Dân dã lắm môn ngọt xào tép riu


Trước kia khi mà những tòa nhà cao tầng chưa thay thế lấp đi những ao những hồ, kênh, mương quanh đồng ruộng thì mỗi khi rảnh dỗi chỉ cần mang rổ ra ao, mương chao chao vớt vớt một hồi là đã có thể mang về những chú tép riu nho nhỏ rồi lại cũng ngay dọc những bờ ao bạn cũng có thể kiếm được những cọng rau môn ngọt đem về xào cùng thật tuyệt vời.

Ngày nay, xã hội phát triển chỉ có ở những vùng quê mới còn có thể bắt gặp hình ảnh người dân đua nhau chao tôm vớt tép về ăn.

Thỉnh thoảng, gặp bà cụ gánh mấy món rau đồng từ bên kia cầu chợ Cua, có hôm bà cắt theo mấy bó môn ngọt (miền Bắc gọi là dọc mùng), là không thể bỏ qua bởi món ăn quê mùa này nó ngon thiệt tình không thua thứ đặc sản, cao lương nào đâu. 3 bó môn ngọt, bà cụ bán có 3.000đ- trời, dù bà bán 5.000đ tôi vẫn thấy rẻ.

22f229a784908d79d8c487b60eeae61a Dân dã lắm môn ngọt xào tép riu

Môn ngọt xào tép riu, món ngon mà quá rẻ Được mớ môn ngọt, liền chạy vội vào chợ Cua, mùa này tép riu 200g chỉ có 10.000đ. Vậy là ta có thể chế biến món nhà quê môn ngọt xào tép riu, cho 4- 5 người ăn thoải mái. Môn ngọt xào tép thì như mọi món xào khác, nhưng chỉ có người ở quê lâu năm mới hiểu cách chế biến đúng điệu của nó, không thôi sẽ mất ngon.

Sau khi tước vỏ, cắt khúc phải cho môn vào chảo trước với một ít nước, cốt cho cọng môn mềm lại và no nước, thì cho tép vào rồi mới cho chén gia vị gồm: mỡ, hành, tiêu, tỏi, tí xíu nước mắm (có thể ít đường, bột ngọt nếu cần) vào sau. Bởi nếu cho gia vị từ đầu, cọng môn sẽ hút, gia vị không đều.

Thật ra, món này cần hạn chế đường và bột ngọt, mới có thể thưởng thức và “lắng nghe” được cái chất ngọt đậm đà rất đặc trưng của cây môn ngọt và con tép riu. Ăn món ngon mà quá rẻ, làm nhớ mâm cơm quê một thời quẩn quanh rau cỏ bên nhà, mà không phải tốn tiền đi chợ.

Chỉ cần xách rổ đi xúc một hồi là cả thau tép, rồi tạt xuống mé mương cạn sau nhà cắt mấy cọng môn ngọt, tiện tay ngắt thêm mấy đọt bầu, đọt bí là xong. Con tép riu nhỏ xíu xiu, mà rất khoái khẩu vì thân nhỏ, vỏ mỏng tang mềm mại, mỗi lần ăn “quơ đũa” cả chục con nguyên râu ria mà rất mềm mại, nhai chậm nó ngọt lừ trong miệng, chớ không có cảm giác xảm xì như con tép thường.

Ăn cây môn ngọt cũng có nhiều kỷ niệm “khó đỡ” lắm, khi mà con nít… lỡ dại cắt nhằm cây môn ngứa, coi như bữa đó cả nhà được bữa “hít hà” đã đời vì ngứa miệng và cảm giác tăng tăng khó chịu nơi cổ họng. Hai loại này rất giống nhau và đều sống ở đất bùn cặp theo mé mương, đìa cạn, thân nhỏ hơn cọng bạc hà nhưng màu sậm hơn.

Cây môn ngọt được thiên nhiên “làm dấu” bằng cái chấm tròn cỡ ngón tay ở giữa tấm lá, còn môn ngứa không có. Người bán hay chừa lại tí lá là cũng để mọi người phân biệt. Đây là những cây mọc hoang, nên khi hái cần phân biệt thêm với cây rái rất ngứa, nhưng cây rái chỉ sống trên cạn, đất mùn như bạc hà, thân to, lá rộng và lâu năm có củ rất lớn (đây là cây thuốc quý có thể làm cây cảnh, nhưng nó ngứa thì… trời đất biết).

Mương đìa ngày xưa trong sạch tự nhiên, đã dưỡng nuôi biết bao nhiêu loài rau cỏ quý quanh nhà. Ngày nay, vườn ruộng, mương đìa sặc mùi thuốc nông nghiệp, lớp con người tận diệt không nương tay riết cũng chẳng còn con gì, cây gì sống nổi… bên cạnh chúng ta. Mới thấy, món dân dã ngày nay đã trở nên quý hiếm, nên nó ngon từ tế bào vị giác, ngon cho đến miên man nỗi nhớ một miền quê.

Theo (Vĩnh Long Online)


Các tin cùng chuyên mục