tím cả hoàng hôn, dòng nhạc bolero da diết, quán cà phê vắng buồn bã. Bàn bên một nam sinh thất tình, loay hoay lau nước… café đổ, tiếng thở dài như… tiếng loa. Lướt tin tức, tít báo còn dài hơn tiếng thở dài của nam sinh: nữ sinh giận gia đình ngăn cấm chuyện tình yêu nhảy cầu tự tự may chỉ suýt chết; chồng giận vợ đi đêm không về tưới xăng đốt nhà nhưng quẹt hết ga. Mệt muốn tắt hơi, tìm vui, lấp ló mở cửa facebook đi dạo. Friend giăng liên tục một loạt status độc chiếm bảng tin. Status một: “Trời ơi, buồn quá, chỉ muốn chết”; 3 phút sau, status hai: “Sao mình bạc phận vậy!”; 59 giây tiếp theo, status ba: “Đứa nào online, không vào an ủi, tao block”. Out khỏi nick, mồ hôi đầm đìa. Tối về, sợ hãi like status friend lần cuối, rồi lén lút unfriend.
Ngày… tháng… năm…
Một buổi tối cúp điện, muỗi bay vo ve ngoài mùng, điện thoại sáng choang đăng nhập facebook. Mấy đứa bạn thân đang sáng nick, hotgirl đồng nghiệp thì chưa out. Hi… Alo… 222… đủ kiểu bay vào tới tấp. Đành ẩn nick, để tập trung chuyên môn chat với friend cần chat. Các icon cười toét miệng, môi hôn quăng tứ tung. Mấy hôm sau, friend hotgirl gửi nhiều icon môi hôn nhất trong số friend từ trước đến nay, hí hửng giăng những status mà ai cũng biết là đang nói xấu ai. Những đoạn chat nhiều chuyện đêm khuya, được ngàn mặt một lời, đăng trên facebook. Thập thò vào facebook của các đồng nghiệp, bùi ngùi thấy mình hình như đã bị unfriend.
Ngày… tháng… năm…
Một ngày ế, điện thoại không cuộc gọi nhỡ, không tin nhắn. Vào facebook bạn thân, thấy status lịch sự: “List friend full, xin phép unfriend một số friend đã kết bạn, nhưng không bao giờ tương tác”. Giật mình kiểm điểm, hình như lâu lắm rồi không gặp, và cũng lâu quá rồi vì… thân quá không thèm chat hỏi thăm. Hấp tấp bật nick sáng choang, chủ động nhào vào: “Ê, mày khoẻ không?”. Bạn đáp lại bằng icon cười lém lỉnh: “Trễ chút nữa là tao unfriend mày!”. Tự vấn bản thân, từ ngày chơi facebook, không biết mình bị unfriend như vầy bao nhiêu lần? Tự dưng thấy chạnh lòng.
Chiều nay, hì hục quan tâm hỏi thăm những friend thân thiết. Bạn tốt cũng giống như tài khoản trong ngân hàng. Càng lâu bị unfriend thì càng tăng giá trị vậy!
Chuyện thật về “unfriend”
Năm 2009, từ điển New Oxford American đã bình chọn “unfriend” là “Từ của năm”
Năm 2010, trên chương trình “Jimmy Kimmel live” – một talk show trên đài ABC (Mỹ), người dẫn chương trình Kimmel đã kêu gọi lấy ngày 17 tháng 11 hàng năm là ngày “Unfriend” mang quy mô quốc gia, nhằm nhắc nhở mọi người hãy rời xa một chút những mối quan hệ trên mạng xã hội để tập trung vào các mối quan hệ trong đời sống thực của họ.
Tháng 11/2011, chuyện phóng hoả điên rồ vì nút unfriend đã khiến cộng đồng mạng giật mình. Jennifer Christine Harris, 30 tuổi ở Iowa, Mỹ, đã bị bắt vì hành vi phóng hoá đốt nhà Nikki Rasmussen – người bạn thân của mình. Nguyên nhân chỉ vì Nikki Rasmussen đã lên facebook unfriend Jennifer Christine Harris sau khi hai người bất đồng ý kiến về chuyện tổ chức sinh nhật.
Năm 2012, thủ tướng Hungary Viktor Orban vốn từ lâu đã có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Bởi vậy, ông đã sử dụng Facebook để “hủy kết bạn” với tổ chức này cũng như từ chối mọi điều kiện cho vay của IMF phục vụ cho việc tháo gỡ khó khăn quốc gia.
Năm 2014, tiến sĩ Christopher Sibona, tác giả nhóm nghiên cứu tại Đại học Kinh doanh Colorado Denver, đã đăng tải kết quả nghiên cứu về việc unfriend trên Hội nghị Quốc tế Hawaii về khoa học. Theo kết quả nghiên cứu, 40% số người sẽ tránh mặt người đã unfriend họ trên Facebook.Trong đó, phụ nữ thường cố tình tránh mặt người hủy kết bạn hơn nam giới.
Theo Lifestyle