Khi đàn ông “tay hòm chìa khoá”


Khi đàn ông “tay hòm chìa khoá”, phần lớn phụ nữ quy chụp họ… đàn bà. Dù rằng 100% đàn bà hiểu rằng: không phải phụ nữ nào cũng được thiên bẩm khả năng “tay hòm chìa khoá”.

chong dai gia 21 Khi đàn ông “tay hòm chìa khoá”

Chuyện thứ 1: Thời cấp 3, lớp tôi là lớp chuyên văn, với tỉ số áp đảo 25 nữ sinh trên 1 nam sinh. Các thầy cô ngoài dạy chữ nghĩa còn thường nhắc nhở đám con gái chuyện làm mẹ, làm vợ thế nào. Ấn tượng nhất là cô phụ trách môn giáo dục công dân. Tiết học nào cô cũng bắt chúng tôi nhắc đi nhắc lại cái câu: “Kinh tế là cơ sở hạ tầng, quyết định kiến trúc thượng tầng”. Cô bảo nắm kinh tế gia đình là việc làm rất quan trọng. Cả đám con gái nghe đi nghe lại đến ám ảnh. Đến nỗi mãi khi ra trường, “thành gia lập thất” xong, ai nấy cũng giành làm “thần giữ của”, kể cả anh nam sinh duy nhất ấy. Ngày họp lớp, mọi người cười oà khi nghe chàng trai duy nhất lớp văn lấy vợ về lại giành cái thiên chức “tay hòm chìa khoá” của phụ nữ. Mãi đến khi anh chàng tâm sự mọi người mới thấm thía “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

Chuyện là ngày thành gia lập thất, chàng cũng bao gã đàn ông ăn to nói lớn, thích làm chuyện trọng đại, to tát với đời, nên sẵn sàng “vứt” ngay cái “tay hòm” cho vợ. Nghĩ rằng “cơ sở hạ tầng” của gia đình sẽ được vợ xây đắp, củng cố vững chắc, để “kiến trúc thượng tầng” của gia đình trẻ thật lung linh. Nào ngờ vợ chàng lại là một tay “đầu tư” bừa bãi. Việc làm đầu tiên sau đám cưới là nàng lập tức… shopping ngay một đôi bông tai kim cương mà nàng ao ước bấy lâu bằng tiền mừng của hai họ. Chàng thương vợ xưa giờ chưa sở hữu số tiền lớn, cảm thông cho qua. Lần hai, lần ba, rồi lần thứ n, nàng thoả tay vung mua sắm đủ thứ từ tiền lương hai vợ chồng. Nàng muốn chàng lẫn nàng và cả gia đình hai bên được nếm tất cả “ẩm thực nhân gian”, “bát trân kỳ bảo”. Nàng vung tiền không tiếc với danh nghĩa vì chồng, vì gia đình chồng, vì gia đình mình. Những món quà xa xỉ ấy làm gia đình hai bên rất vui, chàng cũng được mở mang tầm mắt. Chàng cũng thoáng lo sợ, nhưng sĩ diện đàn ông to hơn, sợ mang tiếng “đo lọ tương muối, đếm củ dưa hành” nên “nhắm mắt nhắm mũi” cho qua. Thình lình, chàng bỗng nhập viện “mổ ruột thừa”, nàng cuống cuồng lên vay vay mượn mượn, bởi “thu tiền tháng nào, xào hết tháng ấy”. Kết quả, sau lần nhập viện, hai vợ chồng vướng số nợ. Vậy mà vợ chàng vẫn chứng nào tật ấy, dù chàng khuyên can đủ điều. Nàng giải thích “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Sợ “cơ sở hạ tầng” không vững sẽ khiến “kiến trúc thượng tầng” lung lay, chàng quyết định giành lại quyền “tay hòm chìa khoá”. Nàng lúc đầu hơi khó chịu, nhưng sau đó thấy mọi việc gia đình đâu vào đấy, lại còn có “của ăn của để”, riêng nàng cũng rảnh rang, đỡ trách nhiệm hơn, nên từ miễn cưỡng trở nên vui vẻ “tâm phục khẩu phục”. Nhờ vậy, theo lời chàng, hai vợ chồng mới sống được với nhau đến tận bây giờ.

Chuyện thứ 2: Tôi còn nhớ, ngày còn bé, mỗi lần xem vở cải lương “đời cô lựu”, đến cái phân đoạn cô Lựu bật khóc vì không biết kiếm đâu ra một đồng cho cậu con trai bao năm thất lạc, là cả nhà lại tặc lưỡi, thở dài, thương cảm. Cái chức danh bà hội đồng quyền quý chỉ là “hữu danh vô thật”, khi cả tiền chợ mỗi ngày cũng bị người chồng quyền chức – Hội đồng Thăng – chi li từng cắc một. Cả bà lẫn mẹ, ai cũng khóc hết nước mắt thương cảm cho cô Lựu, trách hội đồng Thăng độc ác cướp vợ người, nhưng tuyệt đối không ai nhận xét ông thật… đàn bà, dù ông nắm “tay hòm chìa khoá” của gia đình, dù ông rất chi ly “tương cà mắm muối”.

Nhắc lại chuyện… cô Lựu, để bàn chuyện các “hội đồng Thăng” đời nay. Không phân tích những góc độ chính trị xã hội hay hiện thực phê phán gì gì đó, chỉ nhìn nhận về góc độ vợ chồng, thì một người đàn ông “tiền dư bạc để” thật sự đáng thương hại khi phải “cò kè bớt một thêm hai” từng cắc tiền chợ với người đàn bà mình hết mực yêu thương. Bởi suy cho cùng đàn ông ai chẳng muốn hào phóng với người đàn bà của mình, ai chẳng muốn hình tượng mình thật toả sáng trong mắt vợ. Hội đồng Thăng không phải là người đàn ông tính toán kiểu đàn bà, chỉ đơn thuần ông là người chồng không hạnh phúc và không cảm thấy tin tưởng vào sự thuỷ chung của người vợ được… cướp về.

Vậy nên, nếu tình cờ, bạn nghe một cô gái lấy chồng giàu sang, than phiền về ông chồng giấu giếm hết của cải, khoan hãy quy chụp vội tính đàn bà cho anh chồng, mà hãy khuyên cô gái ấy, nếu yêu chồng thật lòng và đủ bản lĩnh “tay hòm chìa khoá”, hãy chân thành chứng minh.

Chuyện thứ 3: Cách đây không lâu, tôi có tham dự một hội thảo về quyền bình đẳng nam nữ ngày nay. Một anh thanh niên khá đẹp trai đã hiên ngang, giơ cao tay, giành quyền phát biểu rằng: “Đàn ông thật sự bị đối xứ bất bình đẳng trong xã hội ngày nay”. Cả hội trường cười ồ lên. Anh vẫn hiên ngang phân tích: rằng, anh luôn phải làm tất cả những việc nặng nhọc trong nhà, lại phải giúp cả những việc “nhẹ hều” của vợ; rằng, anh phải cày cuốc như… trâu bò ngoài xã hội, kiếm thật nhiều tiền về giao vợ, để đến khi cần tiền đi giao tiếp với bạn bè, phải năn nỉ, phải trình bày, thiếu điều… quỳ lạy van xin vợ “rót vốn” cho. Cả hội trường phân làm hai trường phái, có người bảo anh thật không phải là phái mạnh khi ganh tị, tính toán với đàn bà như vậy, có người đồng cảm với anh và khuyên anh nên giành “tay hòm chìa khoá” hoặc lập “quỹ đen”, vì suy cho cùng người nắm quyền kinh tế mới là người quyết định gia đình.

Chốt lại cuộc tranh luận, vị chủ toạ hội thảo, đã gửi gắm lời nhắn nhủ rằng: bình đẳng nam nữ còn thể hiện ngay cả việc nắm “tay hòm chìa khoá” trong gia đình. “Tay hòm chìa khoá” không phải đặc quyền của đàn ông hay đàn bà, mà là ở người có đủ khả năng gánh trách nhiệm ấy. Dù vợ hay chồng nắm giữ cái “quyền lực” này, cũng cần sự tôn trọng người còn lại. Đó mới là chìa khoá cho hạnh phúc gia đình.

D.B.T

 


Các tin cùng chuyên mục