Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM mới đây đã có kiến nghị xem xét, nghiên cứu xây dựng quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt.
Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.
Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho rằng sau hơn 10 năm thực hiện, đã và đang xuất hiện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc như chênh lệch ngày càng cao giữa giá vàng thế giới trong nước và thế giới.
Sự chênh lệch này gây những yếu tố tâm lý nhất định đến thị trường, đặc biệt những lúc vàng biến động mạnh. Đồng thời phát sinh tồn tại, hạn chế khác từ thị trường đòi hỏi tiếp tục nâng cao công tác quản lý…
Khi tham mưu sửa nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã đưa ra loạt đề xuất. Trong đó kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc rủi ro thanh toán mua vàng miếng bằng tiền mặt.
Cụ thể, đề xuất này nhằm phòng ngừa các rủi ro, nguy cơ phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng đề xuất xem xét có cơ chế quản lý phù hợp, tránh độc quyền, lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.
Bình luận với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Thế Hùng – phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cho biết theo quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền hiện hành, các giao dịch trên 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
“Chủ trương của Chính phủ cũng là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tôi nghĩ hành lang pháp lý đã có, vàng cũng không thể là mặt hàng ngoại lệ. Do vậy, đề xuất nói trên cũng không tác động nhiều đến thị trường vàng”, ông Hùng nói.
Điểm quan trọng khi sửa đổi nghị định 24, ông Hùng đồng tình, phải bỏ được độc quyền vàng miếng. “Việt Nam duy trì việc độc quyền sẽ vẫn dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng cho rằng nếu giống các nước trên thế giới, coi vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa. Gốc vấn đề ở đây vẫn là hướng tới một thị trường mà người dân không còn muốn tích trữ vàng miếng.
Thực tế thời gian qua, có nhiều ý kiến và giải pháp khác nhau để quản lý thị trường vàng. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM vẫn nhấn mạnh quan điểm: vàng là loại hàng hóa đặc biệt có quan hệ trực tiếp đến ngoại tệ và tiền đồng, quản lý hiệu quả thị trường vàng có vai trò quan trọng.
Vì vậy, việc chỉnh sửa các quy định về thị trường vàng vẫn phải đảm bảo mục tiêu quan trọng của nghị định 24, đó là chống đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế, không ảnh hưởng đến tỉ giá.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng nhấn mạnh việc cần quy định trách nhiệm của các bên liên quan đến quản lý thị trường vàng (gồm cả vàng miếng, sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ). Đồng thời tăng thanh tra, kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm.
theo TTO