Những thói quen kiềm hãm sự nghiệp của giới trẻ


Tháng 10 này, chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống hướng tới khán giả trẻ với nhiều chủ đề đáng suy ngẫm liên quan đến công việc. Đây như một lời nhắc nhở để mỗi lao động trẻ sẽ tự ý thức hoàn thiện bản thân để cùng gia đình và xã hội vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế đang diễn ra khắp nơi.

Câu Chuyện Cuộc Sống Những thói quen kiềm hãm sự nghiệp của giới trẻ

Người trẻ và chuyện “việc nhẹ lương cao”

Không ít những lầm tưởng của một bộ phận giới trẻ hiện nay về đặc thù công việc được nhắc đến với cụm từ ‘việc nhẹ lương cao’. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Vui cho rằng: “Nhìn nhận “việc nhẹ lương cao” vẫn luôn là mong muốn của đa số người lao động. Tuy nhiên trên thực tế, chưa thấy có công việc nào thực sự nhẹ nhàng mà lương cao.” Chị cho rằng hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, song từ thực tế chị nhận thấy đúng là một bộ phận các bạn có ngộ nhận. Các bạn đang tự tin thái quá vào kiến thức được học từ giảng đường. Nhưng trong mắt của nhà tuyển dụng, chính sự va chạm trong thực tế và những thành quả từ công việc mới quyết định mức lương của các bạn.

Chuyên gia Huỳnh Ngọc Định nhận định: “Vẫn còn một số bộ phận giới trẻ vẫn tin chờ vào sự may mắn để có một công việc lương cao nhưng không vất vả. Tuy nhiên, chuyên gia này bác bỏ giới trẻ thích “việc nhẹ lương cao” đang là xu hướng hiện nay, mà chỉ là thực tế của một số bạn trẻ chưa trưởng thành về nhận thức, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, không tự tin vào năng lực bản thân và không dám vượt qua cái tôi hiện tại.

Thực chất “việc nhẹ, lương cao” vẫn là khái niệm hết sức mơ hồ và gần như hiếm có trong thị trường làm việc. Để nhận được mức lương tốt, người làm việc buộc phải bỏ ra công sức, giá trị tương ứng. Các nhà tuyển dụng thường vấp phải sự thất vọng trước mức lương cao rất đỗi mơ hồ của các bạn sinh viên mới ra trường đối với công việc trong khi bản thân họ chưa biết có thể làm được gì cho tập thể. Rất nhiều bạn trẻ chỉ mơ được làm ở một môi trường tốt, ít cạnh tranh, cơ hội thăng tiến nhiều và lương cao trong khi nhìn lại thì bản thân thiếu đủ thứ, từ năng lực chuyên môn cho đến các kỹ năng mềm nhưng lại ngại khó, ngại khổ và lười…nâng cao kiến thức cho bản thân.

Loại bỏ thói quen cẩu thả trong công việc

Cụm từ “làm việc cẩu thả” có lẽ sẽ khiến bạn liên tưởng đến những nhiệm vụ công việc được thực hiện một cách hời hợt, ẩu tả; hay những văn bản chi chít lỗi chính tả, hay là những hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng mục đích và mục tiêu của cả đội ngũ. Cẩu thả trong công việc có thể hủy hoại sự nghiệp của môt người, phá hỏng tinh thần làm việc của một nhóm và thậm chí là làm lụi tàn sự thành công của một tổ chức. Do đó, việc xác định những thói quen xấu dẫn đến sự cẩu thả trong công việc của mọi thành viên trong đội ngũ là một việc làm rất quan trọng.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người làm việc cẩu thả. Ví dụ, sự phân bổ thời gian không hợp lý; hoặc thói quen trì hoãn, “nước đến chân mới nhảy”; hoặc do không nhận ra tầm quan trọng của việc kiểm tra công việc kĩ lưỡng. Không ít người chỉ cố gắng cuốn chiếu công việc môt cách vội vàng vì họ muốn trải nghiệm cảm giác phấn khích khi hoàn tất một dự án, hoặc có những người quá thiếu tham vọng và động lực để làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Hệ quả là, họ không mảy may quan tâm đến chất lượng công việc. Sự cẩu thả trong công việc cho thấy một người không thực sự hứng thú trước nhiệm vụ được giao, hoặc là mức độ cam kết của họ với công việc quá thấp.

Nếu bạn có một trong số những biểu hiện của tính cẩu thả, hãy theo dõi một vài biện pháp hạn chế, thay đổi tính cẩu thả trong công việc như sau:

–       Lập kế hoạch công việc, thời gian,… và thực hiện tuần tự để tránh sai sót.

–       Đặt thông báo, nhắc nhở về các kế hoạch quan trọng trong công việc.

–       Làm việc cẩn thận, chậm rãi để hạn chế tối đa các sai sót có thể xảy ra.

–       Nhờ đồng nghiệp hướng dẫn, nhắc nhở thêm về các lưu ý quan trọng bạn thường quên khi làm việc.

–       Tạm dừng công việc, nhiệm vụ nếu có việc gấp, không thể tập trung,…

Thói quen ngụy biện

“Sự ngụy biện” đã ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, muôn hình vạn trạng, và luôn ẩn giấu trong tư duy của chúng ta. Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện thường gặp, có một tâm lý cơ bản hiện rõ ra khi tham gia thảo luận, đó chính là tâm lý tranh đấu, hiếu thắng và không hề tôn trọng người đối diện. Thêm vào đó, chúng ta cũng hay bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông, lợi dụng tâm lý đám đông để che đi trách nhiệm của bản thân mình.

Không có ai dám nhận trách nhiệm, hoặc có nhưng chỉ là nửa vời thì ngụy biện vẫn còn đất sống. Đã đến lúc phải rõ ràng, sòng phẳng trách nhiệm và quyền lợi. Anh làm sai, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm chứ không đơn thuần là ngụy biện, sau đó cùng lắm là rút kinh nghiệm. Mà sợi dây kinh nghiệm càng rút sẽ càng dài – như cách nói hài hước hiện nay. Quan trọng hơn, hãy từ bỏ “thói quen” đổ lỗi, “thói quen” không chịu, không dám nhận trách nhiệm. Căn cơ hơn nữa là mạnh dạn sử dụng các chế tài để xử lý những người có “thói quen” này.

Vẫn còn rất nhiều chủ đề xoay quanh những thói quen cần loại bỏ nơi công sở của giới trẻ sẽ được phát sóng trong các số tiếp theo. Đừng quên khung giờ lúc 19h50 thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần trên THVL1.

LC/Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục