Đàn bà khổ hóa ra vì đàn bà thích khổ và vì đàn bà thích làm cho đàn bà khổ…
Bẩm sinh đàn bà thích… khổ
Đàn bà khổ vì đàn bà phải kể… khổ. Cái chuyện khổ của đàn bà nhiều lúc giống như “thẻ hội viên” để gia nhập hội đàn bà vậy. Không nhiều chuyện không phải đàn bà, không bà tám thì không giống phụ nữ. Vậy nên muốn giống đàn bà thì ít nhiều phải bà tám, phải nhiều chuyện. Dù vậy, không phải cứ khề khà bên bia rượu, ồn ào đủ thứ trên trời dưới đất như đàn ông là được hội đàn bà chấp nhận. Hội đàn bà có quy luật của đàn bà và sẽ nhanh chóng giải tán vĩnh viễn nếu suốt ngày bàn về: Việt Nam mới sắm tàu ngầm, Mỹ mới đưa ra chính sách hay, kinh tế Pháp tăng trưởng… Không cần bia rượu để duy trì, hội đàn bà tồn tại dựa trên nhưng chuyên đề mà không nhà nghiên cứu nào có thể viết được hồi kết: chuyên đề nói xấu chồng, chuyên đề nói xấu cha mẹ chồng, chuyên đề nói xấu bạn gái cũ của chồng, chuyên đề nói xấu những người không hài lòng, vân vân và vân vân. Nếu đàn bà mà cứ như đàn ông không thèm thù vặt, nhớ dai, “nhai lại” chuyện cũ thì lấy đâu ra chuyện để tám, để duy trì hội đàn bà. Vậy là bằng mọi giá, đàn bà cứ ôm khư khư cái chuyện khổ từ bé bé đến hơi lơn lớn của mình, tuyệt đối không chịu quên, khi nào cần thì lôi ra tám sôi động, kể nhiệt tình. Cứ thế, cứ thế, tích luỹ lâu ngày đàn bà có cả kho chuyện để kể khổ, rồi thấy mình khổ.
Đàn bà khổ còn vì đàn bà còn thích mình… khổ. Cái chuyện khổ nhiều lúc hấp dẫn như việc shopping vậy. Một đám đàn bà ngồi tám với nhau, cô A than khổ một thì cô B bằng mọi giá phải giành mình khổ gấp đôi, tệ nhất là gấp rưỡi, cô C cũng không kém chị kém em rằng: không ai khổ bằng mình. Cả đám đàn bà cứ thế nhao nhao lên giành nhau sự khổ, ai thắng trong lần tám về sự khổ cũng thấy… sướng. Sướng vì mình khổ nhất. Ấy vậy sang hôm sau, cả đám đàn bà lại tám với nhau. Cô A khởi xướng rằng em sướng lắm, được chồng cưng, con giỏi, cô B lại chẳng vừa: chồng chị số một, con chị nhất lớp, cô C chưa chồng cũng ráng gân cổ ca tụng người yêu. Tất cả lại giành nhau xem ai sướng nhất. Cuộc chiến giành sự sướng này chẳng bao giờ ngã ngũ cho đến khi… hết giờ tám. Cô A đem sự sướng của cô B về đay nghiến chồng, cô B đem sự sướng cô C về mắng nhiếc chồng, cô C cũng đem sự sướng của mấy bà chị về hờn mát người yêu. Và rồi tất cả đàn bà đều thấy mình khổ vì cái sướng của người ta mình không có.
Số đông đàn bà ủng hộ sự… khổ
Đàn bà khổ vì số đông đàn bà giúp đàn ông… sướng. Vừa sinh ra đời, các bé trai đã được các bà, các mẹ hoan nghênh chào đón hơn các bé gái. Lớn lên chút nữa, trong khi các cô gái phải túi bụi lo cơm nước, chén bát, giặt giũ tươm tất thì các chàng trai lại được các bà, các mẹ dung dưỡng, tha hồ tung tăng sáng đánh khăn, chiều thả diều, khi bóng đá lúc chơi game. Mãi đến khi ra xã hội, đàn ông đi kiếm tiền, đàn bà cũng kiếm sống. Đàn ông áp lực xã hội, đàn bà cũng gánh vác bộn bề lại gồng gánh thêm chuyện cơm nước, chén bát. Rồi đàn bà lại làm mẹ, làm bà, lại sinh ra con trai, con gái, lại tiếp tục dạy con trai thả diều, chơi game và dạy con gái rửa chén, giặt giũ. Cứ thế, cứ thế, đàn bà tạo ra một cái nếp hết sức bất bình đẳng từ đời này đến đời khác, rồi lại ngồi tám với nhau rằng: Ừ, làm đàn bà thật khổ.
Đàn bà khổ vì đàn bà thích làm cho đàn bà khổ. Nói không đâu xa, ngay cái vụ scandal đình đám của cô ca sĩ họ Hồ, đàn bà chỉ chửi đàn bà và tẩy chay đàn bà. Trong khi đó gã đàn ông trong cuộc chẳng mấy ai đề cập đến, nếu có thì cũng lướt qua 1 chút rồi quay lại tiếp tục chửi đàn bà. Hình như đàn bà chỉ có hứng thú chửi đàn bà. Họ thích ngọt ngào, duyên dáng với cánh đàn ông hơn, dù tội lỗi thì đàn ông hay đàn bà đều phạm như nhau. Rõ ràng đàn bà góp phần làm cho đàn bà khổ.
Và cuối cùng, đàn bà khổ vì số đông đàn bà không chịu hết khổ. Trong khi cả thế giới kêu gọi bình đẳng nam nữ, số đông đàn ông cũng bắt đầu mềm lòng xuôi theo, sẵn sàng nấu cơm, rửa bát, trông con, thì không ít đàn bà lại xua tay đuổi chồng ra khỏi gian bếp, giành lấy tất tần tật những công việc nội trợ, con cái như đặc quyền bất khả xâm phạm. Đàn bà vừa đánh thức tiềm năng của mình, cố gắng vươn lên chút địa vị xã hội, vừa mấp mé hơn ông chồng chỉ một chút tẻo tèo teo đã vội “tụt xuống”, quay về nhà bếp, phòng ngủ để cố thủ giữ chồng, để “canh me” chồng giữa một “rừng” đàn bà không thèm bình đẳng. Đàn ông được đàn bà dung dưỡng, được đàn bà tôn vinh và hiển nhiên nhận lấy những đặc quyền, những ưu đãi mà đàn bà trìu mến giao mình nhận. Cứ thế, cứ thế, đàn bà lại gặp nhau lại than khổ, lại đổ lỗi cho đàn ông. Đàn ông “thấp cổ bé họng”, nhận giải “sướng”, nên phải gánh thêm 1 nỗi khổ là ngồi nghe đàn bà than khổ.
Chung quy, phải chăng đàn bà khổ là tại đàn bà?
Dương Bảo Thuỷ/Lifestyle